Gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 vừa khép lại với nhiều tín hiệu tích cực, khởi sắc trong hành trình gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật này.

Đó không chỉ là chất lượng các vở diễn được nâng lên, xóa dần khoảng cách trình độ giữa các đơn vị mà còn hình thành một thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng, tâm huyết với nghề.

Bức tranh đa sắc màu

Một điểm nhấn của liên hoan năm nay là ban tổ chức không giới hạn về đề tài tham gia mà chỉ khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng đề tài "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… Chính điều này tạo nên bức tranh sinh động, đa sắc màu cho các vở diễn, thể hiện được năng lực sáng tạo, tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ, sự đầu tư của từng địa phương và mang đến khán giả yêu bộ môn nghệ thuật này những giây phút thưởng thức thú vị, đặc sắc.

Một cảnh trong vở “Cuộc đời của mẹ” (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An)-vở diễn đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018.

Lấy đề tài cách mạng, vở diễn “Cuộc đời của mẹ” (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) đã dựa trên cuộc đời Nguyễn Thị Út, người con của quê hương Cần Giuộc (Long An). Dù bị địch bắt, cầm tù, tra tấn dã man, nhưng người phụ nữ ấy vẫn một lòng kiên trung, giữ trọn lời thề sắt son với Đảng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc. Vở diễn với nhiều tình tiết cao trào, khiến khán giả nhiều lần không cầm được nước mắt. Một vở diễn khác không kém phần đặc sắc là “Phù sa đỏ” của Đoàn Văn công Quân khu 9. Vở diễn khắc họa hình ảnh những chiến sĩ hải quân năm xưa cùng nhân dân vùng rừng đước Tân Ân, Rạch Gốc vượt qua mưa bom, bão đạn và sự tàn ác của kẻ thù để hoàn thành nhiệm vụ.

Làn gió mới cho Liên hoan Cải lương toàn quốc năm nay chính là sự tham gia của các đơn vị ngoài công lập với những vở diễn được đầu tư công phu, nghiêm túc, chất lượng. Sự đổi mới này hướng đến mục tiêu chất lượng nghệ thuật, đồng thời tạo ra sân chơi đúng nghĩa, bình đẳng cho những nghệ sĩ yêu nghề. Thực tế, các vở diễn: “Tổ quốc nơi cuối con đường” của Nhà hát Thế giới trẻ, “Rạng ngọc Côn Sơn” của Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Kim Tử Long, “Hồn của đá” của Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong giới mộ điệu. Đánh giá về chất lượng nghệ thuật của liên hoan, NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật liên hoan, nhận định: “Với sự đa dạng trong đề tài, thể loại, 32 vở diễn của liên hoan mang đến sắc thái, diện mạo riêng với chất lượng nghệ thuật tốt. Đó là sự kết tinh của nghệ thuật dân tộc với sự phản ánh sinh động đời sống hiện thực, ca ngợi những nét đẹp trong cuộc sống, lao động, chiến đấu của người Việt Nam”.

Phát huy thế hệ kế cận, giữ lửa cho nghề

Từ nhiều năm qua, sân khấu cải lương gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động tổ chức và biểu diễn. Tuy vậy, một lực lượng nghệ sĩ trẻ vẫn bám trụ với nghề, góp sức giữ nghề bằng niềm tin, tình yêu, đam mê dành cho nghệ thuật cải lương. Qua liên hoan, nhiều gương mặt trẻ đã “ghi điểm” với hội đồng nghệ thuật và khán giả về tài năng diễn xuất, tinh thần nhiệt huyết với nghề. Nghệ sĩ trẻ Võ Minh Lâm (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Mỗi dịp liên hoan là cơ hội tốt để các nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng, giao lưu, học và rèn nghề, nhất là tiếp thu kinh nghiệm từ những nghệ sĩ đi trước. Chúng tôi mong muốn có thêm cơ hội tham gia các vở diễn hay, không chỉ trong liên hoan mà còn phục vụ công chúng rộng rãi”.

Thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà hát, đoàn nghệ thuật, đặc biệt là những nghệ sĩ tâm huyết, yêu nghề đã nỗ lực hết mình, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn lại thì sân khấu cải lương chưa có điểm mới đáng kể, nhất là thiếu kịch bản tốt và lực lượng đạo diễn giỏi. Với nhiều vở diễn, khán giả mua vé đến xem vì có nghệ sĩ yêu thích. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của những người làm nghề là đưa cải lương đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Những gương mặt nghệ sĩ trẻ tiêu biểu tại liên hoan cải lương năm nay đã đáp ứng cho sân khấu nghệ thuật truyền thống về tài sắc, phẩm chất. Đây chính là nguồn nhân lực quý cho việc phát triển sân khấu cải lương.

NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Liên hoan góp phần đánh giá lại quá trình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, từ đó đưa ra những phương hướng, biện pháp, để giúp hoạt động nghệ thuật của mỗi đơn vị được tốt hơn. Mong thế hệ sau nhìn thấy sự phát triển của sân khấu mà mạnh dạn dấn thân, cùng chung sức bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân tộc. Từ liên hoan cũng cho thấy, cần thiết phải xây dựng thêm những sân chơi cải lương chuyên nghiệp dành cho nghệ sĩ. Đó không chỉ là những sân khấu thực hành bổ ích, mà còn góp phần đào tạo, truyền nghề, giúp các nghệ sĩ trẻ có được nhiều cơ hội học hỏi, nâng cao chuyên môn”.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/gin-giu-va-phat-trien-bo-mon-nghe-thuat-cai-luong-550885