Gió lốc, sâu bệnh và 'tiêu pin', đang... bức tử cây tiêu Bình Phước

Chỉ cơn lốc xoáy chiều ngày 16.3, gần 60.000 trụ tiêu ở xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh đã bị vặn đổ. Cộng với hàng trăm héc-ta hồ tiêu khác trên khắp tỉnh Bình Phước đang chết dần chết mòn vì sâu bệnh. Cuối tháng 4 vừa qua, vụ trộn tạp chất, lõi pin ở tỉnh Đắc Nông, rồi bán về Bình Phước để trộn với… hạt tiêu, càng khiến cây tiêu Bình Phước như đang bị bức tử…

Hàng ngàn trụ tiêu ở huyện Bù Gia Mập đã bị lốc xoáy vặn đổ. Ảnh: Đ.A

Gió lốc, sâu bệnh hoành hành

Gió lốc ngày 16.3, còn vặn gãy gần 30.000 trụ tiêu ở xã Lộc Quang của 36 hộ dân. Riêng tại xã Lộc Phú, ước có tới hơn 50 hộ có vườn tiêu bị xóa sổ. Thiệt hại từ vài phút gió lốc cuốn qua, khiến hàng chục hộ nông dân trồng tiêu của huyện Lộc Ninh mất trắng trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài thiệt hại bởi gió lốc, trong 2 tháng trở lại đây, cây tiêu Bình Phước cũng đang chết từng ngày, vì những nguyên nhân, mà chưa cơ quan chức năng nào giải tích ngọn ngành… Tại huyện Bù Đốp – được xem là “thủ phủ” của cây hồ tiêu Bình Phước, với tổng diện tích trên 4.500 ha, ước chừng có hơn 150 ha tiêu bị chết hoàn toàn.

Đơn cử hộ ông Ngô Sang (trú xã Tân Thành, huyện Bù Đốp) có gần 2.000 trụ tiêu. Ban đầu, chỉ vài trụ xuất hiện tình trạng vàng lá, khô nhánh… Tới nay, toàn bộ 2.000 trụ tiêu nhà ông Sang đã bị chết đứng hoàn toàn, bất chấp ông Sang nỗ lực cứu chữa vườn tiêu bằng mọi phương cách.v.v… Theo ông Sang: “Coi như bao công sức đổ ra cho vườn tiêu 5 năm qua, nay bị mất trắng, gần 500 triệu đồng tan tành mây khói”. Ông Sang cho biết, tiêu chết vì nhiễm bệnh rất khó chữa. Lúc đầu chỉ vài chục trụ, ông Sang mua đủ loại thuốc phun, xịt, đổ gốc, nhưng tiêu vẫn chết…

Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Thu ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, với khoảng 3 ha hồ tiêu (5.000 trụ), 4 năm tuổi… Bà Thu vay ngân hàng gần 700 triệu đồng đầu tư vườn tiêu. Mong mỏi từng ngày thu hoạch tiêu để trả nợ ngân hàng… Nhưng giờ đây, mong ước đó hoàn toàn sụp đổ, vì vườn tiêu 5.000 trụ, gần như bị chết khô hoàn toàn.

Theo UBND huyện Bù Đốp, nguyên nhân tiêu chết là do niên vụ 2015-2016 bị hạn hán nghiêm trọng. Đến niên vụ 2016-2017, mưa nhiều kèm theo lốc xoáy liên tục, một số vườn tiêu bị gãy đổ làm tổn thương bộ rễ nên cây khó phát triển. Mặt khác, độ ẩm đất và không khí tăng cao tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại, đặc biệt là bệnh chết nhanh. Cùng với đó là một số diện tích cây tiêu trồng trên đất trũng ngập úng khi mưa nhiều. Mọi nguyên nhân trên dẫn tới cây tiêu ở Bù Đốp gần như bị… bức tử.

Đặc biệt mới đây, cơ sở thu mua cà phê của bà Nguyễn Thị Thanh Loan ở tỉnh Đắk Nông, bị phát hiện trộn tạp chất, lõi pin, rồi bán cho Công ty TNHH Thảo Dung (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) để trộn với hạt tiêu, bán ra thị trường… Hành vi gian dối này đang bị các cơ quan luật pháp điều tra xử lý. “Tuy nhiên, sự cố này là đòn giáng mạnh cho thương hiệu hồ tiêu tỉnh Bình Phước. Giá tiêu Bình Phước giảm mạnh, sản lượng bán ra cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng” – ông Hồ Như Phợt – Chủ nhiệm Hợp tác xã nông sản sạch Bình Phước – cho biết.

