Gìn giữ nghệ thuật truyền thống: Cách làm của Phúc Kiến (Trung Quốc)

Nghệ thuật truyền thống vốn kén khán giả, việc thu hút người xem, trong đó có giới trẻ là điều khó khăn không chỉ ở Phúc Kiến (Trung Quốc) mà cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Biểu diễn múa rối túi vải - một loại hình nghệ thuật truyền thống của Phúc Kiến (Trung Quốc). Ảnh: Phan Hằng

Nam âm - một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Phúc Kiến, thực chất là việc trình diễn những nhạc cụ truyền thống của địa phương. Trong khuôn khổ chuyến đi học tập về văn hóa nghệ thuật tại tỉnh Phúc Kiến dịp tháng 11/2018 vừa qua, khi tới tham quan đảo Cổ Lăng - một khu du lịch rất hút khách nơi đây, chúng tôi đã được xem một buổi biểu diễn Nam âm. Các nghệ nhân đa phần là người già, ngoại trừ cô gái trẻ vừa hát, vừa đàn, vừa kiêm luôn nhiệm vụ dẫn chương trình. Buổi biểu diễn miễn phí, tuy nhiên, tôi nhận thấy người xem đa phần là người trung tuổi trở lên. Và trong thời gian biểu diễn không quá dài nhưng nhiều khán giả đã lặng lẽ rời dần đi...

Khó thu hút công chúng thưởng thức nghệ thuật truyền thống có lẽ là thực trạng chung của Phúc Kiến. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Khánh, Trưởng Đoàn Việt kịch Phương Hoa, cho biết: Phúc Kiến hiện nay có tình trạng người thưởng thức nhạc kịch chủ yếu là người già. Vậy làm sao để giới trẻ có hứng thú thưởng thức nhạc kịch khi mà điều này cũng ảnh hưởng đến việc duy trì, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống?

Để hỗ trợ cho nghệ thuật truyền thống, Chính phủ Trung Quốc thực hiện thông qua Quỹ Sáng tạo của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước sẽ cấp tiền cho người dân khi họ muốn sáng tạo nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế của mình, ông Hoàng Quốc Khánh khẳng định, bản thân các đoàn nghệ thuật truyền thống cũng phải có sự đổi mới. Xu hướng của Trung Quốc bây giờ là sự kết hợp giữa nhạc kịch và xiếc (tạp kỹ) nhằm phát huy ưu thế của từng loại hình nghệ thuật và thu hút người xem hơn. Đoàn nghệ thuật Phương Hoa cũng làm theo cách này.

Để minh chứng, ông Khánh cho chúng tôi xem video vở Hồ thiên nga, do các nghệ sĩ của đoàn biểu diễn. Ai cũng biết Hồ thiên nga là một vở ba-lê nổi tiếng, tuy nhiên ở đây lại là sự kết hợp giữa tạp kỹ và ba-lê đã tạo nên thành công rực rỡ, vở được mang đi biểu diễn tại châu Âu với số lượng hàng trăm buổi diễn. Vở diễn cho thấy sự dẻo dai, khéo léo của các nghệ sĩ, có sự kết hợp giữa sự tao nhã của ba-lê và kỹ thuật của tạp kỹ. Điều đặc biệt là 2 diễn viên chính không phải là nghệ sĩ múa ba-lê mà chính là người biểu diễn tạp kỹ...

Thay đổi về tư duy sáng tạo rõ ràng là một cách mà các nghệ sĩ của Đoàn Việt kịch Phương Hoa đã làm và làm tốt để đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận được với thị trường. Cách làm có thể khác nhau nhưng sự sáng tạo với tư tưởng mới mẻ là không thể thiếu. Quá trình ấy cũng đòi hỏi sự dung hợp các loại hình nghệ thuật chứ không chỉ là sự kết hợp thuần túy chúng với nhau. Đồng thời, các nghệ sĩ từ biên kịch, đạo diễn cho đến diễn viên cũng đều phải có sáng tạo trong dàn dựng, biểu diễn. Cùng với đó, sự gắn kết giữa nghệ thuật truyền thống với du lịch cũng là giải pháp tốt, khi cùng với sự coi trọng sáng tạo nghệ thuật là việc coi trọng đi vào thị trường, thu hút khán giả...

