Gìn giữ 'sân chơi' của trai gái đất Mường Lò

Hạn Khuống là một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Nghệ thuật Hạn Khuống đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng tô đậm hơn bản sắc văn hóa của vùng đất Mường Lò. Tuy nhiên, trước sự phát triển của đời sống hiện đại ngày nay, nét đẹp văn hóa truyền thống này rất cần sự chung sức của cả cộng đồng để bảo tồn và phát triển.

Các cô gái quay xa, kéo sợi, thêu thùa trên Hạn Khuống. Ảnh: Thanh Nguyên

Hạn Khuống là một trong những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của đồng bào Thái, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Loại hình nghệ thuật này được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần phong phú của người Thái.

Nói về nguồn gốc của Hạn Khuống, nghệ nhân Lò Văn Biến, nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở Mường Lò cho biết: “Vào thế kỷ XI, Tạo Xuông đến đất Mường Lò và chọn nơi đây làm mảnh đất định cư của người Thái. Khi đã an cư lạc nghiệp, sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, người Thái thường nghĩ cách để vui chơi ca hát. Để có một nơi vui chơi chung, các thanh niên trong bản thống nhất dựng một cái sàn ở giữa bản, để ai cũng có thể đến và cùng vui chơi. Vậy là họ lên rừng chặt tre về, dựng một cái sàn lên làm nơi vui chơi, gọi là sàn Hạn Khuống”.

Trong tiếng Thái, “hạn” có nghĩa là tre, nứa và “khuống” là sân, đất trong bản. Hạn khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. “Hạn khuống” còn gọi là Sàn hoa Hạn khuống - sân chơi dành riêng cho nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình. Sàn được làm bằng những cây tre to ghép lại (ngày nay nhiều nơi còn làm bằng gỗ). Chính giữa sàn có một bếp lửa chừng 4m, cạnh bếp có 5 cây tre hoặc hóp thẳng người ta dựng làm cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là cây "lắc say”. Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở Mường Lò, cây này giống như cây nêu ngày Tết của người Kinh, trên ngọn để nguyên chùm lá treo những hình con ve, chim, hoa quả, xúc xích được đan bằng lạt xanh, đỏ rực rỡ.

Các bậc đàn chị từng nhiều năm chơi Hạn Khuống, giỏi ứng đối thường được chọn để ngồi ở vị trí chính giữa sàn, tức là chủ Hạn Khuống. Những người này bằng kinh nghiệm hát đối đáp nhiều năm của mình sẽ "gỡ rối" cho các "xao noọng" (tức là những cô gái trẻ) còn ít kinh nghiệm hát đối đáp ngồi ở bốn góc.

Một đêm sinh hoạt Hạn Khuống thường có khoảng từ 5 đến 10 đôi tham gia. Khi ánh lửa bập bùng được thắp lên cũng là lúc bắt đầu đêm Hạn Khuống. Các cô gái Thái xinh tươi, duyên dáng trong những bộ váy, áo cóm truyền thống, chiếc khăn piêu rực rỡ sắc màu đội trên đầu như tôn lên vẻ xinh tươi, khiến các cô nổi bật hơn giữa màn đêm. Còn các chàng trai tay cầm khèn cái pí đệm cho những câu Khắp tình tứ lúc giao duyên bay bổng.

Hạn Khuống có lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển từ xa xưa, nhưng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước và một thời gian khá dài do kinh tế khó khăn, Hạn Khuống hầu như không được trình diễn. Đến năm 2002, lần đầu tiên loại hình nghệ thuật này được khôi phục nhưng do một thời gian dài không được diễn ra nên việc khôi phục gặp nhiều khó khăn. Phải đến năm 2015, nghệ thuật Hạn Khuống mới được tiến hành khôi phục thành công, bài bản.

Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết, trước kia, Hạn Khuống được tổ chức một đến hai năm một lần, theo mùa vụ nông nghiệp. Đến năm 2010, Nghĩa Lộ đã tiến hành khôi phục và tổ chức Hạn Khuống hằng năm để phục vụ chương trình Du lịch về cội nguồn diễn ra ở ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai. Từ đó đến nay, Hạn Khuống được tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân, phục vụ nhu cầu vui Tết, chơi xuân của cộng đồng.

Bà Lò Thị Huân, Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết: "Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật trình diễn dân gian Hạn Khuống, UBND thị xã Nghĩa Lộ cũng đã có những giải pháp cụ thể như: Tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy những bài Khắp cho tất cả các xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ và một số xã trong vùng lòng chảo Mường Lò; đưa nghệ thuật trình diễn Hạn Khuống vào phục vụ những tuần văn hóa du lịch địa phương".

Hiện nay, các nghệ nhân và người am tường hát Hạn Khuống như bà Điêu Thị Xiêng (xã Nghĩa An), bà Hoàng Thị Văn (phường Tân An) đang tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ từng làn điệu, từng lời hát trong Hạn Khuống. 7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có đội văn nghệ hát được các bài Khắp trong Hạn Khuống cùng đội khèn bè, đánh trống và sử dụng các nhạc cụ trong Hạn Khuống. Tại nhà sàn văn hóa xã Nghĩa An và Nghĩa Lợi luôn dựng sẵn một sàn Hạn Khuống để có thể biểu diễn cho du khách tham quan trong dịp lễ, Tết, hội xuân, 2 đội văn nghệ hát thuần thục và có phong cách biểu diễn Hạn Khuống tốt được lựa ra từ đội văn nghệ của các xã, phường, sẵn sàng biểu diễn trong các dịp lễ hội lớn của địa phương. Hội Hạn Khuống còn được các xã, phường luân phiên tổ chức trong dịp Rằm tháng Giêng hàng năm để bà con cảm thụ, du khách biết đến, tìm hiểu, thưởng thức.

Thanh Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gin-giu-san-choi-cua-trai-gai-dat-muong-lo/