Gìn giữ giá trị cốt lõi của Cộng đồng ASEAN

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 12 đến 15-11 đã kết thúc tốt đẹp. Với việc tổ chức thành công sự kiện quan trọng bậc nhất trong năm ASEAN 2020 cùng nhiều hoạt động được triển khai sâu rộng, bám sát tinh thần 'gắn kết và chủ động thích ứng', có thể khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong một năm đầy biến động, phát huy tốt vai trò trung tâm trong việc gìn giữ, vun đắp giá trị cốt lõi của cộng đồng hơn 600 triệu dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị cấp cao liên quan. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách với khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất của nhân loại kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, dấu ấn của nước Chủ tịch ASEAN trong việc bao quát, nắm bắt và điều hành, cùng các thành viên khác tăng cường liên kết và bảo đảm khả năng thích ứng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo trong và ngoài khu vực cũng như truyền thông quốc tế đánh giá, bất chấp những thách thức to lớn và phải tổ chức các cuộc họp theo cách thức chưa từng có trong lịch sử của ASEAN, Việt Nam không chỉ thực hiện rất hiệu quả vai trò Chủ tịch Hiệp hội mà còn hoàn thành mọi mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Một trong những dấu ấn nổi bật là số lượng kỷ lục hơn 80 văn kiện được thông qua, ghi nhận và công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Vượt qua rào cản không gian, thời gian lẫn hình thức tương tác, điều này không chỉ thể hiện chất lượng mà còn là minh chứng rõ nét về năng lực tổ chức của nước chủ nhà. Nhiều quyết sách quan trọng được lãnh đạo các nước thống nhất thông qua, như: Đánh giá giữa kỳ triển khai các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, rà soát triển khai Hiến chương ASEAN… Hàng loạt sáng kiến, cam kết và quyết tâm chính trị ở cấp cao, khẳng định tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau ứng phó dịch bệnh như Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực hay Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi… đều được các nước hưởng ứng và đóng góp nhiệt tình. ASEAN cũng đã thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống.

Tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, mong muốn và ý chí mạnh mẽ giữ gìn một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết và thống nhất trên cơ sở luật pháp quốc tế, đã và cần tiếp tục trở thành giá trị cốt lõi của Đông Nam Á và Cộng đồng ASEAN. Trên cơ sở đề cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, Việt Nam và các nước thành viên thời gian qua đã không ngừng cải tiến, hoàn thiện các cơ chế đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin, củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ. Điều này một lần nữa được thể hiện mạnh mẽ tại các hội nghị cấp cao lần này, khi ASEAN và các đối tác tiếp tục thúc đẩy và đề cao quy tắc, chuẩn mực ứng xử, định hình quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các khác biệt, mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNC LOS) năm 1982 - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.

Hình ảnh của nước Chủ tịch năng động còn được thể hiện ở việc Việt Nam tích cực vận động các đối tác tham gia đóng góp vào các vấn đề chung của khu vực, ủng hộ và hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN, định hướng phát triển phù hợp cho các diễn đàn trong giai đoạn mới. Đáng chú ý, bộ trưởng kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) với kỳ vọng tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay. Đây là một trong những thành công có sự góp phần không nhỏ của nước Chủ tịch ASEAN trong công tác tổ chức, tham vấn, điều phối. Khuôn khổ hợp tác mới của RCEP được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, từ đó đưa ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

Tại lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức. "Gắn kết và chủ động thích ứng" cùng với tinh thần chủ động, trách nhiệm đã thực sự trở thành thương hiệu của ASEAN, đưa các thành viên xích lại gần nhau để trở thành một hiệp hội đoàn kết và sẵn sàng vươn lên trước mọi thử thách.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-ngoai/983791/gin-giu-gia-tri-cot-loi-cua-cong-dong-asean