Giới chuyên gia đánh giá về chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden

Chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Biden luôn là chủ đề được giới truyền thông, chuyên gia khoa học chính trị tại Mỹ dự báo và phân tích. Trong đó, đáng chú ý là 7 trụ cột trong chính sách đối ngoại do truyền thông Mỹ khái quát.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 25/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 25/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn nhận định của trang mạng Newyorker rằng trong 7 trụ cột của chính sách đối ngoại, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden là tạo sức sống trở lại cho liên minh xuyên Đại Tây Dương, đây cũng là điều mà châu Âu mong đợi, đặc biệt là trong bối cảnh Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Trụ cột thứ hai là tích cực cải thiện quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Trụ cột thứ ba là tái gia nhập các các hiệp ước và thể chế quốc tế.

Theo đó, kế hoạch đầu tiên của ông Biden là việc trở lại Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu và hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để định hình phản ứng toàn cầu mạnh mẽ hơn đối với đại dịch COVID-19.

Trụ cột thứ tư là thực hiện cam kết khôi phục vai trò của Mỹ với tư cách là nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới. Tiếp đến là đề cao vai trò của các quốc gia vừa và nhỏ.

Trụ cột cuối cùng là thúc đẩy chủ nghĩa toàn cầu, coi đây sẽ là trọng tâm trong cách tiếp cận của ông đối với các vấn đề như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với khả năng phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn thế giới và chủ nghĩa khủng bố.

Chuyên gia Elizabeth Freund Larus - Giáo sư Khoa học Chính trị và Các vấn đề quốc tế của Đại học Mary Washington đánh giá, cũng giống như các tổng thống tiền nhiệm, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai chính sách đối ngoại.

Trong đó, thách thức đầu tiên sự phản đối từ các thành viên của đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Theo chuyên gia này, trong lịch sử Mỹ, cơ quan hành pháp sẽ đóng vai trò lớn hơn Quốc hội trong việc xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, vai trò quan trọng của Quốc hội trong vấn đề này là không thể phủ nhận nhằm đảm bảo hệ thống chính trị cân bằng tại Mỹ, điển hình là việc Quốc hội có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ các hiệp ước.

Ngoài ra, theo chuyên gia Elizabeth Freund Larus, thách thức tiếp theo đối với việc triển khai chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden là sự hoài nghi của những người phản đối ông. Họ có thể viện dẫn rằng chính sách đối ngoại của các tổng thống tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ đã thất bại và việc quay trở lại những chính sách này cũng đồng nghĩa với khả năng thất bại trong tương lai.

Điển hình là việc họ có thể hoài nghi về hiệu quả của việc tích cực cải thiện quan hệ với NATO khi các thành viên khác của liên minh quân sự này không đóng góp đủ ngân sách hoạt động cho khối.

Đối với trụ cột thứ ba, những người chỉ trích ông Biden sẽ cho rằng việc ông Biden tin tưởng vào tổ chức quốc tế là sai lầm, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại diễn đàn của các tổ chức này, nhất là Liên hợp quốc.

Trong khi đó, chuyên gia Richard Haass của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định chính quyền ông Biden cũng khó có thể loại bỏ hoàn toàn một số chính sách dưới thời của ông Trump, bởi ông Trump đã để lại nhiều di sản trong chính sách đối ngoại. Đáng chú ý, trang mạng Axios của Mỹ dẫn lời một số cố vấn của ông Joe Biden cho biết, ông Biden phản đối gần như toàn bộ các sáng kiến ngoại giao của ông Trump, nhưng sẽ giữ lại một chính sách, đó là Thỏa thuận hòa bình Abraham.

Tuy nhiên, chính quyền mới tại Mỹ sẽ đối diện với thách thức không nhỏ trong các bước đi cân bằng ở Trung Đông. Bản thân muốn tạo dựng quan hệ hữu hảo với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, thúc đẩy quan hệ Israel với khối Arab, nhưng ông Biden cũng lại muốn duy trì triển vọng giải pháp hai nhà nước.

Như vậy, về cơ bản, giới chuyên gia đã đề cập đến những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden ngay từ những ngày đầu cầm quyền. Những trụ cột này cho thấy mặc dù có thể tiếp tục duy trì một số chính sách đối ngoại dưới thời cựu Tổng thống Trump, song về cơ bản, ông Biden sẽ đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại do chính quyền tiền nhiệm hoạch định trước đó, điều này khiến cục diện chính trị thế giới sẽ trở nên khó lường hơn trong thời gian tới.

Phạm Ngọc Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gioi-chuyen-gia-danh-gia-ve-chinh-sach-doi-ngoai-cua-tong-thong-biden-20210128073913914.htm