Gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt - Lào

Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh và ĐHQG Lào đã có buổi trao đổi những vấn đề lý luận chung về văn hóa trong thời đại hội nhập, văn hóa và toàn cầu hóa; quan điểm, đường lối giữ gìn và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc mỗi dân tộc…

Theo ÐHQG Lào, từ sau Ðại hội IV Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào và Ðại hội VI Ðảng Cộng sản Việt Nam, cả hai nước đều đẩy mạnh hợp tác toàn diện về văn hóa. Tuy vậy, dưới tác động của kinh tế thị trường, hội nhập và toàn cầu hóa, hiện tượng "tha hóa bản sắc" đan xen với "cố chấp" trong ứng xử văn hóa; tình trạng xa rời nguồn cội đan xen thương mại hóa văn hóa, lối sống thực dụng, chạy theo thị hiếu tầm thường… đang tạo nên những bất cập trong bức tranh đa diện đa chiều của sự phát triển văn hóa ở cả hai nước. Ðồng quan điểm này, ÐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng: Ðứng trước những nguy cơ và thách thức ấy, hơn lúc nào hết, việc hai Ðảng chung sức bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trở thành nhu cầu tất yếu và mệnh lệnh lịch sử. Ðó cũng là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản vô giá của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia, hai dân tộc. PGS, TS Huỳnh Thành Ðạt, Ủy viên T.Ư Ðảng, Giám đốc ÐHQG TP Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc với chủ trương "hội nhập" nhưng không "hòa tan", cả Việt Nam và Lào đều khẳng định quan điểm hội nhập trên cơ sở bảo đảm lợi ích sống còn của dân tộc, đồng thời tôn trọng tính đặc thù dân tộc của những quốc gia khác".

GS, TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư cho biết: Lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế, khu vực và thế giới chi phối, ràng buộc lẫn nhau. Giải quyết những mối quan hệ vừa thống nhất, vừa khác biệt đó đòi hỏi những ứng xử văn hóa trên tinh thần tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, thực hiện hài hòa các lợi ích, đoàn kết và đồng thuận, dân chủ và bình đẳng, hợp tác và cộng đồng trách nhiệm. Ðó là những chuẩn mực của văn hóa hòa bình, văn hóa khoan dung và khoan dung văn hóa cần thiết cho phát triển và phát triển bền vững. Ðó là những con người thể hiện các giá trị của nhân cách phù hợp với đặc trưng của văn hóa: Trung thực và trách nhiệm, tận tụy và sáng tạo, khiêm nhường và giản dị, vị tha - nhân ái - khoan dung. Ðó là giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng gắn liền với giáo dục tình cảm đạo đức trong sáng, tình đoàn kết quốc tế thủy chung, tăng cường các tiếp xúc, giao lưu, đối thoại văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Trên tinh thần hữu nghị, hợp tác cao đẹp của hai dân tộc, hai nước Lào - Việt Nam, PGS, TS Ðê-xa-nô-nạt Xê-nê-đuông-đệt (ÐHQG Lào) cho biết: Trong năm học 2017-2018, có 462 sinh viên nước ngoài đang học tại ÐHQG Lào, trong đó có 210 sinh viên Việt Nam. Tuy còn non trẻ nhưng ÐHQG Lào được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và cả lĩnh vực học thuật. Trên cơ sở đó, hai bên cùng tổ chức khóa học Thạc sĩ quản trị kinh doanh (năm học 2004-2005), sau đó là một khóa học Tiến sĩ bắt đầu hai năm sau. Ðồng thời, các trường đại học Việt Nam cũng trao học bổng cho sinh viên Lào từ Khoa Tiếng Việt (Ðại học Quốc gia Lào) để học và thực hành tiếng Việt trong trường đại học của Việt Nam từ năm 2009 và xu hướng thời gian thực hành tăng từ ba tháng vào đầu năm 2009 lên 12 tháng vào năm 2017. Hai bên cũng tăng cường trao đổi giảng viên… bởi điều đó được coi là truyền thống Lào - Việt, là một giá trị văn hóa trong bối cảnh phát triển của cả hai nước theo cùng mục tiêu chiến lược xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ðiều mà luôn có giá trị trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, cần được bảo tồn, tăng cường để đạt được thành tựu hơn nữa.

PGS, TS Huỳnh Thành Ðạt khẳng định: Ðể giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào, cần chú trọng văn hóa kinh tế, văn hóa pháp quyền, văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị, nhất là văn hóa trong Ðảng, trong hệ thống chính trị để làm điểm tựa cho nền văn hóa chính trị hiện đại của mỗi dân tộc; Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, tác dụng của giá trị văn hóa truyền thống và tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào trong hội nhập quốc tế; Kết hợp hài hòa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế của mỗi dân tộc; Tăng cường định hướng xã hội chủ nghĩa và nâng cao chất lượng lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào… Bởi quan hệ hữu nghị và hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào được hình thành, phát triển qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của hai dân tộc. Quan hệ hữu nghị cao đẹp đó, hệ giá trị văn hóa nhân văn đó cần được các thế hệ hôm nay và mai sau giữ gìn, phát triển bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/35039702-gin-giu-phat-huy-gia-tri-truyen-thong-van-hoa-viet-lao.html