Giới chuyên gia nói gì về việc Fed hạ lãi suất?

Kết thúc phiên họp chính sách tháng 7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, ghi nhận đợt hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm qua.

Fed quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, ghi nhận đợt hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm qua.

Fed quyết định hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, ghi nhận đợt hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm qua.

Một số nhà theo dõi thị trường cho rằng quyết định hạ lãi suất của Fed là một bước ngoặt có thể làm thay đổi thị trường Mỹ và thế giới trong tương lai.

Ngay sau bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng: "Điều thị trường muốn nghe từ Powell và Fed là đây chỉ là khởi đầu của một chu kỳ giảm lãi suất kéo dài, mạnh tay, bắt kịp Trung Quốc, Liên minh châu Âu cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, như mọi khi, Powell lại làm chúng ta thất vọng nhưng ít nhất thì ông ấy cũng nới lỏng chính sách”.

Các chuyên gia có quan điểm trái chiều về quyết định hạ lãi suất của Fed. Ảnh: AP.

Trong khi đó, ông Josh Brown, CEO của Quỹ quản lý tài sản Ritholtz, khuyên nhà đầu tư nên thư giãn trước quyết định của Fed.

“Từ góc độ thị trường, quan điểm đầu tư, điều đầu tiên tôi nhìn vào là việc Dow Jones giảm 400 điểm và thay đổi. Tôi nhìn vào những cổ phiếu từng tăng mạnh trong tuần trước nhờ kết quả kinh doanh tốt, và tôi xem liệu chúng có giữ được mức tăng đó, kết quả là có. Bạn nhận ra là không ai bán cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh tốt… 100% tôi sẽ mua vào nếu chứng khoán giảm vì ông Powell nói đây là đợt điều chỉnh chính sách giữa chu kỳ, và có thể không có thêm đợt hạ lãi suất nào khác, nhưng sau đó ông lại phủ nhận…".

Brown nhớ lại năm 1995, Fed phải trả lại những gì mà họ đã lấy đi trong năm 1994, thời điểm cựu chủ tịch Fed Alan Greenspan gây sốc cho cả thị trường trái phiếu bằng việc liên tiếp tăng lãi suất trong suốt 1 năm (tháng 2/1994 đến tháng 3/1995). Hoàn toàn bất ngờ với quyết định này, chỉ số S&P 500 khi đó nhanh chóng mất 18%. Sau đó, vào giữa năm 1995, Fed phải hạ lãi suất trở lại.

"Kết quả là, chúng ta ghi nhận kinh tế tăng trưởng 4 năm liên tiếp và thị trường chứng khoán tăng trong 4 năm rưỡi. Vậy tại sao Jerome Powell phải nói cho bạn biết ông ấy định làm gì trong tháng 12? Có thể căng thẳng thương mại sẽ leo thang, hoặc có thể không. Tại sao chúng ta cứ nhất thiết đòi có câu trả lời vào thời điểm này? Mọi người cần thư giãn và mua cổ phiếu ưa thích của mình”, theo Brown.

Ông David Zervos, trưởng phòng chiến lược thị trường tại Jefferies kiêm giám đốc đầu tư của bộ phận vĩ mô toàn cầu tại Jefferies Investment Advisors, cho rằng:

“Đầu tiên là vấn đề lạm phát. Đây là cách mà Powell dẫn dắt chúng ta trước đây, còn bây giờ ông ấy không làm thế. Theo tôi, đó là lý do thị trường phản ứng (chứng khoán giảm) như vậy. Thị trường cần nghe nhiều hơn về tình trạng lạm phát thấp, sự thay đổi về khung chính sách. Nhưng ông ấy không đả động gì đến vấn đề đó. Sẽ tốt hơn nếu ông ấy thừa nhận: ‘Chúng tôi làm vậy vì chúng ta đã trượt mục tiêu lạm phát quá lâu và quá xa', khi đó mọi người mới hiểu được hành động của Powell. Hy vọng ông ấy sẽ làm thế trong lần tiếp theo".

Zervos nghĩ sự so sánh của ông Brown với tình hình năm 1995 rất quan trọng. Phó chủ tịch Fed Richard Clarida và phần lớn nhà hoạch định chính sách khác đều đồng tình rằng đợt hạ lãi suất này không phải khởi đầu của thời kỳ suy thoái và chu kỳ hạ lãi suất lớn.

"Đó là hành động rút lui vì chúng ta có lẽ đã đi quá xa… Và tôi nghĩ lãi suất cũng sẽ không giảm quá sâu”.

