Gìn giữ làn điệu soọng cô

Giống như làn điệu sli của người Nùng và sình ca của người Cao Lan, soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ. Mỗi bài ca là một bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán và lưu truyền trong dân gian.

Lối hát bắt nguồn từ đời sống

Theo truyền thuyết “Truyện quả bầu” nói về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu, kể rằng thuở xa xưa trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài.

Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình.

Hát soọng cô ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay. Soọng cô phát âm theo tiếng Hán nghĩa là xướng ca, tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Sán Dìu.

Làn điệu soọng cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động. Soọng cô có hai dạng thức: Hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất (hị soon soọng cô), hát đối đáp trong lễ hội, lễ cưới (sênh ca chíu cô). Ở dạng thức thứ nhất, nội dung hát vừa để tìm hiểu, có khi để trổ tài: Nếu hát trong nhà thì phải hát theo trình tự, còn khi hát ở ngoài trời có thể ứng tác, lời ca phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Ở dạng thức thứ hai phải hát theo các bài bản giai điệu bắt buộc. Dù ở dạng thức nào cũng đòi hỏi người hát phải hiểu biết, phải nhanh trí, thông minh, tài ứng khẩu, giỏi đặt lời mới cho các bài ca. Nội dung của làn điệu Soọng cô rất phong phú, thể hiện sự đa dạng và độc đáo trong văn nghệ dân gian của người Sán Dìu.

Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà soọng cô đã truyền tải những thông điệp văn hóa đến cho mọi người. Lời hát càng phong phú, sinh động hơn khi hát ứng tác trong đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất...

Nguồn cảm hứng cho những làn điệu đó là những hoạt động của cuộc sống đời thường. Mặc cho thăng trầm thời gian, những lời ca bình dị ấy luôn được ngân lên như có một sức sống mãnh liệt, và lắng đọng cùng thời gian. Hát soọng cô là một làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc Sán Dìu.

Tuy nhiên, hiện nay số người dân tộc Sán Dìu biết hát soọng cô không nhiều chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi. Mặt khác, số lượng sách cổ ghi lại các bài hát soọng cô còn rất ít, phần lớn các bài hát sưu tầm được đều do các nghệ nhân truyền miệng lại.

Trong những năm gần đây, việc bảo lưu những làn điệu dân ca của dân tộc đã được sưu tầm, ghi chép, dịch nghĩa các làn điệu soọng cô nhằm giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết và trân trọng giá trị văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử.

Tại tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy làn điệu này được đẩy mạnh. Tại nhiều địa phương thành lập những đội văn nghệ quần chúng; dàn dựng nhiều tiết mục hát soọng cô; lồng ghép các tiết mục hát soọng cô vào các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo.

Để bảo tồn, làn điệu soọng cô ở nhiều địa phương đã được bà con Sán Sìu gìn giữ. (Ảnh: Bản Sa)

Bảo tồn nét văn hóa độc đáo

Vừa qua tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc lần thứ X vừa qua, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã biểu diễn nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Một trong những tiết mục tạo được điểm nhấn là phần đối đáp làn điệu soọng cô của CLB hát soọng cô thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. CLB là kết quả của sự hồi sinh, bảo tồn các làn điệu dân ca cổ nói chung và làn điệu hát soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu nói riêng.

Theo bà Trần Thị Năm, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô thôn Trung Mầu, soọng cô là làn điệu dân ca truyền thống của người Sán Dìu, phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong cuộc sống.

Nội dung các bài hát soọng cô giàu tính dân tộc, phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi… Theo truyền thống, tục hát soọng cô thường diễn ra vào dịp nông nhàn, sau khi thu hoạch vụ mùa vào tháng 11, tháng Chạp âm lịch hoặc trong các dịp lễ hội, Tết đến xuân về, đám cưới, hát giao duyên, đón bạn bè, anh em…

Được thành lập từ năm 2013, CLB hát soọng cô thôn Trung Mầu đang hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả.

“Mỗi tháng, CLB sinh hoạt hai lần, vào ngày thứ 5 của tuần đầu tháng và tuần cuối tháng, chưa kể những đợt đi hát giao lưu, đi biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của địa phương. Quy định là vậy, nhưng các buổi tối, anh chị em CLB thi thoảng vẫn tập trung hát và truyền dạy cho các cháu nhỏ trong thôn. CLB đã thành lập được hơn 5 năm. Đến nay, số hội viên đã có gần 80 người cả nam và nữ. Tất cả đều là người dân tộc Sán Dìu”, bà Trần Thị Năm thông tin.

Không chỉ ở xã Trung Mỹ, hiện trên địa bàn tỉnh có 27 CLB hát soọng cô, tập trung tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống như: xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên), xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên) và phần lớn các xã trên địa bàn huyện Tam Đảo.

Các CLB đã tập hợp được những hạt nhân văn nghệ, trong đó có nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng để tiếp thu tinh hoa truyền thống và lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ngoài duy trì sinh hoạt thường xuyên, các CLB còn thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu với các CLB ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi, sưu tầm các làn điệu cổ, giới thiệu rộng rãi tới nhân dân trong và ngoài tỉnh về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại Vĩnh Phúc…

Ở một số khu vực Hà Phong (TP Hạ Long), Cẩm Phả và Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh vẫn đang gìn giữ và duy trì được làn điệu dân ca soọng cô trong đời sống, như món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Sán Dìu. Ông Trương Bình Minh, chủ nhiệm CLB Hát soọng cô phường Hà Phong chia sẻ: “Người dân Sán Dìu ở khu phố muốn xây dựng phong trào ca hát để ca ngợi dân tộc Sán Dìu đồng thời giúp cho con cháu mai sau gìn giữ được bản sắc dân tộc. Vì thế chúng tôi thành lập CLB hát soọng cô đặc trưng của dân tộc Sán Dìu được Đảng và Nhà nước công nhận”.

Theo ông Tạ Trung Xuân, hội viên của CLB hát soọng cô phường Hà Phong: “Giá trị của hát soọng cô nói lên niềm tự hào dân tộc, làm ta cảm thấy như một bông hoa nhỏ trong một bó hoa 54 dân tộc anh em. Do đó chúng ta phải có trách nhiệm tôn tạo và phát triển đúng với Nghị quyết của Bộ chính trị là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Chị Lam Thị Hải Phó chủ nhiệm của CLB hát soọng cô TP Hạ Long mong muốn: “Mọi người cùng giữ gìn bản sắc dân tộc làn điệu soọng cô, giúp cho điệu hát này không bị mai một, để truyền lại cho con cháu đời sau”.

Hiện nay, số người biết hát soọng cô không còn nhiều. Để bảo tồn và phát huy giá trị của làn điệu hát soọng cô, cần khuyến khích thành lập nhiều CLB văn nghệ quần chúng ở các địa phương, đồng thời sưu tầm, dàn dựng, lồng ghép các tiết mục hát soọng cô vào các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật.

Đưa môn nghệ thuật này phục vụ thường xuyên đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Có như vậy, soọng cô mới giữ được nét văn hóa đặc sắc riêng có trong đời sống văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gin-giu-lan-dieu-soong-co-127930.html