Gìn giữ các 'cột mốc' tâm linh ở biên giới

Giữa mùa mưa Tây Nguyên nhưng Đồn Biên phòng (BP) Đắk Đam, BĐBP Đắk Nông vẫn đang gấp rút thi công hoàn thành công trình khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của đơn vị mình. Đằng sau công việc đền ơn đáp nghĩa thường xuyên là câu chuyện gìn giữ văn hóa của lớp lớp các thế hệ thanh niên BĐBP được truyền lại mãi.

Công trình Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Đồn BP Đắk Đam đang được cán bộ, chiến sĩ đơn vị gấp rút hoàn thiện. Ảnh: TTH

Thiếu tá Trịnh Minh Ngọc, Đồn trưởng Đồn BP Đắk Đam cho hay, đơn vị đang đốc thúc tiến độ thi công công trình để kịp hoàn thiện vào dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018). Hiện nay, doanh trại của Đồn BP Đắk Đam đang xây dựng lại, mọi hạng mục công trình còn ngổn ngang. Tuy nhiên, khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ của đơn vị được ưu tiên hơn. Những hôm trời mưa, cán bộ, chiến sĩ của đồn vẫn lao động san nền, trồng cây, sửa sang lại toàn bộ khuôn viên một cách miệt mài, tận tâm.

Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đồn BP Đắk Đam được xây dựng từ năm 2004. Đây là nơi ghi danh và tri ân 18 cán bộ, chiến sĩ của đồn đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam 1978-1979.

Lịch sử của Đồn BP Đắk Đam ghi lại: “Ngày 8-2-1978, một trung đoàn của địch bất ngờ dùng pháo bắn cấp tập, sau đó chúng chia làm 4 mũi bao vây đồn và Đại đội 5 của ta. Dứt pháo chuyển làn, bộ binh của địch dùng mìn phá vật cản, mở cửa tràn lên đánh chiếm đồn. Trận chiến bất ngờ và ác liệt, nhà chỉ huy, nhà A3, nhà thông tin, một số quân trang, quân dụng bị pháo kích thiêu cháy ngay từ loạt đạn đầu. Với tinh thần một tấc không đi, một ly không rời, thà hy sinh chứ quyết không để mất trận địa, cán bộ, chiến sĩ ta đã chiến đấu anh dũng, đẩy lùi địch về bên kia biên giới. Trong trận chiến này, 18 cán bộ, chiến sĩ của đồn đã hy sinh”.

Do đơn vị nằm sâu trong rừng già, sát biên giới, đường giao thông đi lại khó khăn, khu tưởng niệm các liệt sĩ cũng xuống cấp, hư hỏng, không đủ tính trang nghiêm và không xứng tầm với một chiến công hiển hách. Chỉ huy Đồn BP Đắk Đam hiện nay đều là các cán bộ trẻ, năng động và tràn trề lý tưởng cách mạng. Ý tưởng tôn tạo làm mới khu di tích này được họ nung nấu, bàn bạc và quyết tâm cao để bắt tay vào xây dựng.

Thiếu tá Phạm Thanh Hiền, Chính trị viên Đồn BP Đắk Đam chia sẻ: Theo dự toán, toàn bộ công trình xây dựng lại sẽ có kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Chúng tôi đề nghị được hỗ trợ từ địa phương, từ nguồn xã hội hóa, các ngành, các cấp của tỉnh Đắk Nông, từ Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông. Mặt khác, cán bộ, chiến sĩ của đồn đóng góp kinh phí, ngày công do chúng tôi tự bỏ ra.

Phần nào san gạt cần máy móc thì nhờ đơn vị thi công doanh trại làm giúp. Một công đôi việc, chúng tôi cũng chờ mãi mới có cơ hội này, phải quyết tâm làm nên một khu tưởng niệm khang trang, xứng đánh với sự hy sinh của các đồng đội đi trước, như một cách nhớ ơn những ngày tháng lịch sử, mới có những ngày vẻ vang hôm nay”.

Một trong những động lực to lớn để họ có thể hoàn thành công trình ý nghĩa này trong thời gian sớm nhất là xác định đây là công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019) và 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2019).

Có mặt tại Đồn BP Đắk Đam thời điểm này, Đại tá Nguyễn Đức Phong, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đắk Nông đề nghị, chỉ huy Đồn BP Đắk Đam cần tập trung, nỗ lực cao nhất để công trình hoàn thành đạt chất lượng và thẩm mỹ. Bởi với ý nghĩa đặc biệt về văn hóa và an ninh chính trị, công trình sẽ trở thành nơi sinh hoạt chính trị tinh thần của toàn bộ các đơn vị trong BĐBP Đắk Nông.

Hơn thế, kết nối với các địa chỉ đỏ trên toàn tuyến biên giới bộ địa bàn Tây Nguyên, nơi này sẽ ghi dấu ấn đặc biệt từ chính việc làm có ý nghĩa của thế hệ cán bộ, chiến sĩ hiện nay. Sự thành tâm và trách nhiệm với lịch sử thể hiện ở cách làm, sự quyết tâm, mặc dù với điều kiện đơn vị đang bề bộn, khó khăn.

Đại tá Nguyễn Đức Phong cho biết thêm, các đồn BP khác của Đắk Nông cũng sẽ đóng góp công sức và trồng cây tưởng niệm trong khuôn viên công trình nhằm nâng cao vị thế, giáo dục chính trị, thể hiện sự coi trọng đời sống tinh thần, văn hóa của cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Các công trình tu sửa, tôn tạo và chăm sóc khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ của các đồn BP trên các tuyến biên giới đã trở thành một nét đẹp văn hóa. Cùng với ý thức về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nhân dân ngày một nâng lên, ngày càng có nhiều người muốn ra biên giới, thăm cột mốc, thăm cán bộ, chiến sĩ BP và đặc biệt là dâng hương, dâng hoa các phần mộ liệt sĩ.

Hiện nay, hầu hết trên tuyến biên giới bộ, các đài tưởng niệm và nghĩa trang tại đồn BP đều được tu sửa trang nghiêm và thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ chăm lo nhang khói, bảo vệ cẩn thận. Đó thực sự là những “cột mốc” tâm linh ở khu vực biên giới và cả đối với hậu phương.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gin-giu-cac-cot-moc-tam-linh-o-bien-gioi/