Gìn giữ 'báu vật' của đại ngàn

KTNT - Với mong muốn giữ gìn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhiều nghệ nhân cao tuổi người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang ngày đêm nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ cách làm, cách chơi nhạc cụ truyền thống. Với họ, có bảo tồn được những nhạc cụ truyền thống, những làn điệu âm nhạc dân tộc mới giữ được cái 'hồn cốt' của bản làng.

Ông Hồ Pả Vông truyền dạy cách thổi khèn bè cho lớp trẻ.

Níu giữ “hồn bản”

Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn, nhạc cụ và âm nhạc dân tộc được xem như “báu vật”. Thế nhưng theo thời gian, những nhạc cụ truyền thống như khèn bè, cồng chiêng, tù và, trống… và những làn điệu dân ca, dân vũ dường như đang dần mai một. Người trẻ ở nhiều bản làng giờ chỉ thích hát những bài nhạc mới, chơi những nhạc cụ hiện đại. Lo ngại trước vốn văn hóa quý của dân tộc dần mất đi, nhiều nghệ nhân vô cùng xót xa.

Chứng kiến đám thanh niên suốt ngày tụ tập hát hò nhạc mới trên dàn loa máy hiện đại inh ỏi, ông Hồ Pả Vông, người Vân Kiều, ở bản 6, xã Thanh suy nghĩ lung lắm. Ngồi xếp bằng trong căn nhà sàn đã nhuốm màu thời gian, lim dim đôi mắt về phía rừng xa, ông Vông kể, 15 tuổi, ông đã được cha truyền dạy cách thổi và chế tác khèn bè. Trong trí nhớ của ông, từng câu chuyện kể, từng động tác của cha gắn với chiếc khèn bè vẫn in sâu và niềm đam mê thì chưa bao giờ vơi cạn. Giờ đây, khi tuổi đã cao, đôi bàn tay không còn nhanh nhẹn, đôi tai không còn thính nhạy, đôi mắt không còn tinh tường để có thể làm được một cây khèn bè đẹp và hay nữa, nhưng những suy tư, trăn trở về tương lai của loại nhạc cụ truyền thống độc đáo này luôn đau đáu trong ông.

Không chỉ phát huy vốn kiến thức sẵn có được truyền dạy từ người cha, ông Vông luôn tìm tòi, học hỏi và ghi nhớ lại nhiều làn điệu khèn bè của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Mỗi khi chuẩn bị tham gia một hội diễn văn nghệ, một số hạt nhân văn nghệ trẻ lại tìm đến để được ông hướng dẫn và truyền dạy cách thổi khèn bè, cách hát dân ca.

Ông Vông giãi bày: “Tiếng khèn bè chính là tiếng lòng của cha ông, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Vân Kiều, Pa Kô nên bố luôn muốn truyền đạt hết cho các thế hệ con cháu. Bố mong rằng, trong tương lai càng có nhiều người biết đến sự tồn tại của tiếng khèn bè, hiểu và phát triển khèn bè trở thành một loại hình âm nhạc phổ biến hơn. Những vốn văn hóa này không thể bị thất truyền được”.

Là một trong những hạt nhân trẻ trong đội văn nghệ xã Thanh, nhiều năm qua, anh Hồ Văn Hùng cũng dần “thấm” những lời ca tiếng hát, những giai điệu thấm đẫm nét văn hóa của dân tộc mình. Anh Hùng tâm sự: “Trước đây, khi mình chưa biết thổi khèn bè thì chỉ thích nghe nhạc trẻ thôi. Nhưng khi được bố Vông truyền dạy thì mình thấy tiếng khèn bè rất hay. Và mình đã đam mê từ đó. Ngoài ra, mình cũng đang tiếp tục học cách chế tác khèn bè sao cho hay, cho đẹp”.

