Giờ mới chuyển sang xăng E5 là chậm, sao còn chưa sẵn sàng dùng?

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu cho biết giờ mới chuyển đổi sang dùng xăng E5 là chậm. Dù vậy, ông thừa nhận một bộ phận khách hàng vẫn e dè, chưa sẵn sàng.

Từ ngày 1/1/2018, theo lộ trình, xăng A92 sẽ ngừng được cung ứng ra thị trường, thay thế bằng xăng sinh học E5.

Việc nhiều nhà máy ethanol đắp chiếu khắp cả nước, thua lỗ hàng nghìn tỷ trong thời gian qua làm dấy lên lo ngại về việc lộ trình chuyển đổi hoàn toàn khó có thể đạt được.

Khẳng định đủ xăng E5

Trước thời điểm chính thức chuyển đổi từ xăng A92 sang xăng E5, Bộ Công Thương liên tục tổ chức các cuộc họp để giải quyết các vướng mắc cũng như thúc đẩy nhanh quá trình này.

Ngày 6/12, Bộ tổ chức họp kín, ngày 7/12, họp với đại diện các thương nhân đầu mối xăng dầu, sở công thương các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ngày 9/12, một cuộc họp tương tự cũng diễn ra tại miền Nam.

Tại các cuộc họp, tín hiệu vui được phát ra là cả nước đủ nguồn cung ethanol (cồn công nghiệp/E100) để phục vụ quá trình chuyển đổi.

Xăng E5 và A92 khác nhau như thế nào? Được cho là nguồn năng lượng tương lai, tuy nhiên xăng E5 so với A92 giống và khác nhau như thế nào không phải người dùng nào cũng biết.

Ông Vũ Kiên Chỉnh, Phó chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, cho biết tình hình sản xuất E100 là rất khả quan. Hiện cả nước có 2 nhà máy sản xuất E100 đang hoạt động là Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng).

Ngoài ra, 2 nhà máy đang chuẩn bị sản xuất là Ethanol Bình Phước (dự kiến 15/1/2018 vận hành sản xuất) và Ethanol Dung Quất (dự kiến tháng 3/2018 vận hành sản xuất). Như vậy, đến giữa tháng 1/2018, với 3 nhà máy hoạt động, lượng E100 sản xuất mỗi tháng sẽ khoảng 20.000-25.000 m3

Ông Chỉnh khẳng định nguồn cung E100 vẫn đảm bảo đủ cho thị trường. Và khi nhà máy Ethanol Dung Quất dự kiến hoạt động trở lại có thể cung cấp thêm 6.000-7.000 m3/tháng. Khi đó, cả nước hoàn toàn yên tâm về lượng E100.

Phó tổng giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Dũng cho biết doanh nghiệp này đã có 5 điểm phối trộn xăng E5 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Hiện tại, các nhà máy này vận hành hết công suất để đáp ứng nhu cầu E5 cho lộ trình chuyển đổi.

Dự kiến nửa đầu năm 2018, Petrolimex sẽ có thêm 2 điểm phối trộn nữa tại Bình Định và Nghệ An.

Khi đó, tổng công suất của 7 điểm phối trộn là 1,8 triệu m3/năm. Bên cạnh đó, các điểm phối trộn mẻ lớn tại kho K130 (Quảng Ninh), kho ngoại quan Vân phong (Khánh Hòa) và tổng kho Nhà Bè (TP.HCM) cũng đang dần hoàn thành và nâng công suất thêm 62.000 m3.

Ông Lê Xuân Trình, Phó tổng giám đốc PVoil, cũng khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển sang kinh doanh xăng E5. Tổng công suất pha chế xăng E5 của PVoil khoảng 140.000 m3/tháng (tương đương 1,68 triệu m3/năm), hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.

Người sẵn sàng thử cái mới, người e dè

Anh Nguyễn Lâm, một lái xe taxi tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết đã thường xuyên sử dụng xăng E5 từ gần một năm trở lại đây. Giá xăng E5 rẻ hơn 500 đồng/lít so với xăng A92, khiến những người sử dụng số lượng lớn xe như anh cảm thấy tính kinh tế hơn rất nhiều.

“Một ngày tôi thường đổ từ 30-40 lít xăng. Nếu đổ E5 sẽ tiết kiệm được khoảng 15.000-20.000 đồng. Tôi sử dụng xăng E5 đã lâu cũng không thấy có vấn đề gì với động cơ lắm”, anh Lâm nói.

Tương tự, chị Nguyễn Oanh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết mình cũng đã dùng thử xăng E5 nhưng không thường xuyên. Chị Oanh cho biết chị vẫn dùng cả xăng A92 và E5. Khi chị đổ xăng, cây nào có E5 thì chị đổ, còn cây nào không có thì vẫn dùng A92.

Chị Oanh cũng không hề quan tâm đến giá cả bởi 2 loại xăng không chênh lệch gì nhiều. Chị cũng cho biết cảm nhận việc việc sử dụng 2 loại xăng không có nhiều sự khác biệt về khả năng chạy xe.

Dự kiến từ ngày 1/1/2018, xăng A92 sẽ ngừng bán trên cả nước. Ảnh: Lê Hiếu.

