Giới chuyên gia cảnh báo nhu cầu dầu khí toàn cầu vẫn chưa ổn định
Nhu cầu dầu khí toàn cầu vẫn chưa rõ ràng do tác động của chiến tranh thương mại và lạm phát đối nghịch với tăng trưởng kinh tế ổn định và nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng.
Đó là nhận định của các nhà phân tích tại BMI trong báo cáo được gửi tới AFP tuần này bởi Fitch Group. Báo cáo nêu rõ rằng tiêu thụ năng lượng đang có sự khác biệt lớn, “với các thị trường phát triển đang thu hẹp và tăng trưởng nhu cầu tại các thị trường mới nổi dự kiến đạt đỉnh vào năm 2025”.
“Dự báo hiện tại của chúng tôi về nhu cầu nhiên liệu tinh chế toàn cầu là tăng trưởng 1,4% hàng năm vào năm 2025, cải thiện nhẹ so với mức tăng trưởng 1,3% dự kiến vào năm 2024”, các nhà phân tích nhận định trong báo cáo.
“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ hỗ trợ dự báo này, với nhóm Dự báo Rủi ro Quốc gia của chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 2,6% vào năm 2025, phù hợp với mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2024”, họ cho biết thêm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng một loạt các rủi ro tiềm ẩn có thể làm thay đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế, “ảnh hưởng đến dự báo tiêu thụ nhiên liệu của chúng tôi”.
“Một yếu tố quan trọng quyết định dự báo nhiên liệu trong năm 2025 là các chính sách thương mại mà chính quyền Donald Trump mới sẽ áp dụng, với các mức thuế nhập khẩu đáng kể được dự báo sẽ áp đặt lên các đối tác thương mại lớn”, báo cáo nhấn mạnh.
“Những mức thuế này có thể khiến chi phí cao hơn được chuyển sang người tiêu dùng, làm tăng lạm phát và gia tăng nguy cơ thắt chặt các điều kiện tài chính so với dự báo hiện tại”, họ bổ sung.
“Thêm vào đó, các mức thuế có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tại một số thị trường quan trọng về tiêu thụ nhiên liệu. Dù có những rủi ro, chúng tôi kỳ vọng chính sách thương mại thực dụng của ông Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng ổn định thay vì suy giảm, hỗ trợ dự báo của chúng tôi về sự tăng trưởng ổn định nhu cầu nhiên liệu vào năm 2025”, các nhà phân tích nhận định thêm.
BMI cũng cảnh báo rằng các thị trường vẫn rất nhạy cảm với dự báo kinh tế của Trung Quốc, và điều này sẽ là yếu tố định hướng tiêu thụ năng lượng của nước này.
“Tăng trưởng tiêu thụ nhiên liệu tinh chế tổng thể của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại còn 2,0% vào năm 2025, do sự yếu kém kéo dài trong tiêu thụ dầu diesel”, họ lưu ý.
“Các nguyên liệu hóa dầu như LPG và naphtha sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu tổng thể khi Trung Quốc tập trung vào tăng trưởng nội địa, thúc đẩy nhu cầu lớn hơn từ người tiêu dùng”, họ bổ sung.
Các nhà phân tích cảnh báo thêm rằng, tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ vẫn có rủi ro giảm vào năm 2025, “với dự báo của chúng tôi chỉ ra mức tăng trưởng tối thiểu 0,4% sau khi đã giảm trong cả năm 2023 và năm 2024”.
“Sự không chắc chắn xuất phát từ quan điểm cho rằng Mỹ hiện đang trong giai đoạn suy giảm cơ cấu, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại trong việc áp dụng xe điện (EV) và các chính sách mới từ chính quyền Trump làm tăng thêm rủi ro rằng đỉnh tiêu thụ nhiên liệu tinh chế tại Mỹ đã qua”, các nhà phân tích cho biết trong báo cáo.
Các nhà phân tích tại BMI cho biết, nhu cầu khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định, với mức tăng trưởng 2,6% vào năm 2025, sau khi tăng trưởng 2,3% trong năm nay.
“Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tiếp tục thúc đẩy mức tiêu thụ mới, khi công suất xuất khẩu toàn cầu được dự báo tăng lên trong bối cảnh nhu cầu tại châu Âu và châu Á vẫn mạnh mẽ”, báo cáo nhấn mạnh.
“Chúng tôi dự báo nhập khẩu LNG của Trung Quốc sẽ tăng lên 76 triệu tấn mỗi năm (mtpa) vào năm 2024 và tăng nhẹ lên 76,2 mtpa vào năm 2025”, các nhà phân tích bổ sung.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng thương mại LNG giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gặp thách thức nếu chính quyền Trump áp dụng quan điểm thương mại quyết liệt hơn với Trung Quốc.
Các nhà phân tích lưu ý thêm rằng, “tăng trưởng mạnh trong nhập khẩu LNG tại châu Âu kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu đã gần như chững lại, với công suất tái hóa khí mới vượt mức nhu cầu”.
“Chúng tôi dự báo nhập khẩu LNG trong EU sẽ tăng nhẹ 2,4% theo năm, từ 127,1 tỷ mét khối (bcm) lên 130,1 bcm, chủ yếu do sản lượng giảm 2,8% thay vì mức tiêu thụ tăng”, báo cáo chỉ rõ.
Nhóm chuyển giao của ông Trump và Chính phủ Trung Quốc đều từ chối bình luận về báo cáo của BMI.
Trong một báo cáo nghiên cứu được gửi đến AFP bởi nhóm Nghiên cứu Hàng hóa JPM vào cuối ngày thứ Tư tuần này, các nhà phân tích tại J.P. Morgan cho biết nhu cầu dầu toàn cầu trung bình đạt 103,4 triệu thùng/ngày trong tháng 11.
“Từ đầu năm đến nay, nhu cầu đã tăng 1,3 triệu thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 11/2023 là mức tăng 1,5 triệu thùng/ngày”, các nhà phân tích cho biết trong báo cáo.
Các nhà phân tích của J.P. Morgan nhận xét rằng nhu cầu dầu toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi vào tuần cuối tháng 11, “nhờ vào hoạt động đi lại gia tăng trong dịp lễ Tạ ơn ở Mỹ”.
“Phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng nhu cầu toàn cầu trong tháng 11 đã tăng 350.000 thùng mỗi ngày so với tháng trước, vượt mức dự báo ban đầu gần 150.000 thùng/ngày”, họ bổ sung.
“Khi bước sang tháng 12, chúng tôi dự báo mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, với mức tăng 400.000 thùng/ngày theo tháng, tương đương 2,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước”, họ tiếp tục.
“Mức tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu sưởi ấm tăng cao, do dự báo thời tiết lạnh hơn ở Mỹ và châu Âu, với nhiệt độ dự báo dưới hoặc ngang mức trung bình của 10 năm qua tại các khu vực này”, báo cáo kết luận.