Giỗ tổ Hùng Vương: Hướng về nguồn cội

Truyền kỳ về sự hình thành dân tộc Việt, gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, về cha Rồng, mẹ Tiên, về bọc trăm trứng hay về thủy tổ - cội rễ chung cho tất cả các dân tộc. Đó là sự lý giải thuyết phục nhất cho tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S.

Lễ dâng hương Giỗ Tổ Vua Hùng. Ảnh: Tư liệu

Nền văn hóa Việt Nam vốn phong phú, đa dạng và là thành quả từ quá trình bồi đắp, tích lũy, gạn đục khơi trong và trao truyền qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong kho tàng di sản văn hóa ấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vai trò, vị thế vô cùng đặc biệt. Tín ngưỡng này được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể có tính đại diện cho nhân loại”. Điều đó đã khẳng định cho những tinh hoa giá trị văn hóa truyền thống người Việt có khả năng vượt qua mọi ranh giới địa lý, thời gian để làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại.

Trong cuốn “Thời đại Hùng vương” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội - 1976), các tác giả đã đưa ra nhận định rằng, ngay từ thuở dựng nước, đất nước ta đã là nơi chung sống đoàn kết, hòa thuận của nhiều dân tộc anh em. Đồng thời, Nhà nước Văn Lang đã có một nền kinh tế phát triển đến trình độ nhất định, nhất là nông nghiệp đã tiến tới giai đoạn dùng cày; còn nghề luyện kim và làm đồ gốm đặc biệt phát triển. Bởi vậy, thời đại Hùng vương đã mở màn cho buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nó là giai đoạn quá độ lâu dài từ một xã hội mạt kỳ nguyên thủy, tiến lên một xã hội thai nghén Nhà nước với những thể chế bước đầu của nó. Từ gia đình, công xã đến chính quyền Trung ương đều hình thành dần dần những yếu tố của chế độ mới. Những yếu tố này tuy thô sơ, đơn giản, chưa thành thục nhưng nó đã góp phần làm nên một thượng tầng kiến trúc đặc biệt Việt Nam. Qua đó, về mặt lịch sử, thời đại Hùng vương đã chuẩn bị cho dân tộc ta những tiền đề cho sự hình thành một quốc gia thống nhất, vững mạnh. Trong khi, về mặt tinh thần, thời đại Hùng vương là nguồn cổ vũ sức mạnh, là niềm tự hào và niềm tin tất thắng của dân tộc ta trước mối họa ngoại xâm.

Có thể nói, thời đại các Vua Hùng đã đặt nền móng cho sự hình thành của nhiều truyền thống và phẩm giá tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhấn mạnh, thì trong nhiều truyền thống tốt đẹp, dân tộc Việt Nam ta luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng, đó là tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Dù trong phạm vi của một tập thể nhỏ là làng xóm, hay trong phạm vi cả nước; dù trong đời sống tinh thần, đời sống tư tưởng và tình cảm, dân tộc ta đều gắn liền hiện tại với quá khứ, quê hương nhỏ với Tổ quốc và dân tộc. Từ đó mà giữ vững và phát huy những đức tính cổ truyền tốt đẹp: lòng yêu nước, tình đoàn kết, chí kiên cường, bất khuất, niềm tin sâu xa và mạnh mẽ vào tài năng của mình.

Có lẽ, xuất phát từ quan niệm ấy của dân tộc ta, mà tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vốn gắn liền với tục thờ cúng tổ tiên của người dân đất Việt, mới có được sức sống lâu bền, mãnh liệt và được con người ta hướng về, trân trọng gìn giữ, trao truyền một cách tự nguyện. Đồng thời, “tính thiêng” trong tín ngưỡng này cũng xuất phát từ những giá trị nội sinh của văn hóa Việt Nam, với những yếu tố tốt đẹp, tạo nên tính chất đặc thù, riêng biệt, đã góp phần làm nên một phần bản sắc văn hóa dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương không có ranh giới địa lý, không phân biệt dân tộc, đã thấm sâu vào đời sống tinh thần, tâm linh và có khả năng gắn kết mỗi con người đang sinh sống trên mảnh đất Việt Nam. Bởi truyền kỳ về sự hình thành dân tộc Việt, gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, về cha Rồng, mẹ Tiên, về bọc trăm trứng hay về thủy tổ - cội rễ chung cho tất cả các dân tộc. Đó là sự lý giải thuyết phục nhất cho tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S.

Trải qua hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương đã trở thành “tín ngưỡng gốc” của dân tộc và giỗ tổ Hùng vương đã trở thành lễ tục quan trọng bậc nhất trong năm. Ngày Quốc giỗ 10-3 âm lịch hàng năm cũng là ngày để con dân đất Việt hành hương về cội nguồn tiên tổ, mang theo những ước nguyện tốt đẹp về cuộc sống no ấm, đất nước thanh bình. Hướng về nguồn cội cũng là để thêm tự hào về lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta; tự hào về nền văn hóa ngàn năm tốt đẹp, đang dệt gấm thêu hoa lên hình hài giang sơn. Đồng thời, ngưỡng vọng quá khứ để càng hun đúc thêm tinh thần đoàn kết thủy chung, yêu nước thương nòi, trọng tình trọng nghĩa của dân tộc.

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/gio-to-hung-vuong-huong-ve-nguon-coi/135064.htm