Gìn giữ rêu phong làng cổ

Hà thành phồn hoa và sầm uất. Giữa phố thị, nhịp đô thị hóa dường như càng rõ nét và đậm đặc hơn. Nhiều người yêu thích không khí ấy nhưng tôi thì khác. Ở những chốn xưa cũ, đầy những rêu phong mỗi khi tìm về tôi như được đắm mình tận hưởng. Những không gian yên bình ấy khiến tôi như thấy lòng mình lắng lại.

Dấu tích xưa dần phai nhạt

Lần nào đến với làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là tôi như sống lại những ngày tháng thơ ấu khi được đi dưới những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà cổ kính... Cự Đà có lẽ là một trong số ít ỏi những ngôi làng còn ít nhiều giữ được dáng vẻ làng quê bình dị, cổ kính giữa nhịp sống thị thành. Hỏi những cao niên trong làng thì biết, Cự Đà được quy hoạch ngăn nắp, trật tự từ xưa. Nghĩa là những bậc khai ấp lập làng khi quy hoạch xây dựng nền móng trên đất này đã có những góc nhìn, thiết kế mới mẻ.

Nét đẹp cổ kính, đặc trưng của kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ nay không còn nhiều. (Ảnh: P.T)

Nét đẹp cổ kính, đặc trưng của kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ nay không còn nhiều. (Ảnh: P.T)

Dễ thấy, đường làng được thiết kế chạy dọc theo bờ sông, bên trái là hàng cây râm mát và bến nước, bên phải là nhà. Chỉ cần bước qua cổng làng là có thể dễ dàng quan sát được một hệ thống nhà với đường, ngõ ngách như xương cá. Từ con đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng dẫn vào các xóm. Đầu ngõ có cổng, thì cuối ngõ cũng có cổng dẫn ra cánh đồng và các ngõ giống hệt nhau. Hai bên ngõ là hai dãy nhà quay lưng vào nhau, thẳng tắp.

Điểm đặc biệt, các ngôi nhà cổ ở đây đều được quy hoạch giống nhau, cổng có mái che dẫn vào sân, nhà chính quay lưng ra đường, nhà phụ đối diện với nhà chính qua mảnh sân hẹp. Khuôn viên mỗi nhà thường là 250 - 350m2, nhà chính gồm năm gian dài 12m, rộng 7m. Tường nhà cũng chính là tường bao khuôn viên và không có cửa sổ trổ ra ngõ nên tạo cảm giác “kín cổng cao tường".

Như báu vật trân quý, người Cự Đà qua bao thế hệ cũng cố sức gìn giữ nét rêu phong xưa cũ. Thế nhưng, dường như dòng chảy xô bồ của mưu sinh, của đô thị hóa khiến những nếp nhà cổ cứ bị đốn ngã dần. Đường làng thay bằng những viên gạch lát nghiêng là sự bê tông hóa. Những ngôi nhà cổ dần ngã gục trong sự chen lấn của những ngôi nhà bê tông cốt thép. Nét đẹp xưa cũ trở nên khập khiễng. Vẻ đẹp ngôi làng không còn nguyên vẹn. Người làng tiếc, những người hoài cổ cũng tiếc nhưng cũng chẳng thể thay đổi guồng quay khắc nghiệt.

Chẳng nói đâu xa, ngay trong nội thành những nét xưa cũ cũng đang dần mất đi. Hà Nội khi xưa còn có vùng đất mang tên gọi là Kẻ Đơ. Dĩ nhiên những dấu vết của Kẻ Đơ để lại cho đô thị ngày nay có lẽ chỉ còn tìm thấy tại làng Triều Khúc… Trong nhịp chảy thời gian, những Kẻ Đáy, Kẻ Giàn, Kẻ Mọc, Kẻ Vẽ, Kẻ Noi và Kẻ Đơ… dần chỉ còn tìm thấy trong sách vở. Dấu tích xưa phai nhạt giờ muốn tìm cũng khó bởi trên đất xưa đã không còn tên xưa làng cũ nữa. Có chăng chỉ còn những bảng hiệu mang tính biểu trưng, nhận diện cho các ngôi làng trong Kẻ xưa như ở Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm…

Bản thân tôi đã không ít lần lạc bước đến làng Vẽ Đông Ngạc. Thế nhưng, phải mãi đến tận giờ tôi mới biết đó chỉ là tên nôm. Nay muốn tìm đến làng, muốn cánh xe ôm hiểu và đưa đến đúng địa chỉ thì phải gọi là phường Đông Ngạc. Nét cổ ít nhiều phai đi nhưng may thay ở dải đất này vẫn giữ được truyền thống hiếu học. Nơi đây khi người ta nhắc đến vẫn luôn xếp đây là nơi “top” đầu trong những làng cổ nhất, khoa bảng nhất.

