Giờ thì Huế đã có thêm Phan Hải Bằng và Trúc chỉ

Thật ra thì Huế đã có một Phan Hải Bằng họa sĩ đến từ Quảng Trị nhưng yêu Huế vô điều kiện từ mấy chục năm trước rồi. Nhưng mấy năm trở lại đây, hình như Huế đang có thêm một Phan Hải Bằng khác và mới - Phan Hải Bằng của Trúc chỉ, một loại hình nghệ thuật mới kiểu cộng thêm, có nền tảng từ truyền thống.

Một không gian Trúc chỉ trong vườn số 5 Thạch Hãn. Ảnh: Trúc chỉ

Từ một sự nghịch ngẵng

Đời sống văn hóa của miền Trung năm 2017 khá bình lặng. Vậy nên triển lãm “Trúc chỉ - lời của sông” phiên bản 2017 của họa sĩ Phan Hải Bằng và Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng vào dịp cuối năm đã tạo nên những “đợt sóng” với công chúng bởi sự mới lạ của một loại hình nghệ thuật độc đáo khi tưởng giấy nhưng không phải là giấy, tưởng tre nhưng không phải là tre. Trúc chỉ - đôi khi chưa kịp hiểu nó là gì thì đã bị dẫn dụ, lôi cuốn, mê hoặc một cách tự nhiên, ma mị... nói như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Trọng Chức là “Trúc chỉ đã khai minh cho tôi rất nhiều thứ”...

Họa sĩ Phan Hải Bằng - Người sáng lập Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, cạnh con trai và tác phẩm nghệ thuật Trúc chỉ mới nhất. Ảnh: Trúc chỉ

Khởi nguồn, chỉ từ một ý niệm/concept có tính chất “nghịch ngẵng” của Phan Hải Bằng rằng làm sao để có thêm một khả năng nữa cho Giấy: Thoát khỏi thân phận làm “nền”, để có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật tự thân, mang ngôn ngữ đồ họa rõ nét và có khả năng đối thoại, ứng biến với các loại hình nghệ thuật, chất liệu khác cho sáng tạo truyền thống cũng như đương đại. Và thế là Phan Hải Bằng cùng các cộng sự và công chúng đưa dắt nhau đi từ những thú vị này đến ngạc nhiên khác, từ những hờ hững đến vồ vập và rồi thì... nghiện ngập! Và Trúc chỉ đã góp phần cộng thêm cho Huế một giá trị mới kiểu trước đây có giấy Dó thì giờ có thêm Trúc chỉ; trước đây có tre và những sản phẩm từ tre thì giờ có thêm Trúc chỉ...

Kể từ lần chính thức trình làng tác phẩm nghệ - thuật - giấy - tự - thân có tên là “Ngẫu”, được thực hiện với bột giấy tre đã được trao thưởng “Tác phẩm xuất sắc của năm” 2011 của Hội LHVHNT tỉnh Thừa Thiên Huế. Rồi được nhà văn - dịch giả Bửu Ý định danh “Trúc chỉ” tại một triển lãm ở Vườn XQ Cổ độ trong Festival Huế năm 2012 với ý niệm thông qua tinh thần của cây tre để đề cao giá trị Việt, một loại hình nghệ thuật - giấy của người Việt, do người Việt tạo ra. Đặc biệt là thuật ngữ “Đồ họa Trúc Chỉ”/ trucchigraphy đã được công nhận và sử dụng chính thức trong hội thảo sau Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần 3 (tháng 11.2014) do Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm thuộc Bộ VHTT&DL tổ chức tại Hà Nội trong một tham luận về Trúc chỉ của PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương – giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đến “Trúc chỉ - lời của sông” phiên bản 2017, Trúc chỉ của Phan Hải Bằng cùng các cộng sự đã có những bước tiến về chất lượng, tạo hình, ứng dụng... vượt xa hình dung của giới chuyên môn và mộ điệu cũng như cơ bản hoàn tất quá trình vừa đi vừa dò dẫm.

Và Trúc chỉ là một “tấm gương phản chiếu”

Nghệ sĩ, đôi khi buộc phải đối diện với những câu hỏi cắc cớ của công chúng kiểu “vì sao không thấy anh/ chị có chính kiến” về một vấn đề lớn lao nào đó đang là “điểm nóng” của xã hội và đất nước. Và Phan Hải Bằng thường chọn cách im lặng và trả lời bằng sự sáng tạo với Trúc chỉ. “Anh bảo thời nào, xã hội nào cũng cần, cũng hướng đến những giá trị Thẩm mỹ, Giáo dục và Xã hội. Và mục đích của tôi khi sáng lập Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ là xây dựng một giá trị văn hóa, nghệ thuật đảm bảo được 3 tiêu chí trên bằng sự tiếp biến từ các giá trị truyền thống kết hợp với kỹ thuật, phương tiện, tinh thần sáng tạo, cập nhật đương đại...”.

