Gìn giữ hồn dân tộc

Dù chưa thể đưa hết các loại hình biểu diễn lên sân khấu nhưng Festival Nghệ thuật dân gian lần thứ nhất vẫn tạo ra những dấu ấn nhất định với công chúng và du khách quốc tế. Tuy nhiên, để thành công hơn nữa cần sự chung tay của cả cộng đồng bởi văn hóa dân tộc là cầu nối giữa quá khứ tới hiện tại và tương lai.

Lan tỏa đam mê

Đêm khai mạc Festival Nghệ thuật dân gian 2019 với chủ đề “Chung tay giữ hồn dân tộc”, tiết mục Múa tắc xình do các em nhỏ đến từ Thái Nguyên trình diễn tạo được ấn tượng mạnh đối với công chúng. Nhiều em chỉ 6 - 7 tuổi, động tác múa chưa thật sự thuần thục nhưng chính sự hồn nhiên, trong sáng lại là điểm nhấn.

“Em được ông bà dạy múa từ khi còn nhỏ. Lúc đầu học cũng khó lắm nhưng bây giờ em thấy thích lắm”, Nguyễn Đức Anh, 9 tuổi, một thành viên tham gia trình diễn chia sẻ.

Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được chiêm ngưỡng điệu múa của người Sán Chay tạ ơn trời đất, thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng yên vui. “Dù chưa hiểu hết ý nghĩa của điệu múa này nhưng nhìn các em nhỏ trình diễn, tôi khá thích thú”, chị Nguyễn Minh Hiền (quận 3, TPHCM) chia sẻ.

Trên không gian Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM, nếu những tiết mục đờn ca tài tử, hò lý đã quen thuộc với công chúng phương Nam thì dân ca quan họ, ca trù, chầu văn (miền Bắc); bài chòi, Xuân Phả, cồng chiêng (miền Trung, Tây Nguyên) mang đến trải nghiệm mới. Chiếu hát quan họ của các nghệ nhân được bài trí đẹp mắt và thu hút đông đảo công chúng. Các liền chị duyên dáng với áo tứ thân mớ ba mớ bảy, nón quai thao, trên tay là những miếng trầu têm cánh phượng, trong khi các liền anh chỉnh tề với áo the, khăn xếp, ô đen.

Đông đảo công chúng, du khách nước ngoài theo dõi các tiết mục trình diễn tại sự kiện. Ảnh: THẾ DANH

Đông đảo công chúng, du khách nước ngoài theo dõi các tiết mục trình diễn tại sự kiện. Ảnh: THẾ DANH

“Tham gia sự kiện lần này, chúng tôi mong muốn giới thiệu nét quan họ của quê hương Kinh Bắc. Chúng tôi mong muốn làn điệu quan họ sẽ lan tỏa để nhiều người biết, yêu và có thể hát được quan họ”, chị Hồng Tươi, Chủ nhiệm CLB Quan họ còn duyên chia sẻ.

Trong khi đó, tại không gian văn hóa Nam bộ, tiết mục trình diễn của các nghệ nhân múa bóng rỗi đến từ Long An: múa ghế, múa mâm vàng, nuốt rắn… thu hút quan tâm bởi sự đặc sắc, gay cấn. Nghệ nhân Lê Minh Hùng chia sẻ: “Làm nghề cực, nguy hiểm nhưng đam mê ngấm vào máu, tôi vẫn thấy vui. Mỗi khi nhạc lễ nổi lên, khán giả vây kín xung quanh, tôi quên mình là ai”.

Trong số hàng ngàn công chúng đến với không gian Festival Nghệ thuật dân gian có không ít du khách nước ngoài. Họ nán lại ở nhiều không gian biểu diễn khác nhau và chăm chú theo dõi các tiết mục.

