Giới hạn thời gian 'ăn mừng' nơi công cộng – tại sao không?

Người Việt có câu 'cuộc vui nào cũng đến lúc tàn'. Lời của dân gian khá phổ biến này, thiết nghĩ đã đến lúc cần áp dụng thành qui định đối với các hoạt động mang tính cổ vũ nhưng gây huyên náo nơi công cộng.

Không khí ăn mừng trên đường phố đêm ngày 2.12 (ảnh: LDO).

Nhìn từ cuộc vui “ăn mừng” chiến thắng đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3.12 vừa qua, nếu chúng ta chưa có qui định cụ thể giới hạn giờ giấc vui chơi gây huyên náo nơi công cộng, trên các đường phố, thì rất dễ trở thành hành vi gây mất trật tự và làm mất giấc ngủ của cư dân nói chung.

Bởi suy cho cùng, những người xuống đường “ăn mừng”, dù đông đảo nhưng cũng chỉ là một bộ phận nhỏ công dân trong xã hội. Còn đa phần người dân, sau một ngày làm việc vất vả và mệt nhọc, họ cần được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Trong đó, nhiều người cần được yên tĩnh nghỉ ngơi sớm vì hôm sau phải thức dậy sớm đi làm.

Nhìn ra xung quanh một số nước trong khu vực Châu Á, việc xuống đường cổ vũ hay ăn mừng cho các đội tuyển thể thao của quốc gia là chuyện diễn ra thường tình. Tuy nhiên, cái khác của họ, là hoạt động được giới hạn ở một số khu vực nhất định chứ không được phép tập trung số đông chạy hết đường này qua phố nọ gây ra cản trở giao thông. Và càng không được phép gây ồn ào, huyên náo vượt quá mức đềxiben cho phép trên các con phố suốt đêm cho tới mờ sáng.

Thường thì đám đông chỉ được tập trung tại một số khu vực, nơi có khoảng không gian rộng và thoáng, xa khu dân cư, như công viên, quảng trường, và cũng chỉ kéo dài đến một thời điểm nhất định. Bởi sau đó, không gian phải được trả lại cho bộ phận dọn dẹp vệ sinh nhằm tái tạo bộ mặt phố xá sạch sẽ, khang trang cho sáng hôm sau.

Cái cách cổ vũ, “ăn mừng” thâu đêm suốt sáng như ở xứ ta, vui thì vui đó nhưng cũng kéo theo những hệ lụy khiến bao người khác trong khu vực thành ra phải chịu đựng như một cực hình: Ngủ thì không ngủ được vì quá ồn ào, thức thì mệt mỏi, hôm sau đến công sở, nhà máy trong trạng thái bơ phờ…

Hệ lụy càng lớn hơn khi xảy ra những kiểu ăn mừng quá khích như đua xe, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách… trên đường nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.

Qui định là một nhẽ nhưng một yếu tố rất quan trọng nữa nếu không muốn nói là quyết định. Đó là ý thức của những người dân xuống đường cổ vũ, ăn mừng một cách văn minh thì sẽ hạn chế được những vi phạm hay những hình ảnh, hành vi không đẹp gây ảnh hưởng tới người khác và an ninh trật tự.

Dạ Thảo

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/gioi-han-thoi-gian-an-mung-noi-cong-cong--tai-sao-khong-644823.ldo