Sống lại làn điệu xưa

Những năm gần đây, các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa lại được ngân nga khắp các bản làng vào những ngày hội lớn. 7 năm nay, Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo được duy trì hoạt động một cách đều đặn và sôi nổi. “Thủ lĩnh” CLB này là già làng Hồ Thanh Bình, nay bước vào tuổi 85. Già làng Bình cho biết, cứ mỗi tháng một lần, ông cùng với 23 thành viên trong CLB tập trung đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng và chuẩn bị những đạo cụ quan trọng như cồng, chiêng, tù và, khèn bè, trống... để tập luyện. Với sự gắn bó lâu năm và kinh nghiệm dày dặn của mình, già làng Bình không chỉ là người lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào mà còn trực tiếp chỉ dạy cho thế hệ trẻ trong bản sử dụng các loại nhạc cụ cũng như hiểu biết giá trị các điệu múa cồng chiêng. “Bố nay đã già rồi, chưa biết khuất núi khi nào nên tranh thủ từng ngày còn khỏe để truyền dạy cái hay, cái đẹp của những điệu múa cồng chiêng cho lớp trẻ. Đến bây giờ bố cũng đã phần nào cảm thấy vui và yên tâm khi nhiều thanh niên trẻ bắt đầu biết chơi thuần thục các loại nhạc cụ. Mong sao những vốn quý văn hóa của đồng bào sẽ được giữ gìn và phát huy”, già làng Hồ Thanh Bình trăn trở.

CLB cồng chiêng Ka Tăng hiện nay là một trong những CLB có tiếng, được tham gia biểu diễn ở nhiều lễ hội truyền thống trong tỉnh Quảng Trị. “Qua tìm hiểu và tham gia CLB, em thấy vốn âm nhạc, đặc biệt là các điệu múa cồng chiêng rất đặc sắc. Em cảm thấy tự hào về âm nhạc dân tộc mình. Là thế hệ trẻ tham gia CLB cồng chiêng, em muốn kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của cha ông nhằm góp phần nhỏ bé của mình lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc”, em Hồ Thị Kim Anh, thành viên trẻ tuổi nhất CLB cồng chiêng Ka Tăng tự hào nói.

Nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, từ đầu năm 2008 đến nay, huyện Hướng Hóa đã thành lập các CLB nhạc cụ dân tộc, dân ca ở các xã như: A Xing, Thanh, A Túc, thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo... Thành viên chủ chốt của các CLB là những nghệ nhân cao tuổi và hội viên có năng khiếu thể hiện các làn điệu dân ca, dân vũ cổ. Các thành viên hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Từ những nghệ nhân cao tuổi, đến nay đã có nhiều người trẻ tham gia và trở thành những hạt nhân tích cực của các CLB. Động lực này đã thúc đẩy phong trào gìn giữ các thể loại âm nhạc dân ca dân tộc ở huyện Hướng Hóa được khôi phục theo hướng tích cực.

Ông Nguyễn Phú Sơn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hướng Hóa, đánh giá: “Sự hồi phục và phát triển các thể loại âm nhạc dân tộc trên địa bàn trong khoảng 10 năm qua có sự đóng góp to lớn của những nghệ nhân lớn tuổi. Ngành văn hóa cũng luôn động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là các nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiếp tục niềm đam mê, bầu nhiệt huyết của mình để lưu giữ các nhạc cụ, các giá trị văn hóa của dân tộc mình nhằm truyền lại cho thế hệ trẻ. Qua đây, cũng mong các cấp, ngành, địa phương quan tâm và có những chính sách cụ thể, hiệu quả hơn nữa để việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được bền vững và ngày càng có sức lan tỏa”.

Từ những người nặng lòng với âm nhạc dân tộc như ông Hồ Pả Vông, già làng Hồ Thanh Bình và thế hệ trẻ mà giờ đây tại các bản làng ở huyện Hướng Hóa, âm nhạc truyền thống, các điệu múa cổ đã dần hồi sinh.

Đức Việt

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/gin-giu-%E2%80%9Cbau-vat%E2%80%9D-cua-dai-ngan-post10712.html