Gìn giữ những làn điệu chèo ở Quảng Minh (Hải Hà)

Tại Quảng Ninh, từ rất lâu hát chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của bao lớp thế hệ người dân. Việc duy trì và bảo tồn hát chèo hiện chủ yếu dựa vào các CLB ở TX Đông Triều và TX Quảng Yên. Tuy nhiên, ít người biết rằng ở huyện Hải Hà cũng có một CLB với những nghệ nhân dân gian tâm huyết với việc bảo tồn, phát huy giá trị các làn điệu chèo. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Để duy trì phong trào hát chèo, tháng 8/2011, nghệ nhân Vũ Văn Ninh đã cùng hội người cao tuổi xã Quảng Minh sáng lập ra CLB Văn nghệ dân gian, tập hợp những người yêu dân ca, trong đó có hát chèo. Từ những ngày đầu thành lập với 16 thành viên, đến nay CLB có 32 thành viên, thường xuyên gặp gỡ, sinh hoạt định kỳ vào mùng 10 hàng tháng.

Hai nghệ nhân Vũ Văn Ninh và Đào Thị Duyên là những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Câu lạc bộ.

Hai nghệ nhân Vũ Văn Ninh và Đào Thị Duyên là những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Câu lạc bộ.

Trong tuần, cứ rảnh rỗi hoặc có lời mời là các thành viên của CLB lại tập trung để tập bài mới, hoặc biểu diễn cho làng, cho xã, cho huyện. Hai giọng ca chủ chốt của CLB là nghệ nhân dân gian Vũ Văn Ninh và nghệ nhân dân gian Đào Thị Duyên đã hướng dẫn tận tình từng câu hát, điệu múa cho những thành viên. Mọi người đều hăng say luyện tập, biểu diễn những mong gìn giữ làn điệu của cha ông không bị mai một.

Ban đầu, họ tập hợp những người cùng sở thích lại chỉ với mong muốn là được chia sẻ niềm đam mê với nghệ thuật chèo, cùng nhau hát cho vui sau những ngày lao động vất vả. Theo thời gian, CLB lại tăng thêm thành viên và nhận thêm được nhiều lời mời. Những ngày đầu mới thành lập, hoạt động của CLB gặp không ít khó khăn: Kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ thiếu thốn, các diễn viên, nhạc công chưa từng học qua một khóa đào tạo nào. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt khó, các thành viên trong CLB đã mày mò tự học, không ngừng cố gắng vươn lên.

Ông Vũ Văn Ninh, Chủ nhiệm CLB là một người như thế. Dù đã trên 70 tuổi nhưng với niềm đam mê nghệ thuật chèo, ông vẫn say sưa tự học và truyền lửa đến các hội viên. Năm 2018, ông Vũ Văn Ninh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Nghệ nhân Vũ Văn Ninh cho biết: “Khi bé đi xem người ta hát chèo cổ, tôi đã mê chèo cổ từ lúc bấy giờ. Chèo đã ngấm vào tim vào máu chúng tôi từ bé. Tôi thường tự học và xem ở đâu có chèo là lại đến xem và hát theo. Khi lớn lên, tôi đi bộ đội vẫn hát chèo, xuất ngũ về làm công tác văn hóa xã đã thành lập đội chèo ngay từ năm 1976. Sau đó, được sự quan tâm cũng như yêu chèo của bà con nhân dân trong xã, chúng tôi đã thành lập nên CLB để thỏa mãn niềm đam mê và cũng mong gìn giữ được phần nào những làn điệu chèo cổ cho các thế hệ sau”.

Ông Vũ Văn Ninh (ngoài cùng, bên trái), Chủ nhiệm Câu lạc bộ, được công nhận là Nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Theo nghệ nhân dân gian Vũ Văn Ninh, để có thể hát những làn điệu chèo hay, mượt mà, đi vào lòng người thì bên cạnh niềm yêu thích, đam mê còn cần có những kĩ thuật chuẩn mực trong cách hát. Khi đó, người hát chèo cũng như người đưa đò, phải xuôi dòng nước, phải theo chiều gió đò mới thuận đường. Người hát chèo cũng vậy phải nắm rõ nhịp, rõ phách, chuyên môn người ta gọi là phách nội, phách ngoại, xuyên tâm và lưu không. Khi nhả chữ cũng phải chuẩn hệ chèo, tròn vành, rõ chữ chứ không được ngọng, giọng ngân phải vang, có luyến láy thì hát chèo mới hay, mới khiến người nghe thấy thấm từng câu, từng chữ mà đem lòng mến mộ.

Cùng với nghệ nhân Ninh, nghệ nhân Đào Thị Duyên cũng là một người hát chính của CLB. Hai nghệ nhân này đã sưu tầm, lưu giữ và thực hành được hơn 50 làn điệu chèo cổ cùng với hàng trăm bài hát chèo đặt lời mới. Nghệ nhân Đào Thị Duyên chia sẻ: "Ban đầu khi mới tham gia đi hát, chúng tôi rất vất vả, phải tự mình sắm sửa quần áo đi biểu diễn. Khi tập làn điệu mới lúc thì hát sai nhịp, sai phách, cũng có lúc tự ái, rồi anh, chị em tự bảo nhau, tập hát lại càng vui, càng say".

Một buổi giao lưu biểu diễn văn nghệ của câu lạc bộ.

Sau 8 năm hoạt động, CLB Văn nghệ dân gian xã Quảng Minh đã ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo dấu ấn riêng của mình. Bằng sự nhiệt tình, kiên trì rèn luyện, theo thời gian, từ những người chỉ biết một vài làn điệu chèo, biết chơi một số nhạc cụ, nay các diễn viên, nhạc công quần chúng của CLB đã hát hay, đàn giỏi các trích đoạn chèo cổ và nhiều loại hình dân ca khác. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, đánh giá: CLB Văn nghệ dân gian xã Quảng Minh là một trong những CLB hoạt động sôi nổi tại Quảng Ninh. Họ đã trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào văn nghệ của xã, thường xuyên tham gia vào các lễ hội dân gian hoặc các chương trình văn nghệ trong các hội nghị của địa phương...

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201904/gin-giu-nhung-lan-dieu-cheo-o-quang-minh-hai-ha-2438050/