Quanh câu chuyện gìn giữ những lối kiến trúc xưa cũ, hiện rất nhiều người ở những làng cổ Hà thành tâm sự thẳng thắn rằng, họ cũng muốn giữ nếp nhà cha ông để lại nhưng cái khó bó cái khôn. Bởi lẽ, đất không sinh nở được mà người thì ngày một đông thêm. Một nếp nhà cổ bị “triệt hạ” sẽ đủ chỗ cho ít nhất một biệt thự cao tầng mọc lên, đủ để chia cho nhiều hộ, đủ làm chỗ trú ngụ cho nhiều người. Bản thân người có những nếp nhà cổ cũng tiếc nhưng đành nhắm mắt quay đi bởi sự chẳng đặng mới phải như vậy.

Những người hoài niệm

Tốc độ đô thị hóa nhanh, những làng cổ đang dần phải thu mình trong dòng chảy ồn ã. Những vẻ đẹp xưa cũ dù đã tồn tại cả trăm năm, nhưng cũng thật mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Đã có nhiều vẻ đẹp mất đi trong tiếc nuối, và các cơ quan chức năng đang tích cực tìm phương án bảo tồn làng cổ, nhà cổ trước khi chúng vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc sống hiện đại.

Tôi đến cơ sở chuyên làm nhà gỗ của anh Nguyễn Chí Ba (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) - một nghệ nhân trẻ, tính đến nay là đời thứ ba nối nghề dựng nhà cổ vào một chiều cuối tuần. Khi ấy, trong xưởng mộc của anh có khoảng 10 công nhân đang chăm chú với công việc. Những người thợ tỉ mẩn bào cột, chà nhám, đục, chạm hoa văn trên kèo, xà. Tiếng máy bào gỗ, máy chà nhám ù ù, tiếng búa đục đẽo lách cách không ngớt.

Sau khi đục tạo hình, anh Ba dùng máy chà nhám đánh bóng cho hoa văn trơn nhẵn, mượt mà. Khúc gỗ thô cứng qua đôi tay khéo léo của người thợ trẻ đã trở nên sinh động, có hồn. Theo lời người nghệ nhân trẻ, đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Cách lắp ghép này vừa đảm bảo độ bền chắc cho ngôi nhà và càng sử dụng lại càng thấy sự hài hòa trong từng thớ gỗ. Chưa kể đó là những hoa văn, họa tiết trang trí trên từng kèo, cột, khiến những người thợ dựng nhà phải bỏ công đục đẽo, chạm trổ hàng tháng trời mới xong.

Không giống như anh Ba tìm cách lưu truyền và “thổi hồn” cho gỗ để tạo dựng những nếp nhà cổ, một người đam mê với những nét rêu phong khác mà tôi biết là nhà văn Nguyễn Văn Học. Yêu, mê và luôn tìm cảm hứng từ những nét xưa cũ, có không ít lần tôi thấy anh một mình đi chụp những chiếc cổng làng, những chiếc giếng hằn in vệt thời gian. Không chỉ thế, bằng lối diễn đạt ngôn từ khéo léo của mình, anh đã sử dụng những kết tinh văn hóa mà bản thân tích góp được để viết ra nhiều đầu sách gồm cả tiểu thuyết và văn xuôi mang đậm vị quê hương.

Bằng phương cách khác, hiện nhiều người yêu văn hóa, lịch sử, kiến trúc cổ… còn cùng nhau ghi lại các chi tiết cũng như cấu trúc tổng thể của công trình để lưu giữ lại như một bộ tư liệu, để đến một lúc nào đó phục vụ cho công việc trùng tu. Ứng dụng công nghệ 3D vào bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, di tích của Nguyễn Trí Quang, một bạn trẻ ở Hà Nội là ví dụ. Quang đã quét 3D đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) - một công trình cho đến nay còn giữ được gần như nguyên vẹn phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Đình được số hóa toàn bộ kiến trúc cũng như các chi tiết trang trí. Những tư liệu này sẽ được lưu trữ và phục vụ cho bất kỳ ai đam mê nghiên cứu.

Hồn quê giữa lòng phố, những giá trị thiện lành chẳng đâu xa mà ngay trong chính tâm hồn, cách nghĩ. Ở một vài làng quê ngoại thành khác, tôi đã từng may mắn chứng kiến có không ít những bạn trẻ cặm cụi dùng điện thoại, máy ảnh ghi lại những hình ảnh, chi tiết của đình, đền ở làng mình. Nhiều di tích trong số đó chưa được xếp hạng, nhưng bằng tình yêu đối với vốn cổ của cha ông, các bạn trẻ vẫn lưu giữ lại tư liệu tự xây dựng với mong muốn sẽ giữ lại cho các thế hệ sau này. Đây là điều đáng trân quý. Tuy nhiên, những công việc này hiện vẫn chỉ là sự tự phát từ các cá nhân. Rất cần có sự tham gia, vào cuộc của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý.

Thảo Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gin-giu-reu-phong-lang-co-106733.html