Gió đang đổi chiều

Hôm nay, 11-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến thăm làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow. Chuyến thăm của Thủ tướng Merkel diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga với Đức đang có dấu hiệu 'đổi chiều' theo hướng nồng ấm trở lại.

Việc Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Vladimir Putin ngồi lại với nhau chỉ trong vòng một tháng kể từ Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy ở Paris (Pháp) ngày 9-12-2019 vừa qua là kết quả ghi nhận nỗ lực lớn của cả đôi bên. Thời gian gần đây, quan hệ Nga-Đức nồng ấm trở lại với việc hai bên có chung quan điểm trong một số vấn đề quốc tế lớn-điều mà cách đây 5 năm ít ai nghĩ tới. Còn nhớ, năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời cáo buộc Moscow liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời đưa ra các biện pháp trả đũa, khiến nhiều nước EU, trong đó có Đức, cũng chịu thiệt hại nặng nề về xuất khẩu nông sản sang Nga.

Có thể nói rằng, tình trạng đối đầu giữa Đức và Nga có chiều hướng xoay chuyển tích cực ít nhiều xuất phát từ mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và EU thời gian gần đây. Trong quá khứ, các tổng thống Mỹ luôn dành những lời có cánh cho những người đồng cấp ở châu Âu. Thế nhưng, chuỗi ngày tốt đẹp đó đã kết thúc dưới thời cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Từ các chuyến thăm châu Âu, các dòng tweet của ông Donald Trump với nội dung luôn nhắc tới vấn đề thuế quan ở EU và chi phí của NATO không khó để thấy ông chủ Nhà Trắng đang coi châu Âu như một gánh nặng hơn là một đồng minh. Căng thẳng lên cao đến mức Thủ tướng Merkel có lúc phải thốt lên rằng: “Đến lúc châu Âu buộc phải quyết định số phận của chính mình”.

Bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương và động thái Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vô hình trung đã làm thất bại nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế suốt 5 năm qua, đồng thời đẩy Đức và Nga gần như đứng chung một chiến tuyến. Trên các diễn đàn quốc tế, cả Thủ tướng A.Merkel và Tổng thống V.Putin đều có chung quan điểm về thỏa thuận hạt nhân Iran hay dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2)… Với tư cách Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các thành viên trong “Bộ tứ Normandy”, gồm Đức, Pháp và Nga, đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận Minsk liên quan đến vấn đề Ukraine. Trong vấn đề Syria, hai nhà lãnh đạo nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy trợ giúp nhân đạo đối với quốc gia lún sâu vào cuộc chiến kéo dài 9 năm qua... Có vẻ như EU nói chung và nước Đức nói riêng nhận ra rằng, cải thiện quan hệ với Nga là xu thế tất yếu và có lợi nhất. Hợp tác chặt chẽ với Nga, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong giải quyết nhiều vấn đề quốc tế lớn, là lựa chọn hàng đầu giúp Đức và “lục địa già” đối phó hiệu quả hơn với những mối đe dọa và thách thức về an ninh.

Việc ổn định quan hệ với EU lúc này cũng giúp Nga duy trì sự cân bằng chiến lược và giảm bớt sức ép mà Moscow phải gánh chịu hơn 5 năm qua sau khi quan hệ giữa Nga với phương Tây rơi vào căng thẳng. Rõ ràng việc cải thiện quan hệ giữa Nga và Đức đáp ứng lợi ích của cả hai, và xu thế đối thoại để tìm hướng phối hợp trong những vấn đề cùng có chung lợi ích đang được cả Moscow và Berlin nỗ lực duy trì.

Vì lẽ đó, giới quan sát kỳ vọng trong chuyến thăm làm việc một ngày, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin sẽ tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề “nóng” của thế giới. Sau nhiều năm rơi vào căng thẳng, chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Merkel có ý nghĩa quan trọng không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, mà còn tạo ra xung lực mới giúp tái khởi động quan hệ Nga-Đức nói riêng, Nga-EU bước sang giai đoạn mới, hợp tác và phát triển.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/gio-dang-doi-chieu-607502