Giới đầu tư kỳ vọng khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động M&A

Những tranh luận xung quanh các điều khoản của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vẫn chưa hết nóng. Sẽ còn nhiều ý kiến gửi về cho Ban Soạn thảo tổng hợp, hoàn tất trước khi trình Chính phủ.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ có hiệu lực, với hàng loạt quy định mới liên quan đến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Dòng tiền chững lại bởi Covid-19 thời gian qua đang đón lõng các kế hoạch tái cơ cấu của doanh nghiệp, các tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, cũng như xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng nhờ sự xuất hiện của những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Lúc này, giới đầu tư đang cần các quy định, thủ tục cụ thể, minh bạch, rõ ràng và thống nhất để nhanh chóng hiện thực hóa cơ hội kinh doanh.

Việc lựa chọn hình thức đầu tư phụ thuộc hoàn toàn vào nhà đầu tư, những người sẽ phải trả lời cho câu hỏi đổ tiền vào đâu, như thế nào để sinh lời.

M&A là sự lựa chọn đang được cho là hấp dẫn trong bối cảnh cơ hội đầu tư, kinh doanh không nhiều, không rõ ràng, nên cần quyết định nhanh, gọn và tiết kiệm chi phí.

Nhưng để hoàn thiện quy trình này, bên cạnh cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy; các cuộc đàm phán, ký kết hợp đồng giữa các bên, sự thành công của M&A được quyết định rất lớn bởi thủ tục liên quan. Lý do là hoạt động của một dự án liên quan rất nhiều nội dung, lĩnh vực thuộc nhiều cơ quan quản lý khác nhau, đặc biệt là các nghĩa vụ liên quan đến thuế, công nợ, tài sản, quan hệ đối tác, đất đai, các chính sách ưu đãi hay điều kiện kinh doanh phải tuân thủ.

Nếu quy trình, thủ tục không rõ ràng, thì nhà đầu tư sẽ không nhìn thấy con đường phải đi để kết thúc quy trình M&A. Rất có thể, họ sẽ ngần ngừ khi bước chân vào cho dù cơ hội ở trước mắt.

Không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính cơ quan quản lý cũng cảm thấy khó khăn khi phải quyết định nhiều nội dung được quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật với những quy trình khác nhau, chưa kể các cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đang dày lên theo bước hội nhập sâu rộng hơn của nền kinh tế. Trên thực tế, không ít thương vụ M&A phải chờ đợi khá lâu để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra ý kiến của mình. Điều này đã tác động tiêu cực tới các bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.

Cho tới thời điểm này, các quy định hiện hành mới đã làm rõ hình thức góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng dự án. Nhưng những hình thức M&A mới mở ra, đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm, gồm tổ chức lại, hợp nhất, chia tách dự án, cũng như cơ chế ưu đãi đặc thù cho hoạt động M&A trong lĩnh vực khởi nghiệp, sáng tạo đang chờ Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Có nhiều câu hỏi được đặt ra. Đó là điều kiện nào để được công nhận là M&A trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo để được hưởng ưu đãi? Đó là thủ tục hợp nhất, chia tách sẽ được nhà đầu tư thực hiện bắt đầu từ đâu, hồ sơ ra sao, trong thời gian bao lâu, có cần phải thực hiện quy trình chấp thuận đầu tư hay không?... Ngay cả thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cũng cần làm rõ thêm sau khi Luật Đầu tư đã bỏ thủ tục cho các hoạt động mua bán không làm thay đổi cơ cấu sở hữu trong doanh nghiệp...

Rõ ràng, giới đầu tư thực sự trông chờ vào cơ hội từ hoạt động M&A và trông chờ vào sự rõ ràng, minh bạch của cơ chế, chính sách.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gioi-dau-tu-ky-vong-khung-phap-ly-hoan-chinh-cho-hoat-dong-ma-d133586.html