Giới đầu tư hụt hẫng trước phát biểu của Chủ tịch Fed

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ tư liên tiếp vào thứ Năm (3/11), khi các nhà đầu tư nhận thấy Fed sẽ tiếp tục con đường tăng lãi suất dài hơn những gì đã nghĩ trước đây.

Thị trường ban đầu đã tăng điểm sau khi thông báo rộng rãi chính sách của Fed vào thứ Tư, điều này dường như xác nhận hy vọng Fed sẽ bắt đầu giảm tốc độ và quy mô của lộ trình tăng lãi suất.

Nhưng các bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng, còn "rất sớm" để suy nghĩ về việc tạm dừng tăng lãi suất đã khiến Phố Wall giảm từ sớm trong phiên hôm qua, khi lợi suất trái phiếu và đồng USD Mỹ tăng.

Theo đó, ông Powell cho biết, còn quá sớm để thảo luận về việc tạm ngừng nâng lãi suất và cái gọi là mức “lãi suất cuối cùng”, hoặc mức lãi suất đạt đỉnh có thể sẽ cao hơn so với Fed tuyên bố trước đây.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2007, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 9 điểm cơ bản lên 4,15%.

Cổ phiếu các công ty tăng trưởng megacap và công nghệ nhạy cảm với lãi suất đều giảm với Apple, giảm 4,24% và Alphabet mất 4,07% và kéo theo chỉ số công nghệ và dịch vụ truyền thông các ngành hoạt động kém nhất trong phiên.

Hiện các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ báo cáo bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu, để tìm những dấu hiệu cho thấy việc Fed tăng lãi suất đang bắt đầu có tác động đáng chú ý đến thị trường việc.

Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Dow Jones giảm 146,51 điểm (-0,46%), xuống 32.001,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 39,80 điểm (-1,06%), xuống 3.719,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 181,86 điểm (-1,73%), xuống 10.342,94 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm sau khi Fed ám chỉ về việc tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,93% xuống 409,55 điểm, với các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như công nghệ và bất động sản lần lượt giảm 2,3% và 2,9%.

Trong khi hầu hết các chỉ số ngành chính đều giảm, các ngân hàng và công ty bảo hiểm vẫn đứng vững với mức tăng 0,4% và 0,2%.

Patrick Armstrong, Giám đốc đầu tư tại Plurimi Wealth cho biết: “Chủ tịch Fed dường như đã chỉ ra rằng tốc độ tăng sẽ chậm lại, nhưng có thể tăng nhiều hơn dự đoán của thị trường trong suốt năm tới,” Patrick Armstrong, Giám đốc đầu tư tại Plurimi Wealth cho biết.

Thị trường chứng khoán châu Âu tăng ba ngày trong số bốn phiên trước quyết định của Fed, nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III tốt hơn mong đợi. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế kể từ đó xuất hiện đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy khu vực đồng euro đang dần rơi vào suy thoái .

Khi lạm phát khu vực đồng euro ghi nhận mức cao kỷ lục mới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra những tín hiệu diều hâu tương tự từ đối tác bên kia Đại Tây Dương là bám sát chu kỳ tăng lãi suất nhanh.

Mặt khác, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rằng Anh phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài và dự kiến công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%, lên mức 3%, mức điều chỉnh lãi suất cao nhất kể từ năm 1989 tại cuộc họp chính sách ngày 3/11.

Kết thúc phiên 3/11: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 44,49 điểm (+0,62%), lên 7.188,63 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 126,55 điểm (-0,95%), xuống 13.130,19 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 33,60 điểm (-0,54%), xuống 6.243,28 điểm.

Giá dầu thô giảm khi tại Trung Quốc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 và các vùng phong tỏa mới để kiềm chế dịch làm ảnh hưởng mạnh đến kỳ vọng nhu cầu tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất cũng đã dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, mức lỗ được hạn chế do lo ngại về nguồn cung khan hiếm.

Kết thúc phiên 3/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,83 USD/thùng (-2,08%), xuống 88,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,49 USD/thùng (-1,57%), xuống 94,67 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-hut-hang-truoc-phat-bieu-cua-chu-tich-fed-post309270.html