“Có một vài điều cần phải chỉ ra ở đây. Ban đầu, có 2 nhà hoạch định chính sách không đồng ý với việc hạ lãi suất, số còn lại cho rằng cần giảm 50 điểm cơ bản, khiến thị trường có đôi chút lo lắng. Sau đó, khi ông Powell bước ra và cho biết đây là đợt điều chỉnh chính sách giữa kỳ, chứ không phải là mở đầu cho một thời kỳ hạ lãi suất trong tương lai, mọi người bắt đầu hoảng hốt", Art Cashin, Giám đốc UBS Financial Services kiêm giám đốc bộ phận vận hành dịch vụ tài chính tại Sở giao dịch Chứng khoán New York, chia sẻ.

Vào thời điểm đó, Dow Jones ‘bay’ 400 điểm. 15h, chủ tịch Fed lại bước ra và nói rằng không hẳn là ngân hàng trung ương sẽ không hạ lãi suất thêm, giúp xoa dịu tâm lý thị trường. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn chưa hết lo lắng vì họ không nhận được chính xác thứ họ muốn nghe. Tâm lý lo lắng vẫn còn và bằng chứng là Dow Jones vẫn đang giảm”.

Trước khi buổi họp báo của ông Powell diễn ra, David Kelly, trưởng phòng chiến lược toàn cầu tại Quỹ quản lý tài sản JPMorgan, đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả nếu Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản.

“Không tệ đâu. Ý tôi là con số đó vừa đủ với kỳ vọng của tôi, nhưng tôi vẫn muốn họ đưa ra thêm một số định hướng về lạm phát, kiểu như: ‘Chúng tôi muốn lạm phát lên cao hơn’. Ông ấy cần nói vậy vì mọi người cứ tin chắc là sẽ có những đợt hạ lãi suất kế tiếp. Và điều quan trọng mà mọi người đã bỏ qua ở đây là quyết định đó chẳng kích thích được gì, ngoài việc đẩy giá tài sản lên cao, làm lợi cho những người giàu có. Bạn sẽ không thấy lạm phát đi lên. Thực tế là điều này (việc hạ lãi suất) đang không hiệu quả tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và cũng sẽ không hiệu quả trong tương lai. Có rất nhiều tác động tiêu cực nếu để lãi suất sai chỗ, và tôi thấy không lạc quan chút nào”.

Alicia Levine, trưởng phòng chiến lược tại BNY Mellon cho rằng Fed đáng lẽ nên mạnh tay hơn.

“Họ nên hạ 50 điểm cơ bản vì những vấn đề liên quan đến lạm phát và sự tăng giá của USD. USD tăng giá là một cơn gió ngược với kinh tế Mỹ, gây ảnh hưởng đến khối doanh nghiệp… Kinh tế Mỹ đang trong tình trạng đủ tốt, thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng cũng đủ mạnh. Vì vậy, với quyết định hạ lãi suất của Fed, đây là lúc bạn nên mua chứng khoán. Những tài sản rủi ro nhất sẽ tăng nhờ quyết sách này. Tất nhiên là có rủi ro về bong bóng”.

Ông Jim Caron, trưởng phòng chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Morgan Stanley cho rằng thị trường đang rơi vào bẫy thanh khoản:

“Nhìn cả thế giới, tôi cho rằng chúng ta đang không có vấn đề gì với lạm phát. Vì vậy, việc hạ lãi suất vào thời điểm này là không thể tránh khỏi. Bạn sẽ đạt mục tiêu (về lạm phát) khi tỷ lệ thất nghiệp thực sự thấp và thị trường chứng khoán thực sự lên cao, và khi đó bạn có thể hạ lãi suất. Nếu bạn không thể chạm tay tới mục tiêu thì chắc chắn bạn cũng không làm được khi nền kinh tế sụp đổ ở một khía cạnh nào đó. Tôi nghĩ chúng ta đang rơi vào bẫy thanh khoản, nên việc hạ lãi suất không có tác dụng nhiều. Biện pháp kích thích tài chính có lẽ là điều thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang giữ quan điểm tích cực đối với việc hạ lãi suất. Tôi nghĩ điều này sẽ khiến chênh lệch lãi suất ngày càng lớn và đồng USD sẽ càng mạnh hơn. Kết quả, chúng ta sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách hơn. Theo tôi, mục đích Fed hạ lãi suất là để giảm thiểu rủi ro này. Một khi Fed mở cửa cho việc hạ lãi suất, họ cũng sẽ có lý do để ngừng hạ lãi suất, và đó có thể là lạm phát”.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/gioi-chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-fed-ha-lai-suat-310733.html