Giỗ Tổ – phong tục lưu nét văn hóa truyền thống

Lễ giổ Tổ của dòng họ là tín ngưỡng văn hóa bảo tồn được nét truyền thống của người Việt ta từ xưa tới nay. Hàng năm, hầu như các dòng họ lớn đều làm lễ giỗ Tổ để con cháu nhớ về cội nguồn, nhớ công ơn tổ tiên và giáo dục truyền thống, gia phong của gia tộc.

Chúng tôi đến làng Kim Lũ nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội vào ngày 9 tháng Giêng, xe cộ nhộn nhịp qua lại, phố xá huyên náo hơn. Bởi ngày này là ngày giỗ Tổ của dòng họ Cung (Hồng) là một trong những dòng họ lớn tại Kim Lũ. Theo tìm hiểu, họ Cung (Hồng), khẩn hoang san địa sinh cơ lập nghiệp ở làng Kim Lũ vào thời Hồng Đức thứ 24 (năm 1493). Đến thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức (1848-1883) thì họ Hồng phải đổi thành họ Cung vì phạm húy vua.

Dòng họ Cung (Hồng) tính đến nay đã trải dài 5 thế kỷ và truyền được đến 18 đời. Ở mỗi đời, với các cụ tiền bối, ở mỗi vị thế khác nhau trong xã hội đều để lại tiếng thơm cho dòng họ. Ở đời thứ 7, cụ Hồng Huy làm Quan thừa ty tỉnh Sơn Tây, cụ Hồng Cử làm quan chi huyện Thanh Xuyên; Đời thứ 8, cụ Hồng Đăng Quy làm Đề lại nha môn phủ Quốc Oai; Đời thứ 9, cụ Hồng Đỉnh làm Nha môn huyện Đông An…

Đây là nhà thờ Tổ họ Cung (Hồng) được xây dựng năm 1924...

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng họ Cung (Hồng) ở Kim Lũ đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng, nhiều người tham gia du kích và nhập ngũ tòng quân. Được Đảng và Nhà nước khen ngợi, tặng thưởng nhiều huân huy chương.

Năm 1924, dòng họ Cung (Hồng) - bản Tổ cụ Phúc Khiêm đã tạo dựng một ngôi nhà thờ Tổ bằng tường gạch, khung lim, tọa lạc trên diện tích 72m2, hiện nay có địa chỉ tại số ngõ 250 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Nằm trong ngõ nhỏ yên bình của làng Kim Lũ, dù đã được tu sửa nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ

Thế rồi sau gần 100 năm trải qua bao biến thiên của lịch sử và chiến tranh loạn lạc triền miên, không có điều kiện tu bổ nên nhà thờ xuống cấp nhanh chóng. Năm 1998, dòng họ Cung (Hồng) phải trùng tu lại khung, mái nhà thờ bằng bê tông cốt sắt nhưng vẫn giữ được nhiều nét nguyên sơ.

Để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đền đáp công ơn của tổ tiên, hàng năm cứ đến ngày 9 tháng Giêng, con cháu dòng họ Cung (Hồng) tại Kim Lũ lại tổ chức lễ giỗ Tổ. Và để lễ giỗ Tổ được chu đáo, tươm tất, hàng chục năm nay, dòng họ Cung (Hồng) đã bầu ra một ban đại diện gọi là “Hội đồng Gia tộc” gồm có Trưởng họ, Trưởng chi cùng những người có năng lực tâm huyết.

Mâm cỗ, đồ lễ tế Tổ được con cháu trong dòng họ chuẩn bị tươm tất nhưng rất vừa phải, không xa hoa lãng phí

Lễ giỗ Tổ của dòng họ Cung (Hồng) được tổ chức tại nhà thờ Tổ. Khi làm lễ, Hội đồng Gia tộc phân công người đứng trước bàn thờ tổ đọc lịch sử dòng họ và đây là cách nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn tổ tiên, đồng thời giáo dục con cháu về truyền thống, gia phong của gia tộc.Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mọi thành viên trong dòng họ, Hội đồng Gia tộc đã đề ra lịch luân phiên đăng cai làm giỗ Tổ hàng năm.

Áo the khăn xếp làm lễ tại nhà thờ Tổ

Tất cả các con cháu gần xa đều được thông báo về dự lễ. Mọi việc chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ từ mua sắm đồ lễ đến chế biến cỗ bàn đều phải chuẩn bị từ trước và hoàn thành tối ngày hôm trước.Trưởng họ là Trưởng ban và Hội đồng Gia tộc sẽ bầu thêm một Phó ban nhằm điều hành mọi công việc trong dòng họ. Chi phí để tổ chức trong ngày giỗ Tổ này được lấy từ “quĩ họ” là số tiền đóng góp của con cháu trong dòng họ. Hội đồng Gia tộc dòng họ Cung (Hồng) có kế toán, thủ quỹ, hoạt động theo chế độ tài chính, kế toán, công khai minh bạch đúng quy định của Nhà nước.

Các cụ cao niên có mặt tại nhà thờ Tổ từ sớm, vui vẻ chuyện trò đầu xuân

Dòng họ Cung (Hồng) cũng đã thành lập quỹ khuyến học từ nhiều năm nay. Mỗi lần giỗ Tổ, Hội đồng Gia tộc sẽ trích ra một phần tiền để trao thuưởng cho các cháu học giỏi, đỗ đạt để báo cáo với tổ tiên và khuyến khích con cháu tiếp tục phấn đấu.

Sau khi tiến hành xong hết các nghi lễ cúng, con cháu sẽ hạ lệ vật xuống rồi cả dòng họ quây quần cùng ăn, gọi là “thụ lộc”. Tiếp đến, các trưởng chi sẽ ngồi lại họp bàn về công việc chung của họ, cụ thể là tổng kết công việc năm trước và lên kế hoạch cho năm sau.

Sau khi hoàn thanh xong các nghi lễ, lễ vật sẽ được hạ xuống để con cháu "thụ lộc"

Đối với người Việt Nam, truyền thống văn hóa, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” luôn được đề cao. Vì vậy, thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng được thể hiện rõ nét; thể hiện sự hiếu thuận, lòng biết ơn của con cháu đối với cội nguôn. Dù không bắt buộc nhưng phong tục này lại gần như không thể thiếu trong đời sống tâm linh của chúng ta, tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/gio-to-phong-tuc-luu-net-van-hoa-truyen-thong-111565.html