Giới chuyên gia bối rối vì sự xuất hiện của con gái ông Kim Jong Un

Nhiều chuyên gia cảm thấy bối rối về sự xuất hiện của Ju Ae, người con gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong vụ phóng tên lửa đạn đạo của nước này hôm 17/11.

Hình ảnh hai cha con ông Kim Jong Un đang nắm tay nhau khi đứng cạnh một quả tên lửa lớn, được các chuyên gia đánh giá là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế sau khi đài KCNA công bố video và hình ảnh về vụ phóng tên lửa hôm 18/11.

Triều Tiên cho biết quả tên lửa được phóng vào hôm 17/11 tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng là loại ICBM Hwasong-17, vũ khí được nhận định có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân đến mọi khu vực của nước Mỹ, CNN đưa tin.

Nhưng dù vậy, sự chú ý của thế giới phần lớn dồn vào con gái Ju Ae của ông thay vì kho vũ khí của Triều Tiên.

Sự xuất hiện của cô bé tại vụ phóng có ý nghĩa gì? Một bé gái 9 tuổi có liên quan gì đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên? Những câu hỏi ấy khiến giới chuyên gia tốn công suy đoán nhưng tới nay chưa có câu trả lời xác đáng.

Bí ẩn đằng sau sự xuất hiện của Ju Ae

"Tôi thực sự không chắc chắn về sự xuất hiện của Ju Ae. Sự xuất hiện của cô bé không phù hợp nếu mục đích là giới thiệu người kế nhiệm ông Kim trong tương lai" ông Ankit Panda, chuyên gia nghiên cứu chính sách hạt nhân tại Quỹ vì Hòa bình Thế giới Carnegie, cho biết.

"Mặt khác, việc một nhà lãnh đạo Triều Tiên giới thiệu con trong một video công khai không thể bị xem nhẹ. Tuy nhiên, cô bé vẫn còn quá nhỏ và vai trò của cô trong vụ phóng tên lửa không được truyền thông Triều Tiên nhắc tới", ông Panda cho biết.

Theo Leif-Eric Easley, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Ewha ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, sự hiện diện của Ju Ae nên được đặt dưới góc nhìn về đối nội.

"Tại Triều Tiên, việc nước này phóng thành công ICBM di động trên đất liền là một sự kiện đáng được ăn mừng", ông Easley cho biết.

 Sự xuất hiện của con gái ông Kim trong vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào hôm 17/11 đã khiến các chuyên gia bối rối. Ảnh: KCNA.

Sự xuất hiện của con gái ông Kim trong vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào hôm 17/11 đã khiến các chuyên gia bối rối. Ảnh: KCNA.

Ông Yang Moo Jin, Chủ tịch Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Hàn Quốc, cũng nhấn mạnh thông điệp được gửi đến người dân Triều Tiên qua những hình ảnh của ông Kim và con gái trong vụ phóng tên lửa.

"Bằng cách thể hiện tình cảm đối với con gái, ông Kim cho người dân Triều Tiên thấy rằng ông có một gia đình hạnh phúc và ổn định, đồng thời khắc họa ông là một người lãnh đạo của toàn dân", ông Yang trả lời Global News.

Bức ảnh này cũng thể hiện Ju Ae là một thành viên quan trọng trong gia đình ông Kim.

Những manh mối ẩn giấu

Trong khi cả thế giới bị thu hút bởi sự hiện diện của Ju Ae trong các hình ảnh và video được KCNA công bố, ông Panda nhấn mạnh những thông tin về loại vũ khí vừa được Triều Tiên thử nghiệm được thu thập từ các hình ảnh và video trên cũng là chi tiết đáng lưu ý.

Ông Panda cho biết video về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào hôm 17/11 do đài KCNA công bố có thể cung cấp cho cộng đồng tình báo phương Tây nhiều thông tin hữu ích hơn những hình ảnh về con gái của nhà lãnh đạo Kim.