Giá cả sụt giảm, cách nào vực dậy cây tiêu?

Thật vậy, giá hồ tiêu trên thị trường sa sút, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của hàng ngàn hộ dân trồng tiêu ở Bình Phước. Thực tế cho thấy, hiện giá tiêu trên thị trường chỉ ở mức 55.000 đồng/kg, bằng 1/3 giá tiêu so với cùng kỳ năm 2017 là 180.000 đồng/kg. Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2.2018, cả nước đã xuất khẩu 12.900 tấn hạt tiêu, trị giá 47,3 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 31,3% về trị giá so với tháng 1.2018. Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu của cả nước đạt 30.000 tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 36,5% về lượng, nhưng giảm 23,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Lý giải hiện tượng nghịch lý này, TS Lê Bá Chí Nhân – ĐH Kinh tế TP HCM: “Do việc phát triển hồ tiêu quá nóng trong thời gian gần đây, dẫn tới cung vượt cầu. Giá cả giảm sút là điều dễ thấy. Mặt khác, các DN xuất khẩu hồ tiêu chủ yếu là xuất thô, nên giá trị gia tăng thấp, tính cạnh tranh chưa cao, chưa xây dựng được thương hiệu, điều kiện bảo quản và chế biến sâu chưa được đầu tư nhiều. Thêm vào đó, sự cố “cà phê pin” dẫn đến “tiêu pin”, càng làm cho hồ tiêu Bình Phước lâm cảnh chợ chiều”.

Vấn đề đặt ra ở đây là, khi giá tiêu đang ở mức cao, thì nhà nhà đổ vốn trồng tiêu. Khi cung vượt cầu, thì giá tiêu lại giảm sút… Đây đó, có không ít hộ dân đã chặt tiêu chuyển sang trồng cây khác mang lại giá trị nhiều hơn. Rồi, sang giai đoạn nào đó, cây tiêu lại có giá, người nông dân lại bỏ cây khác quay trồng lại cây tiêu.v.v… Rõ ràng, với lối canh tác như trên, sẽ không bao giờ có được một nền vùng chuyên canh hồ tiêu phát triển mang tính bền vững.

Ông Hà Anh Dũng – Bí thư Huyện ủy Bù Đốp – cho biết: “Lãnh đạo địa phương hết sức trăn trở với tình hình canh tác cây tiêu của người dân. Trước thực trạng cây tiêu đang bị chết, cán bộ khuyến nông đã nỗ lực tư vấn cho người dân các giải pháp cứu vườn tiêu. Tuy nhiên, không phải vườn nào cũng cứu được. Sắp tới, huyện sẽ giao các ngành cùng Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện phải nghiên cứu, trao đổi với người dân khẩn trương chuẩn bị cho vụ mùa mới. Phải cải tạo lại đất vườn, thay đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở Bù Đốp. Chúng tôi cũng quan tâm định hướng cho người dân những khu vực thuận lợi thì chuyển sang trồng cây ăn trái, phải phá thế độc canh. Mỗi hộ có thể có chưa tới 1 ha, nhưng cũng nên nghiên cứu trồng xen canh, đa cây trồng kết hợp chăn nuôi”.

Trong lúc đó, có ý kiến cho rằng, Bình Phước cần có biện pháp hạn chế việc phát triển hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch. Hướng dẫn và tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu an toàn bền vững, hiệu quả cho người dân. Bà Phạm Thị Ngọc – Phó GĐ Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước – cho biết: “Chúng tôi đang khẩn trương rà soát, kiểm tra toàn diện các hộ kinh doanh, thu mua hồ tiêu, sau khi xảy ra vụ “tiêu pin”. Mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, để vực dây thị trường hồ tiêu và uy tín của thương hiệu hồ tiêu Bình Phước”.

Có như vậy, hồ tiêu mới thật sự trở thành cây trồng chủ lực, mũi nhọn giống như cây điều và cây cao su. Từ đó, mới tránh được tình trạng cây tiêu đang bị bức tử như hiện nay, mà vẫn chưa tìm ra một phương cách nào khắc phục hiệu quả.

Đông Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/gio-loc-sau-benh-va-tieu-pin-dang-buc-tu-cay-tieu-binh-phuoc-604766.ldo