Gìn giữ nếp làng trong xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bằng những cách làm sáng tạo và nhận được sự đồng thuận cao, các địa phương trên địa bàn H. Hòa Vang (Đà Nẵng) đã nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM gắn liền với việc giữ gìn nếp làng, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống. Bên cạnh việc làm đường, đầu tư cơ sở hạ tầng, các địa phương còn duy trì nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp có giá trị văn hóa như coi trọng quan hệ tộc họ, xóm giềng; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và trong cuộc sống. Đây chính là những yếu tố văn hóa quan trọng, góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM để duy trì các làng văn hóa, hình thành các khu dân cư kiểu mẫu...

Dân làng La Bông (xã Hòa Tiến) đang vận động, đóng góp xây mới đình làng.

Dân làng La Bông (xã Hòa Tiến) đang vận động, đóng góp xây mới đình làng.

Về làng Quá Giáng (xã Hòa Phước) hôm nay dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng ở miền quê này trong quá trình xây dựng NTM. Điều đặc biệt là tồn tại song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị, nơi đây vẫn thấp thoáng một làng quê cổ kính đang được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cả cộng đồng. Tâm điểm của không gian ấy chính là sự hiện hữu của 3 di tích Lịch sử văn hóa đã được Bộ VH-TT, UBND TP công nhận. Bên cạnh đó, điều còn giúp các tộc họ làng Quá Giáng lan tỏa chính là những nếp nhà được lớp người cao tuổi gìn giữ, từng ngày họ vẫn gói gém nền nếp của gia đình để răn dạy con cháu... Ông Đinh Viết Thành (trú thôn Quá Giáng) chia sẻ: "Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Ngoài đầu tư làm đường giao thông, nhân dân còn quan tâm tu sửa, nâng cấp một số di tích cổ của làng như đình, chùa, miếu và nhà văn hóa thôn để có không gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Bởi theo ông, dù có đô thị hóa, công nghiệp hóa làng quê như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải lưu giữ nét xưa, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm của con người".

Nét đẹp truyền thống "Tối lửa, tắt đèn có nhau" đã và đang được dân làng các thôn Lệ Sơn, La Bông (xã Hòa Tiến) củng cố, phát huy. Minh chứng rõ nét là việc người dân địa phương xã hội hóa, vận động con cháu xa quê đóng góp xây mới các ngôi đình đã bị chiến tranh, thiên tai tàn phá. Nhiều lão nông thôn Lệ Sơn Nam bộc bạch, cũng như những làng quê khác, ngôi đình không chỉ thiêng liêng trong tâm trí mà còn thân quen gần gũi, ở đó dân làng cảm nhận được sự đùm bọc của cộng đồng. Để có tiếng trống đình hôm nay, chúng tôi đã phải thao thức hơn 40 năm qua, mong mỏi, chờ đợi xây mới ngôi đình để tiếp tục có chốn thờ tự, tri ân công đức các bậc tiền nhân khai hoang, mở đất. Nếu như trước đây, khi một hộ gia đình đám hiếu, đám hỷ, gia đình đó cùng với họ hàng chạy đôn chạy đáo lo việc thì nay từ làng trên, xóm dưới cùng chung tay giúp sức...

Tuổi trẻ xã Hòa Nhơn tái hiện trò chơi dân gian "Ô ăn quan" tại lễ hội các đình làng.

Còn ở xã Hòa Nhơn, từ năm 2018, chính quyền địa phương nỗ lực hợp nhất dân làng 15 thôn với 7 ngôi đình được thành phố công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cùng tổ chức chung một lễ hội các đình làng "Về với cội nguồn" vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10-3 âm lịch) hằng năm để tiết kiệm chi phí và tránh thời gian giàn trải. Thuận lợi nhất trong bảo tồn lễ hội hiện nay là ý thức của người dân đang dần được nâng cao, người dân có khả năng tái tạo lễ hội và thực hành các nghi lễ cổ truyền; phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao cổ truyền mang tính đặc trưng. Thực tế cho thấy, khi lớp trẻ đi lễ hội thì bên cạnh sự sôi nổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao họ còn có nhu cầu tìm hiểu những tư liệu, những câu chuyện lịch sử về chính ngôi đình, miếu cổ ở làng mình; đồng thời, họ cũng muốn được tham gia những hoạt động truyền thống, những trò chơi dân gian từ thời cha ông để lại.

Có thể thấy, mục đích cuối cùng của xây dựng NTM chính là nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân. Làm thế nào vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng NTM hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ở làng quê hiện đang được 11 xã trên địa bàn H. Hòa Vang quan tâm. "Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, bên cạnh tiêu chí phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy và chính quyền địa phương còn coi trọng tiêu chí xây dựng văn hóa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống ở các làng quê mãi trường tồn với thời gian", Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát nhấn mạnh.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_213127_gin-giu-nep-lang-trong-xay-dung-nong-thon-moi.aspx