Dự kiến từ ngày 1/1/2018, xăng A92 sẽ ngừng bán trên cả nước. Ảnh: Lê Hiếu.

Vốn là một chuyên gia về kỹ thuật, anh Đặng Bình (quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại có những cái nhìn sâu hơn. Anh Bình cho biết khi sử dụng xăng pha cồn công nghiệp sẽ làm hiệu suất chạy máy tốt hơn. Đặc biệt, xăng E5 sẽ làm giảm lượng khí thải ra môi trường so với xăng A92. Nói cách khác, xăng E5 bảo vệ môi trường hơn.

Tuy nhiên, anh Bình nhấn mạnh thông tin xăng pha cồn có xác suất bị “ngậm nước”. Nói nôm na, nếu xăng gặp nước, lượng cồn trong xăng sẽ hút nước, làm giảm hiệu suất của xăng. Anh Bình đặc biệt lo ngại với khí hậu độ ẩm không khí cao ở Việt Nam. Đặc biệt tại TP.HCM hay xảy ra tình trạng ngập nước nên có thể dẫn đến những rủi ro nhất định với động cơ.

Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh xăng dầu (VINPA) Phan Thế Ruệ . Ảnh: Infonet.

Chia sẻ với Zing.vn, một lãnh đạo giấu tên của Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn (SFC), thừa nhận khách hàng vẫn còn những e dè nhất định trong việc sử dụng xăng E5.

Vị này phân tích do người dân có thói quen dùng xăng A92 quá lâu, khi đột ngột chuyển hoàn toàn sang xăng E5 sẽ có những băn khoăn về mặt tâm lý. Thậm chí nhiều người sẽ quay sang sử dụng xăng A95 chứ không thay thế A92 bằng E5.

Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh xăng dầu (VINPA) Phan Thế Ruệ cũng thừa nhận còn không ít người e ngại, chưa sẵn sàng chuyển sang sử dụng xăng E5.

Ông Ruệ giải thích do thông tin về loại xăng E5 vẫn còn thiếu và còn nhiều luồng thông tin trái chiều. “Người thì bảo có lợi, người thì bảo vẫn còn những hạn chế nên còn e ngại. Thậm chí nhiều người còn nghĩ không tốt về xăng E5”, ông Ruệ nói.

“Thế giới đã dùng đến xăng E20”

Vị lãnh đạo tại Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn cho biết xăng pha cồn đã được thế giới sử dụng từ lâu. Nhiều nước đã chuyển sang xăng E10 (pha 10% cồn), xăng E15 (pha 15% cồn) và xăng E20 (pha 20% cồn). Hiệu suất chạy xe cũng như các thông số kỹ thuật đều được nhiều hãng xe hơi nổi tiếng thế giới khẳng định là không có vấn đề gì.

Vị này nhấn mạnh việc chuyển đổi, không còn sự lựa chọn xăng A92 sẽ khiến người tiêu dùng tiến tới dùng E5 nhanh hơn. Tuy nhiên, trong thời gian đầu nhiều người sẽ có xu hướng sử dụng xăng A95 thay vì E5 bởi suy nghĩ an toàn. Nhưng về lâu về dài, khi giá cả chênh lệch, người tiêu dùng bắt đầu dùng thử xăng E5 và không thấy ảnh hưởng gì đến xe dần dần sẽ thích nghi và sử dụng thường xuyên hơn.

Nói về điểm hạn chế “ngậm nước” của xăng E5, vị này nói không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, về mặt tâm lý sẽ khiến cả người tiêu dùng và nhà phân phối có phần e ngại.

Chuyên gia khẳng định xăng E5 là xu thế tất yếu trên thế giới. Ảnh: Lê Quân.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu, cho rằng giá cả chênh lệch khoảng 1.000 đồng/lít giữa xăng A95 và xăng E5 sẽ khiến người tiêu dùng lựa chọn xăng E5 nhiều hơn. Ngoài ra, khi họ bắt đầu sử dụng sẽ dần dần hình thành thói quen. Trong tương lai mọi người sẽ dần chuyển đổi.

Về mặt kinh tế, ông Ruệ cho rằng việc chuyển đổi sang xăng sinh học không còn quá nhiều hiệu quả kinh tế như thời gian trước.

“Trước giá dầu là 100 USD/thùng thì pha thêm 5% cồn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Giờ giá dầu chỉ khoảng trên 50 USD/thùng, gần chạm mức giá thành sản xuất cồn E100 nên hiệu quả kinh tế không còn cao như trước”, ông Ruệ phân tích.

Tuy nhiên, ông Ruệ nhấn mạnh ý nghĩa tích cực và quan trọng về mặt môi trường. Xăng E5 sẽ giảm thiểu khí thải so với xăng A92. Ngoài ra, đạt được một số tiêu chuẩn về mặt khí thải như Euro 6, Euro 7…, việc dùng xăng sinh học là bắt buộc.

Ông Ruệ khẳng định việc chuyển đổi sang xăng sinh học là xu thế tất yếu trên thế giới. Việt Nam giờ mới bắt đầu chuyển đổi sang E5 là chậm so với thế giới. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian và tuyên truyền để người dân thích nghi.

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gio-moi-chuyen-sang-xang-e5-la-cham-sao-con-chua-san-sang-dung-post803109.html