Giới chủ và công nhân GM chưa thể tìm ra tiếng nói chung về lương

Đại diện Nghiệp đoàn Công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW) và ban lãnh đạo General Motors (GM) vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về các yêu cầu tăng lương, đảm bảo quyền lợi và an toàn lao động.

Công nhân tham gia đình công bên ngoài nhà máy của General Motors tại Flint, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân tham gia đình công bên ngoài nhà máy của General Motors tại Flint, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp cuộc đình công của công nhân tại các cơ sở sản xuất của tập đoàn chế tạo ô tô General Motors (GM) đã kéo dài sang tuần thứ 3 liên tiếp, đại diện Nghiệp đoàn Công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW) và ban lãnh đạo tập đoàn vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về các yêu cầu tăng lương, đảm bảo quyền lợi và an toàn lao động.

Trong một tuyên bố ngày 6/10, Phó Chủ tịch UAW Terry Dittes cho biết: "Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ về các vấn đề quan trọng vài ngày trước, nhưng tập đoàn thể hiện sự không sẵn lòng đền bù một cách công bằng cho lực lượng lao động lớn của UAW.

Những cuộc đàm phán này đã có một bước ngoặt theo hướng tồi tệ hơn". Theo ông Dittes, trong cuộc đàm phán tối 5/10, UAW đã đưa ra "một gói đề xuất toàn diện" theo từng đề mục cụ thể, nêu rõ rằng "đó là một nỗ lực để chuyển cuộc đàm phán này sang giai đoạn tiếp theo".Tuy nhiên, đại diện GM đã bác bỏ những đề xuất này mà không giải thích lý do.

Doanh số bán hàng của GM đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, với lợi nhuận trong năm 2018 là 11,8 tỷ USD. UAW cho rằng đã đến lúc tập đoàn này chia sẻ sự thịnh vượng với người lao động.

Kể từ giữa tháng 9 vừa qua đến nay, gần 50.000 công nhân GM đã nghỉ việc để tham gia cuộc đình công lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua phản đối các chính sách của tập đoàn sản xuất ô tô này.

Cuộc đình công đã khiến hoạt động sản xuất của GM tại Mỹ bị tê liệt, kéo theo đó là ảnh hưởng đến hoạt động của công ty tại Canada và Mexico, nơi hàng nghìn công nhân đã mất việc tạm thời. Giới chuyên gia nhận định cuộc đình công có thể gây thiệt hại tới 100 triệu USD/ngày cho GM.

Trong các cuộc đàm phán giữa hai bên tính đến thời điểm này, ngoài yêu cầu tăng lương và tăng quyền lợi cho công nhân, UAW còn muốn GM mở cửa trở lại 4 nhà máy đã bị đóng cửa vào tháng 11/2018. Trong khi đó, GM đề xuất đầu tư mới hơn 7 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất tại Mỹ, tạo thêm 5.400 việc làm mới và hứa hẹn mức lương cao hơn cho công nhân.

Ngày 4/10, ban lãnh đạo GM cho biết tập đoàn này sẽ gia hạn bảo hiểm y tế cho các công nhân trong suốt thời gian đình công. Đây vốn được nhận định là một dấu hiệu cho thấy các bên có thể sớm đạt được thỏa thuận, mặc dù vẫn còn trở ngại về lương và bảo đảm công việc cho các công nhân mới được tuyển dụng.

Hiện áp lực phải đạt được một thỏa thuận đang gia tăng cho cả hai phía. GM ước tính đã thiệt hại khoảng 1 tỷ USD và những người công nhân chỉ đang sống với mức lương 250 USD mỗi tuần – tương đương chỉ 1/5 những gì họ thường nhận được.

Một ước tính của Trung tâm Nghiên cứu ô tô (CAR), một tổ chức tư vấn cho các nhà sản xuất thuộc ngành công nghiệp ô tô, cho biết việc GM vẫn chưa giải quyết được cuộc đình công sẽ khiến họ phải tự gánh chịu các chi phí phát sinh, gây bất lợi cho họ trước các nhà máy đối thủ thuộc sở hữu nước ngoài đang có chi phí lao động thấp hơn./.

Thanh Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/gioi-chu-va-cong-nhan-gm-chua-the-tim-ra-tieng-noi-chung-ve-luong/136682.html