Gìn giữ nguồn lợi thủy sản

Thời gian gần đây, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là ngư dân. Việc sử dụng các ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản đã từng bước được kiểm soát và ngăn chặn.

Vùng biển của Quảng Ninh được đánh giá là một trong những vùng biển có đa dạng sinh học cao với 315 loài cá và 450 động vật thân mềm, các hệ sinh thái đặc thù như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... Tuy nhiên, việc khai thác với số lượng lớn và sử dụng các ngư cụ đánh bắt có tính chất hủy diệt, tận diệt... đã gây sức ép lên nguồn lợi và môi trường, làm suy giảm một số hệ sinh thái.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thả cá hưởng ứng chiến dịch tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vân Đồn, ngày 1/4/2018. Ảnh: Việt Hoa

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thả cá hưởng ứng chiến dịch tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vân Đồn, ngày 1/4/2018. Ảnh: Việt Hoa

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 31/1/2019, toàn tỉnh có 9.036 tàu cá khai thác thủy sản; trong đó phần lớn là công suất nhỏ, hoạt động chủ yếu ở vùng ven bờ. Cũng theo thống kê, có khoảng 1.400 chiếc tàu cá (chiếm khoảng 15% tổng số tàu) có hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề cấm như lồng bát quái, lặn, kích điện, te xiệp... Trước thực trạng đó, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến môi trường biển, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT, cho biết: “Tỉnh có nhiều văn bản, như: Cấm khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long; bổ sung 5 nghề cấm ngoài danh mục nghề cấm khai thác thủy sản do Bộ NN&PTNT quy định; thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý vùng biển ven bờ; xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác bằng nghề cấm sang nghề khác; thành lập đường dây nóng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản...”.

Công tác tuần tra, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản đã được các đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhất là từ sau Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành. Tính từ ngày 1/9/2017 đến nay, tổng số vụ vi phạm phát hiện là 3.681 vụ, xử phạt 3.647 vụ, phạt trên 13 tỷ đồng. Tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản đã từng bước được kiểm soát, không còn phổ biến, tràn lan như trước.

Lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT lập biên bản vi phạm đối với ngư dân sử dụng lồng bát quái trong khai thác thủy sản. Ảnh: Công Hiển (CTV)

Song song với việc xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh nhằm giúp ngư dân hiểu, nắm rõ các quy định của tỉnh, ngành trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các địa phương như Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà thường xuyên điều tra, khảo sát, nắm bắt các thông tin, nhận thức của ngư dân trên địa bàn. Toàn tỉnh đã tổ chức ký 2.947 cam kết thực hiện các quy định của pháp luật giữa ngư dân, chủ tàu cá, các hộ kinh doanh ngư cụ với chính quyền địa phương về việc không mua bán, vận chuyển, sử dụng ngư cụ, công cụ cấm trong hoạt động thủy sản.

Hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày càng nhận được sự quan tâm của các ban, ngành, địa phương. Trong năm 2018, toàn tỉnh đã thả trên 3 triệu con giống tôm, cá các loại về môi trường tự nhiên. Các dự án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được triển khai, như: Quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; triển khai nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen, nhân giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; ứng dụng KHCN trong việc phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển...

Với những hành động thiết thực đó, nguồn lợi thủy sản tại những khu vực được quan tâm bảo vệ đã có dấu hiệu phục hồi. Đây là sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cộng đồng, góp phần gìn giữ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201902/gin-giu-nguon-loi-thuy-san-2424599/