Anh Sam, du khách Tây Ban Nha, chia sẻ cảm xúc sau khi xem hát chầu văn: “Tôi đặc biệt ngạc nhiên khi chứng kiến các nghệ nhân ở đây có thể thay trang phục nhanh đến thế. Những trang phục hết sức sặc sỡ, hoa văn nhiều và dường như nó tương ứng với âm nhạc và các điệu múa, bước nhảy của họ. Tôi không hiểu chút nào lời họ hát nhưng tôi cho rằng, đó là lời cầu xin thần linh cho mùa màng tốt tươi của những người nông dân”.

Mong được tổ chức định kỳ

Theo bà Lưu Thị Hồng Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Văn phòng Festival, Trưởng ban tổ chức, sự kiện được đầu tư hàng chục tỷ đồng. “Là người yêu văn hóa dân gian, tôi muốn góp phần giữ gìn truyền thống, cội nguồn cha ông và tinh hoa dân tộc. Tôi mong thông qua sự kiện gửi chút lòng mình, cầu mong mọi người sống chậm, dừng lại một chút để thả hồn vào những giá trị hồn cốt của văn hóa dân tộc”, bà Hồng Diễm cho biết.

Trong lần đầu tổ chức, các không gian được thiết kế tương đối chỉn chu và bắt mắt. Khu vực cổng chào gây ấn tượng mạnh với 16 thác mạ non, 18 trụ mẹt bố trí 2 bên hình vòng cung với ý nghĩa là sự tiếp nối văn hóa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Một cây đa lớn được dựng tại sân khấu khu vực miền Bắc. Trong khi, khu vực miền Nam một cánh đồng lúa xanh mướt được tái dựng.

“Chúng tôi muốn tạo sân chơi cho nghệ thuật dân gian được xuất hiện một cách thật gần gũi nhưng trang trọng. Trước đây, các nghệ nhân chỉ biểu diễn ở làng xã, nay họ được đứng trên sân khấu lớn, đông khán giả và có nhiều tương tác”, NSND Vương Duy Biên, Tổng đạo diễn kiêm chịu trách nhiệm nghệ thuật chương trình, cho biết.

Ông chia sẻ, ban tổ chức quyết định lựa chọn những loại hình nghệ thuật có sức hút với công chúng, tác động mạnh cả về mặt thị giác, thính giác. Ê kíp thực hiện không can thiệp vào tiết mục của các nghệ nhân mà chỉ sắp xếp để tạo không gian gần gũi, thân thuộc. “Nếu tạo được thương hiệu định kỳ sẽ rất tốt”, ông Vương Duy Biên nói. Trong khi đó, theo bà Hồng Diễm, nếu được sự đón nhận của công chúng, sự chung tay của cộng đồng, các nhà tài trợ, sự kiện này sẽ tổ chức mỗi năm.

Liên quan đến các tiết mục trình diễn, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Cố vấn chương trình, cho biết, các nghệ nhân có thể giao tiếp, chia sẻ về những giá trị, ý nghĩa của từng loại hình nghệ thuật với khán giả. Đặc biệt, một số tiết mục đêm khai mạc cũng được thổi hồn hiện đại, tươi mới. “Tôi cũng muốn nghệ thuật dân gian được nhìn bằng con mắt của người trẻ”, bà cho biết. Đó là lý do ban tổ chức quyết định trao vai trò đạo diễn chương trình cho Trịnh Ngọc Giang Thanh, một đạo diễn 9X nhiều tâm huyết.

Tâm huyết là điều thấy rõ, nhưng Festival Nghệ thuật dân gian 2019 có lẽ mới tái hiện được một phần những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc. Việc đưa các loại hình nghệ thuật dân gian đến với công chúng, đặc biệt là những người trẻ vẫn là công việc dài lâu, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Ban tổ chức cũng hy vọng, nếu điều kiện cho phép, những năm tiếp theo sẽ có thêm nhiều loại hình nghệ thuật dân gian được giới thiệu.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gin-giu-hon-dan-toc-587307.html