Với hý kịch, một loại hình nghệ thuật truyền thống cũng rất phổ biến của Phúc Kiến, trao đổi với chúng tôi, ông Chu Minh, Viện phó Viện Nghiên cứu nghệ thuật tỉnh Phúc Kiến, cho biết: Riêng TP Phúc Châu (thủ phủ Phúc Kiến) có khoảng 20 nhà hát có phục vụ hý kịch; toàn tỉnh Phúc Kiến có khoảng 30 đơn vị sự nghiệp biểu diễn hý kịch. Về cơ bản, Trung Quốc có trợ cấp cho các đoàn nghệ thuật, các đơn vị sự nghiệp được Nhà nước đài thọ về mặt kinh phí. Vậy hý kịch có thu hút đông khán giả không trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay? Ông Chu Minh cho hay: Việc giáo dục nghệ thuật truyền thống được phổ cập tới lớp trẻ bằng cách, Nhà nước có văn bản chỉ đạo cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tới các trường học để biểu diễu, thị phạm với mức tối thiểu 1 trường/vở/năm. Tuy nhiên, nội dung cụ thể sẽ do nhà trường và đoàn nghệ thuật tự thỏa thuận, thống nhất với nhau. Nhà nước cũng cấp tiền cho những cuộc biểu diễn nghệ thuật và có bán vé hoặc miễn phí để người dân thưởng thức.

Các nghệ sĩ biểu diễn vở kinh kịch Mừng thọ Thái hậu tại Phúc Kiến (Trung Quốc). Ảnh: Phan Hằng

Tuy nhiên, các đoàn vẫn phải vận động thêm để tăng thu nhập từ việc tự tổ chức biểu diễn. Để tiếp cận thị trường, các đơn vị không chỉ phải trau dồi chuyên môn, nghệ thuật, mà nhiều đơn vị còn sử dụng hiệu ứng của diễn viên nổi tiếng, sử dụng những thể loại âm nhạc được giới trẻ yêu thích hoặc các yếu tố khác để thu hút khán giả. Đơn cử như vở hý kịch Mẫu đơn đình - vở diễn nổi tiếng nhưng diễn khó, đòi hỏi rất có kinh nghiệm đồng nghĩa với có tuổi mới diễn được. Tuy nhiên, sau này để đến được với thị trường, các đoàn phải thay đổi bằng một dàn diễn viên trẻ, năng động đi kèm với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng...

Đây cũng là cách mà những vở nhạc kịch nổi tiếng vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước ở Trung Quốc đã sử dụng. Như vở Phương thảo tâm, diễn tả sự trong sáng trong tình yêu của những người phụ nữ Trung Quốc bình dân xưa, nhưng khi trình diễn rất thành công có nguyên do từ việc sử dụng một ca khúc rất nổi tiếng trước đó ở Trung Quốc. Hay vở nhạc kịch Lên nhầm xe, đã nhận được sự yêu thích của khán giả trong vòng 15 năm, cũng là vở duy nhất được diễn đi diễn lại hơn 1.000 lần, thì được chuyển thể từ bộ phim cùng tên rất nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc). Còn vở nhạc kịch Hoa Mộc lan thì khai thác đề tài quân nhân vốn rất được yêu thích ở Trung Quốc, vở nhạc kịch Tuyết Lan hồ sử dụng diễn viên, ca sĩ nổi tiếng đóng vai chính trong vở là Trương Học Hữu, hay vở nhạc kịch Ba con lợn lại hướng tới đối tượng khán giả nhỏ tuổi...

Phan Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201901/gin-giu-nghe-thuat-truyen-thong-cach-lam-cua-phuc-kien-trung-quoc-2419213/