"Mỹ có những biện pháp phân tích và nghiên cứu tinh vi giúp nước này hiểu rõ những quả tên lửa được Triều Tiên phóng đi. Video do KCNA công bố có thể giúp chuyên gia xây dựng một mô hình hoàn thiện hơn về quy trình hoạt động của tên lửa", ông Panda cho biết.

"Trong quá khứ, các nhà phân tích sử dụng hình ảnh từ các video để tính toán vận tốc và quá trình tăng tốc trong giai đoạn đầu của tên lửa, giúp chúng ta hiểu rõ hơn độ hiệu quả cũng như năng lực của những vũ khí này", ông Panda bổ sung.

Các chuyên gia phân tích tình báo phương Tây có thể thu thập được một số thông tin về quá trình hoạt động của tên lửa được Triều Tiên sử dụng nhờ vào video của vụ phóng. Ảnh: KCNA.

Ông Panda cho biết đây mới là lần thứ 3 Bình Nhưỡng công bố video về một vụ phóng tên lửa kể từ năm 2017.

"Trước năm 2017, Triều Tiên thường chia sẻ nhiều hình ảnh về các cuộc thử nghiệm vũ khí và các vụ phóng tên lửa của nước này để chứng minh với thế giới rằng họ sở hữu khả năng răn đe hạt nhân", ông Panda nói.

Bước tiến trong chương trình tên lửa

Tuy cuộc thử nghiệm hôm 17/11 cho thấy Triều Tiên có khả năng phóng ICBM cỡ lớn và duy trì quá trình bay của loại tên lửa trong hơn một giờ, Bình Nhưỡng vẫn chưa chứng minh được việc nước này có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa tầm xa này.

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng chưa chứng minh được các ICBM và đầu đạn của nước này có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong giai đoạn hồi quyển.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Triều Tiên đang hoàn thiện các loại tên lửa qua mỗi lần thử nghiệm.

Trước đó, theo các chỉ huy quân đội Hàn Quốc, một vụ phóng thử tên lửa, được nhận định là loại ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên, đã thất bại khi tên lửa bị phá hủy trong giai đoạn đầu của quá trình bay, Guardian đưa tin.

"Việc tên lửa trong vụ phóng vào hôm 17/11 không bị phá hủy cho thấy họ đã sửa chữa thành công các vấn đề kỹ thuật khiến vụ phóng trước đó thất bại", Hans Kristensen, giám đốc Dự án thông tin Hạt nhân tại Liên minh các Nhà khoa học Mỹ cho biết.

Chuyên gia Hans Kristensen nhận định việc tên lửa của Triều Tiên không bị phá hủy trong giai đoạn đầu cho thấy nước này đã có những cải tiến kỹ thuật so với vụ phóng hôm 3/11. Ảnh: KCNA.

Không ai có thể dự đoán chắc chắn Triều Tiên sẽ có hành động gì trong tương lai. Kể từ đầu năm nay, các nhà phân tích và chuyên gia tình báo đã dự đoán Triều Tiên sẽ tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân dựa trên dữ liệu về hoạt động tại bãi thử hạt nhân của nước này. Vụ thử này, nếu xảy ra, sẽ là lần đầu tiên trong 5 năm Triều Tiên kích nổ thiết bị hạt nhân.

Nhưng theo ông Yang cho biết vụ phóng ICBM thành công vào hôm 17/11 đã làm giảm sự cần thiết của một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở thời điểm hiện tại.

"Khả năng Triều Tiên tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 7 trong tháng 11 là khá thấp", ông Yang trả lời Global Times.

Tuy vậy, ông Yang cho biết Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể đáp trả bằng một vụ phóng ICBM khác nếu Mỹ tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực và tăng cường tập trận với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tại lễ diễu binh ban đêm của Triều Tiên Hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên diễu binh vào tối 25/4 để mừng 90 năm thành lập quân đội. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 cũng xuất hiện trong buổi lễ.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-chuyen-gia-boi-roi-vi-su-xuat-hien-cua-con-gai-ong-kim-jong-un-post1377726.html