Thẩm mỹ, Giáo dục và Xã hội, theo cách vận hành của Phan Hải Bằng là làm cách nào đó để cộng thêm cho Huế những giá trị mới trên nền tảng cũ. Ví như hồi năm 2006, anh cùng các cộng sự của mình ở Trường ĐH Nghệ thuật Huế đã cố gắng thuyết phục chính quyền địa phương chấp nhận dự án “vẽ” hoa lên xích lô và xe thu gom rác để tạo hiệu ứng thẩm mỹ và thay đổi về nhận thức, nhưng bất lực với những rào cản muôn thuở là sự dửng dưng và dè bỉu của chính những người có trách nhiệm với thành phố. Dù những đương sự thì khao khát ước ao “không biết khi mô tụi tui mới được đẩy những chiếc xe đẹp như trong mơ thế này để đi gom rác”. Hay khi anh năn nỉ một đối tác của Trúc chỉ rằng “xin cô cho tụi con được làm những người duy mỹ tội nghiệp cuối cùng” khi không đồng ý thực hiện một mẫu Trúc chỉ ứng dụng theo yêu cầu của họ mà anh cho là không hợp lý với tinh thần của Trúc chỉ.

Dè bỉu và dửng dưng là những cảm giác mà Phan Hải Bằng và những cộng sự luôn gặp lại trong hành trình với Trúc chỉ suốt hơn 7 năm qua. Nhưng anh không hề cô độc bởi bên cạnh luôn có những người thầy bảo trợ tinh thần và cộng hưởng năng lượng từ những ngày đầu như Nhà văn – Dịch giả Bửu Ý; sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh; nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông; họa sĩ Phan Thanh Bình; Nguyễn Quân XQ... Tất cả những người bảo trợ và cộng hưởng năng lượng cho Phan Hải Bằng và cộng sự đều được “vẽ” chân dung bằng Trúc chỉ và trưng bày trang trọng tại phòng chính của đại bản doanh Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam ở số 5 Thạch Hãn (Huế).

Có lần tôi trêu Phan Hải Bằng: Định danh cho Trúc chỉ thì có nhà văn - dịch giả Bửu Ý, lập ngôn thì có sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh, “lập” tri thức thì có nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông... Vậy Phan Hải Bằng thì “lập” gì với Trúc chỉ? Anh cười chỉ tay vào một bức chân dung được treo đầu tiên: Chân dung vua Khải Định! Vua Khải Định thì liên quan chi đến Trúc chỉ mà treo chân dung? Là bởi “Đặc trưng của một dân tộc được biểu thị qua những sản phẩm nghệ thuật. Đó là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, nghi lễ chính trị và hình ảnh tâm hồn của dân tộc đó”. Câu này vua Khải Định viết trong Chỉ dụ lập Bảo tàng mang tên mình vào năm 1923 (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế). Và Phan Hải Bằng lấy đó làm kim chỉ nam hành động của mình và Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam.

Nghệ thuật là “tấm gương phản chiếu...” và đó là cách “lập ngôn”, là những câu trả lời mà Phan Hải Bằng cùng các cộng sự của mình hướng đến bằng Trúc chỉ thay cho ngôn từ và những hành động khác... Sau những tháng ngày khai khởi là sự ổn định và nâng tầm liên tục về tính giá trị đã qua từng chuyến “hành trình” sáng tạo như “Trúc chỉ - lời của sông”. Huế có thêm Phan Hải Bằng và Trúc chỉ, nhưng chắc chắc chắn sự “có thêm” này không chỉ mỗi riêng mình Huế...

Trúc chỉ đã vượt biên giới Việt

Mới đây, họa sĩ thiết kế đồ họa Đặng Thị Bích Ngọc (Đà Nẵng) vừa đoạt giải thưởng “American Graphic Design Award” 2017 của Tạp chí Graphic Design USA (Hoa Kỳ). Tác phẩm đoạt giải là bộ poster liên hoàn vở tuồng cổ “San Hậu” bằng chất liệu nghệ thuật Trúc chỉ. Graphic Design USA là tạp chí thiết kế đồ họa xuất bản từ năm 1963 dành cho cộng đồng sáng tạo chuyên nghiệp. Cuộc thi “American Graphic Design Awards” năm nay 2017 quy tụ gần 10.000 tác phẩm/ sản phẩm Bắc Mỹ, với 23 hạng mục (catalogue, logo, ấn phẩm, bao bì, thương hiệu, lịch, web...).

hoàng văn minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/gio-thi-hue-da-co-them-phan-hai-bang-va-truc-chi-590594.ldo