Giới chức Mỹ đau đầu vì ngân sách

Văn phòng ngân sách Nhà Trắng hôm 11/3 cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm công bố dự luật ngân sách năm tài khóa 2020, trong đó cắt giảm chi phí phi quốc phòng 5%, cùng lúc tăng ngân sách cho quân đội, chăm sóc sức khỏe cựu binh và an ninh biên giới.

Ông Donald Trump dự định tăng chi tiêu quốc phòng cho dù mức chi ngân sách đang bị siết lại. Nguồn: AFP.

Ông Donald Trump dự định tăng chi tiêu quốc phòng cho dù mức chi ngân sách đang bị siết lại. Nguồn: AFP.

Dự thảo ngân sách mới

Dự luật ngân sách của ông Trump đưa ra trong bối cảnh mà ông đang trong cuộc đối đầu gay cấn với Quốc hội về các vấn đề ngân sách. Bản dự thảo của ông được dự đoán là sẽ không thể được thông qua tại Quốc hội, nơi mà đảng Dân chủ nắm quyền Hạ viện. Thông thường, các dự thảo luật ngân sách cần 60 phiếu thuận để được thông qua ở Thượng viện gồm 100 thành viên, trong khi đảng Cộng hòa chỉ đang nắm 53 ghế.

Các thủ lĩnh đảng Dân chủ ở cả Thượng viện và Hạ viện trong hôm đầu tuần đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị khoản ngân sách 8,6 tỷ USD xây tường bao biên giới với Mexico của ông Trump.

Năm ngoái, cuộc đối đầu giữa ông Trump và Quốc hội về khoản ngân sách 5 tỷ USD xây tường bao đã khiến cho Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần trong suốt 5 tuần lễ. Việc Quốc hội bác bỏ đề xuất đã khiến ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có thể điều chuyển các nguồn ngân sách khác cho dự án xây tường.

Nhà Trắng và Quốc hội cần phải nhất trí về Dự thảo ngân sách chậm nhất là vào ngày 1/10 để giữ cho Chính phủ mở cửa và hoạt động. Ngoài ra, ông Trump và giới lãnh đạo Quốc hội cũng phải đối mặt với thời hạn chót của một bộ luật thắt chặt tài chính, trong đó cắt giảm các khoản chi tiêu tự do tới 126 tỷ USD, tương đương 10%. Hiện nay, cắt giảm thuế vẫn là một ưu tiên đối với Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ.

Tổng thống Trump đang muốn cắt giảm ngân sách cho chương trình phi quốc phòng khoảng 5% dưới mức trần mà Quốc hội đặt ra cho năm tài khóa 2019. “Tổng thống Trump đã khiến cho thâm hụt tăng thêm gần 2 nghìn tỷ USD bằng các chương trình cắt giảm thuế cho các tập đoàn giàu có, và giờ dự luật ngân sách của ông còn đòi hỏi người dân Mỹ phải chi thêm tiền”- John Yarmuth, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ, nói - “Nó chắc chắn không vượt qua được Hạ viện”.

Dự luật ngân sách mà ông Trump đưa ra cũng sẽ tăng ngân sách cho các lĩnh vực mà ông ưu tiên. Cụ thể, ông đề xuất tăng 5% ngân sách cho Bộ An ninh Nội địa để có thêm tiền xây tường bao biên giới và thuê thêm lực lượng kiểm soát biên giới và nhập cư. Dự luật của ông cũng đề xuất tăng 10% chi phí chăm sóc sức khỏe cho cựu binh, và đầu tư cho các chương trình cai nghiện ma túy.

Điều này cũng có nghĩa rằng, một số cơ quan liên bang và chương trình khác sẽ bị cắt giảm nguồn ngân sách hoạt động.

Tăng chi tiêu quốc phòng

Theo Dự luật mà ông Trump sắp đưa ra, một số chương trình của Chính phủ Mỹ thậm chí bị ngừng hẳn để giảm chi tiêu phi quốc phòng dưới mức trần 542 tỷ USD theo Đạo luật Kiểm soát ngân sách năm 2011.

“Dự luật này cho thấy rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu tài khóa mà không làm ảnh hưởng đà tăng trưởng kinh tế, cùng lúc vẫn tiếp tục đầu tư vào các chương trình ưu tiên quan trọng”- Russ Vought, quyền Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Mỹ, nói trong một tuyên bố.

Dự luật ngân sách mà ông Trump đưa ra còn dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng, dù chưa có thêm nhiều chi tiết.

Tháng trước, ông Vought từng nói rằng ngân sách quốc phòng mới sẽ được thêm vào nguồn quỹ của Các chiến dịch Ứng phó ngoài nước (OCO). Mập mờ hơn trong Dự luật ngân sách này chính là nguồn ngân sách hoạt động cho các chương trình quan trọng như chăm sóc sức khỏe hay an sinh xã hội - vốn chiếm phần lớn ngân sách liên bang Mỹ. Đây cũng là 2 chương trình rất được các cử tri lớn tuổi ủng hộ.

OMB còn cho hay, Dự luật ngân sách mới sẽ đề nghị cắt giảm chi tiêu tới 2,7 nghìn tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ, nếu được thông qua thì đây sẽ là con số cắt giảm chi tiêu lớn nhất từ trước đến nay ở Mỹ. Tuy nhiên, khoản cắt giảm này là chưa đủ để cân bằng ngân sách trong khung thời gian mà Dự luật có hiệu lực, bởi OMB cho biết Dự luật ngân sách được tính toán có hiệu lực cân bằng Ngân sách tới năm 2034, tức nhiều hơn 10 năm so với dự luật ngân sách mà các đời chính quyền trước từng hướng tới.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/gioi-chuc-my-dau-dau-vi-ngan-sach-tintuc431671