Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng: Tinh hoa văn hóa Việt

Từ ngàn xưa, trong sâu thẳm tâm thức của mỗi con dân nước Việt, ngày giỗ tổ 10/3 (âm lịch) là nơi mà tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc được thể hiện rõ nhất. Vì thế, khu Di tích đền Hùng và lăng mộ Tổ được coi là vùng đất thiêng của dân tộc, là nơi hội tụ tinh hoa Việt

Một tiết mục văn hóa dân gian đường phố trong Lễ hội Đền Hùng

Một tiết mục văn hóa dân gian đường phố trong Lễ hội Đền Hùng

"Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba..."

Câu ca dao ấy đã đi vào tiềm thức mỗi con dân đất Việt tự bao đời nay. Hành hương về đất Tổ chính là hành hương về với cội nguồn, về nơi khởi thủy, sinh tụ và phát triển của người Việt cổ, nơi các Vua Hùng dạy dân trồng lúa, làm ruộng và đánh giặc, nơi hình thành nhà nước Văn Lang – kinh đô đầu tiên của nước ta, với nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Bao đời nay, giỗ tổ Hùng Vương luôn chứa đựng tình cảm thiêng liêng trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng sâu sắc.

Những ngày này, dòng người muôn nơi nô nức hành hương về đất Tổ

Trong kí ức văn hóa của nhân dân, hình ảnh Vua Hùng được khắc ghi là bậc Thủy Tổ có công mở nước, dựng làng, hình thành nên huyền thoại con Lạc cháu Hồng, hình thành nên nghĩa đồng bào từ câu chuyện bọc trăm trứng – điểm hội tụ của tinh thần đoàn kết dân tộc lớn lao. Niềm tin thiêng liêng ấy – niềm tin vào sức mạnh đạo lý của tổ tiên đã bền bỉ đồng hành cùng đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, gắn với ý nghĩa sâu xa của ngày Quốc giỗ.

Tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên chính là hành vi văn hóa, là ý thức đạo đức, là bổn phận, cũng là niềm hạnh phúc của mỗi người. Đối với mỗi cá nhân người Việt, cho dù có đề cao tôn giáo tín ngưỡng hay không, thì ngày Quốc giỗ vẫn luôn được ghi nhớ là ngày trọng đại của toàn dân tộc, là ngày hội của toàn dân, cũng như ý niệm về việc đất nước có chung một cội nguồn, truyền thống ấy đã được hình thành ngay từ những tình cảm ban sơ về gia đình, chòm xóm, gốc đa, bờ tre, giếng nước, từ lời ru của mẹ: “Con người có tổ có tông/ Như cây có gốc, như sông có nguồn”…

Tiết mục của xã Sông Lô (TP Việt Trì) trình diễn trong Lễ hội dân gian đường phố chào mừng Giỗ Tổ

Trải qua bao thăng trầm lịch sử hàng ngàn năm, Tín ngưỡng thờ cúng các vị Vua Hùng đã được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của toàn thể nhân dân. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách, khó khăn để trường tồn và không ngừng phát triển.

Cuộc hành hương về đất Tổ của người Việt mang một nét văn hóa truyền thống độc đáo: có tín, có lễ, song lại không nhất thiết thuộc tôn giáo.Với người Việt, dù sinh sống ở phương trời nào, cứ mỗi khi chuẩn bị đến dịp mồng 10 tháng 3 lại nô nức hành hương về đất Tổ. Giỗ Tổ Hùng Vương là phong tục đẹp, là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự phồn hưng giống nòi. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng vọng đậm sâu về ý nghĩa quê cha đất Tổ.

Tín ngưỡng thờ cúng các vị Vua Hùng đãđược gìn giữ, lưu truyền và góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của toàn dân tộc

Và từ rất lâu đời, trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng”, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc Việt. Khu di tích đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc vùng đất Tổ Phong Châu xưa nay là thành phố Việt Trì, nơi có đến 3 dòng sông tụ hội bao quanh là sông Lô, sông Đà, sông Thao; hai bên lại có núi Tản Viên và Tam Đảo, nhìn khắp 3 bề đều thấy bãi rộng và đất phù sa… Hình thế đất đai trùng điệp quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu, đủ điểm để giữ, đủ thế để mở, ngàn núi chầu về, muôn sông quy tụ, tất cả đều hướng về Nghĩa Lĩnh, đẹp hùng vĩ và có nhiều vượng khí.Lễ hội vốn xuất phát từ quần chúng nhân dân, và tồn tại cùng với nhân dân.

Năm nay, hưởng ứng Chương trình Hành động quốc gia về Du lịchvà Năm du lịch quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng,và kế hoạch xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội đền Hùng 2019 đã có những đổi mới nhất định, song vẫn mang nét chung của truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa.

Lễ hội Đền Hùng năm nay có nhiều điểm mới, đặc sắc song vẫn mang đậm nét truyền thống

Các hoạt động đa dạng và đặc sắc được tổ chức qui mô tại nhiều địa điểm như Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử đền Hùng, tại các tuyến đường trung tâm thành phố Việt Trì, cùng các xã – phường ven sông Hồng. Một điểm nhấn đáng yêu là màu áo sinh viên tình nguyện được phủ xanh ở nhiều điểm diễn ra sự kiện, cho thấy sự quan tâm của giới trẻ trong ngày hội truyền thống non sông.

Lễ hội đền Hùng là dịp quan trọng để chúng ta truyền tải ra thế giới một di sản vô cùng giá trị, độc đáo đã tồn tại hàng ngàn năm nay, đã thấm đẫm tâm hồn, tình cảm và văn hóa Việt. Tín ngường thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ giá trị của di sản, đó là biểu hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Và giờ đây, khi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Đó chính là giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, cũng là ý nguyện của muôn đời các thế hệ cháu con người Việt.

Ngọc Phúc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/gio-to-hung-vuong-le-hoi-den-hung-tinh-hoa-van-hoa-viet-447744.html