Giới đầu tư thận trọng tìm kiếm hy vọng mới

Phố Wall đi ngang trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/12) khi giới đầu tư chưa tìm thấy được nhiều động lực.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Năm chịu ảnh hưởng bởi báo cáo thất nghiệp đáng thất vọng, song giới đầu tư vẫn đang tìm kiếm hy vọng từ những nhà lập pháp tại Washington về gói viện trợ kinh tế mới.

Đầu ngày thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ báo cáo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng thêm 137.000 người, lên mức 853.000 người, cao hơn nhiều so với con số dự báo trước đó là 725.000 và là mức cao nhất kể từ giữa tháng 9.

Thị trường lao động phục hồi chậm chạp với sự gia tăng chóng mặt của các ca nhiễm Covid-19 gần đây đã gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra một gói giải cứu khác, vì hầu hết nguồn viện trợ tài chính của chính phủ cho người Mỹ và các doanh nghiệp đã cạn kiệt.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố, cuộc đàm phán giữa các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ về gói viện trợ Covid-19 đang đạt được “rất nhiều tiến bộ” và sẽ tiếp tục được tích cực thảo luận trong vài ngày tới.

Trong khi đó, sau khi Hạ viện Mỹ đã thông qua, cuộc bỏ phiếu gia hạn ngân sách tạm thời để duy trì hoạt động của chính phủ thêm một tuần tại Thượng viện có thể có thể phải đến thứ Sáu mới diễn ra, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune cho biết. Đây là cách để các nhà lập pháp có thêm thời gian nhằm tìm kiếm sự đồng thuận, song Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng cảnh báo, các cuộc đàm phán có thể kéo dài đến Giáng sinh.

Mọi sự chú ý vào cuối phiên đổ dồn cho cuộc họp giữa các cố vấn độc lập với Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về vấn đề cấp phép khẩn cấp khẩn cấp vắc-xin Covid-19 của hãng dược Pfizer nhằm sớm tiêm chủng đại chúng ở Mỹ.

Theo kết quả vừa được công bố, các cố vấn đã ủng hộ để FDA mở chiến dịch tiêm chủng bằng vắc-xin này. Giới chức Mỹ nói rằng việc tiêm chủng có thể bắt đầu ngay trong cuối tuần này.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Dow Jones giảm 69,55 điểm (-0,23%), xuống 29.999,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,72 điểm (-0,13%), xuống 3.688,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 66,86 điểm (+0,54%), lên 12.405,81 điểm.

Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo tăng trưởng chậm hơn tại khu vực Eurozone trong năm tới, ngay cả khi cơ quan này tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa hỗ trợ.

Cụ thể, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, GDP của Eurozone dự kiến sẽ tăng 3,9% trong năm tới, chậm hơn so với mức dự báo hồi tháng 9 là 5%. Tuy nhiên, sang đến năm 2022, tăng trưởng GDP tại khu vực có thể tăng lên 4,2%, cao hơn mức dự báo trước đó là 3,2%.

ECB cũng quyết định tăng quy mô tổng thể của Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) thêm 500 tỷ euro, phù hợp với kỳ vọng của thị trường và cũng kéo dài chương trình này thêm 9 tháng đến tháng 3/2022.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 35,47 điểm (+0,54%), lên 6.599,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 44,53 điểm (-0,33%), xuống 13.295,73 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 2,83 điểm (+0,05%), lên 5.549,65 điểm.

Chứng khoán châu Á khó khăn kiếm lời sau khi chứng khoán Phố Wall đêm qua đỏ lửa, cũng như rủi ro liên quan đến đàm phán thương mại giữa Anh và EU tăng lên.

Tại thị trường Nhật Bản giảm điểm giữa bối cảnh các nhà đầu tư đẩy mạnh bán chốt lời.

Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ không đáng kể khi dữ liệu tín dụng tốt hơn dự kiến bù đắp cho việc phố Wall loại bỏ một số công ty Trung Quốc, bao gồm Hikvision khỏi bộ chỉ số chứng khoán và trái phiếu của S&P Dow Jones Indices (Mỹ).

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 61,70 điểm (-0,23%), xuống 26.756,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,31 điểm (+0,04%), lên 3.373,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 92,25 điểm (-0,35%), xuống 26.410,59 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 9,01 điểm (-0,33%), xuống 2.746,46 điểm.

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Năm khi các nhà đầu tư loay hoay trước nhiều biến động trên thị trường.

Kết thúc phiên 10/12, giá vàng giao ngay giảm 2,90 USD (-0,16%), xuống 1.836,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 ngay giảm 1,10 USD (-0,06%), xuống 1.833,40 USD/ounce.

Giá dầu tăng vọt trong phiên này thứ Năm, với dầu Brent tăng trên 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3, trong bối cảnh thị trương đang rất kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu sẽ phục hồi nhanh hơn khi các nước bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Anh đã bắt đầu tiêm chủng trong tuần này và Mỹ có thể bắt đầu tiêm chủng ngay cuối tuần này. Canada hôm thứ Tư đã phê duyệt loại vắc-xin đầu tiên và cho biết lô vắc-xin đầu tiên sẽ được phân bổ bắt đầu từ tuần tới.

Kết thúc phiên 10/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,26 USD (+2,8%), lên 46,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,39 USD (+2,8%), lên 50,25 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-than-trong-tim-kiem-hy-vong-moi-post257219.html