Giỏi đại trà

Một người bạn của tôi mới tốt nghiệp cử nhân văn bằng 2 của một trường đại học. Thấy bạn cầm tấm bằng xếp loại giỏi, tôi chúc mừng kết quả bạn đã cố gắng nỗ lực trong suốt thời gian học tập vất vả. Cứ tưởng bạn tự hào về kết quả đó, ai dè bạn phân trần: 'Có gì đâu mà phải chúc mừng, giỏi gần hết lớp cơ mà'.

Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên: “Trước đây học phổ thông, rồi lên đại học việc chấm điểm khắt khe lắm, phấn đấu rất vất vả, may ra cả lớp cũng chỉ vài ba người giỏi thôi. Vậy mà giờ lớp cậu giỏi tới hơn 80%, không biết có bí quyết gì không vậy?”. Bạn tôi giải thích: “Bí với quyết gì hả cậu, chỉ tiêu ngay từ đầu khóa đưa ra là 100% khá, giỏi, còn tỷ lệ khá, giỏi là bao nhiêu không quan trọng”.

“Kế hoạch đưa ra để phấn đấu còn nội lực của từng người nữa chứ, chẳng nhẽ lớp cậu toàn người giỏi đi học à? Mà giỏi rồi thì cần gì phải học cho tốn công mất sức chứ?”, tôi băn khoăn.

Bạn trầm ngâm hồi lâu rồi bảo: “Nói là bằng giỏi cho oai chứ giỏi cũng dăm bảy loại, ngoài những người phấn đấu học tập thực sự, còn có những người chỉ lên lớp cho đủ quân số thôi. Cứ nhìn vào bảng điểm cộng vào chia ra rồi công nhận là giỏi ấy mà, chứ thực ra năng lực thực tế có mấy người được như vậy. Mà điểm thì thầy cô “làm được” nên chấm cũng rất hào phóng”. Tôi hỏi lại: “Thế khảo thí, thanh tra đào tạo chẳng nhẽ tất cả đều làm qua loa đại khái à?”. Bạn nói với giọng quả quyết: “Thì giấy trắng mực đen vẫn còn lưu đó. Thi các học phần chủ yếu làm tiểu luận, cứ tham khảo chỗ này một tý, sao chép chỗ kia một tẹo, “xào xáo” thế là thành bài của mình. Làm việc kết thúc học phần theo nhóm, sản phẩm chấm điểm chung người tích cực cũng như người bình thường, thế nên điểm cứ sàn sàn như nhau là vậy. Thêm vào đó cử nhân văn bằng 2 vừa học vừa làm bao giờ cũng được ưu tiên hơn. Toàn cán bộ đi học cả, chẳng nhẽ lại chấm điểm thấp như mấy em tân sinh viên. Rồi lại cả nể vì tuổi tác cao, nâng đỡ chút để cho bảng điểm đẹp, tạo điều kiện để sau này về cơ quan công tác được thuận lợi... Tất tần tật mọi lý do đều khiến cho việc chấm điểm cứ nới rộng ra rồi nâng đến “kịch trần”.

Tôi bày tỏ sự lo lắng: “Kiểu chấm điểm dễ dãi đó không sợ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như uy tín của nhà trường hay sao?”. Bạn bình thản như chuyện thường ngày ở huyện: “Ôi dào! Thời buổi trường lớp cứ thi nhau mở ra, người học thì ít mà các trường đua nhau làm truyền thông, tư vấn tuyển sinh mời sinh viên đến học, mà đã vào được là ra được. Còn sau khi tốt nghiệp, nhà trường hết trách nhiệm quan tâm gì đến chất lượng đào tạo. Người học chỉ giỏi trên giấy tờ chứ khi ra thực tiễn chắc gì đã đáp ứng được công việc chuyên môn. Thực tế là cái bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn rất nặng nề. Người học thì thích điểm cao, mục đích học thì mỗi người khác nhau, có thể là để hợp lý hóa bằng cấp, có thể là học để lấp khoảng thời gian chờ việc, hay học để “trang trí” hồ sơ lý lịch thêm đẹp thêm oai chứ có người học xong cũng chẳng sử dụng đến kiến thức ấy. Còn nhà trường thì thích báo cáo kết quả tốt. Đạo tạo được nhiều sinh viên giỏi càng đánh bóng tên tuổi cho nhà trường, càng hấp dẫn người đến học”.

Những lời tâm sự của bạn giúp tôi thêm hiểu về những tấm bằng giỏi kiểu đại trà hình thức đào tạo vừa học vừa làm hiện nay. Thiết nghĩ chỉ một từ “giỏi” trên tấm bằng tốt nghiệp không thể đánh giá chính xác được trình độ, năng lực của một người cụ thể, mà điều đó phải được kiểm chứng qua thực tiễn. Thế nên chính thực tiễn hoạt động công tác mới là những tấm bằng đánh giá sát đúng nhất năng lực, trí tuệ của mỗi người.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/gioi-dai-tra-618859