Giới hạn quy mô dự án PPP sẽ khó thu hút các nhà đầu tư

Sáng 19-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Qua thảo luận, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan...

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) phát biểu ý kiến.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) khẳng định, việc áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư ở Việt Nam mặc dù là đã muộn nhưng vẫn kịp thời nếu được triển khai hiệu quả, binh bạch. Đại biểu cho rằng, điều quan trọng hiện nay là làm sao để ban hành được một bộ luật về lĩnh vực này với những điều khoản, quy định cụ thể, khoa học vì thời gian qua đã xảy ra nhiều bất cập trong hoạt động đầu tư theo hình thức này, điển hình như cách thức, thời gian và mức thu phí trong các dự án BOT chưa xác định được rõ ràng... Đại biểu cho rằng, các công trình công sau khi đã khai thác xong và bàn giao vẫn phải bảo đảm có giá trị chứ không thể để xảy ra hư hỏng, mất giá trị như hiện nay. Vì vậy, dự thảo luật phải có những quy định rõ ràng, vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đồng ý với sự cần thiết ban hành luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư PPP, thu hút có hiệu quả nguồn lực tư nhân đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, phát triển kinh tế-xã hội, nhằm thực hiện chủ trương pháp luật về đầu tư. Đại biểu dẫn chứng tại Quảng Ninh, thực hiện chủ trương chính sách pháp luật về đầu tư PPP trong thời gian qua đã đạt kết quả bước đầu, tổng vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công tư trên địa bàn đã đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, với 50 dự án đầu tư vào các lĩnh vực như: Kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công... Qua phân tích cho thấy, cứ 1 đồng ngân sách hỗ trợ từ đầu tư của ngân sách của tỉnh đã huy động được 9 đồng đầu tư từ khu vực tư nhân; đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng đường cao tốc, cảng hàng không, cảng khách quốc tế và các dự án thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao, trụ sở làm việc, trụ sở cơ quan, hạ tầng khu kinh tế, thương mại...

Theo đại biểu, thực hiện chủ trương đầu tư theo hình thức PPP thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên, pháp luật quy định về đầu tư theo hình thức PPP mới chỉ quy định ở cấp Nghị định của Chính phủ nên còn phụ thuộc nhiều vào các luật khác. Do đó, việc xây dựng luật là cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế, khắc phục những bất cập trong thời gian qua.

Quy mô đầu tư của dự án PPP (khoản 2 Điều 5) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Theo Tờ trình dự thảo luật, quy định quy mô tối thiểu đầu tư của dự án PPP là 200 tỷ đồng.

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, mức đầu tư tối thiểu như vậy chưa phù hợp. Thực tế, nhiều dự án đầu tư theo các hình thức đầu tư có quy mô dưới 200 tỷ đồng, có dự án có quy mô 20 tỷ đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực. “Nếu quy định như dự thảo luật sẽ hạn chế hoạt động đầu tư theo hình thức PPP vào các lĩnh vực mà nhà nước đang khuyến khích huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân như y tế, giáo dục, thể thao, môi trường hay các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Đề nghị ban soạn thảo không nên quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu như dự thảo luật để phù hợp hơn với các lĩnh vực đầu tư”- đại biểu kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cũng cho rằng, quy mô tổng mức đầu tư của dự án theo quy định trong dự thảo Luật không thấp hơn 200 tỷ đồng là không hợp lý, khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhiều hơn vào các dự án. Đề nghị cân nhắc quy định này.

Còn đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) thì đề nghị, cơ quan soạn thảo nên điều chỉnh theo hướng giao Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ đồng. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định với các quy định tương tự luật này nhưng ở mức độ đơn giản hơn, phù hợp với các dự án quy mô nhỏ.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 19-11.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, bảo đảm lợi ích cho nhà nước, nhà đầu tư và người dân là trọng tâm thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm thu hút khu vực đầu tư tư nhân.

Ở góc độ khác, một số đại biểu cũng quan tâm đến các cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng. Theo các đại biểu, cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng được các nhà đầu tư rất quan tâm. Nếu không có các cơ chế bảo đảm đầu tư thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế bảo đảm này thì nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể gây những hệ lụy lớn cho ngân sách về dài hạn. Dự thảo luật đã đưa ra một số biện pháp bảo đảm song lại chưa có các quy định để phòng ngừa và quản lý rủi ro của các biện pháp bảo đảm đầu tư này. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/gioi-han-quy-mo-du-an-ppp-se-kho-thu-hut-cac-nha-dau-tu-602924