Giễu cợt trên nỗi đau vùng lũ

Chỉ những kẻ không có liêm sỉ, không còn lương tri mới cười trên nỗi đau, giễu cợt trước sự mất mát của đồng loại.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Fanpage “Huấn Hoa Hồng” đăng video cắt từ chương trình thời sự để ghép ảnh Bùi Xuân Huấn, với nội dung sau khi kêu gọi quyên góp trên trang cá nhân. Theo nội dung cắt ghét, ngày 21/10, Huấn “Hoa Hồng” đã có mặt ở Quảng Trị, trao tận tay từng thùng mì tôm, áo phao... nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.

Video cắt ghép mạo danh VTV24 rồi đây sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi lương tâm của kẻ mạo danh từ thiện đã không còn, thì mong gì sự hối lỗi hồi tâm.

Trong Kinh Kim Cang, Phật dạy làm việc thiện nhưng không được chấp công, hóa độ mà thấy mình không hóa độ. Nghĩa là khi làm từ thiện, phải biết tôn trọng người mình giúp, không có ý coi thường. Khi trao quà, phải hết sức vui vẻ, trân trọng và khiêm hạ.

Sách Phúc âm, Chúa Giêsu răn dạy, khi làm việc lành phúc đức, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn, cốt để người ta khen. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.

Theo chuẩn mực đạo đức, cũng là thuần phong mĩ tục của người Việt, thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, rồi “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”… đã giúp cho đồng bào gặp họa thiên tai vượt qua hoàn cảnh khốn khó nhất. Chỉ bằng một cái ôm, một cái cầm tay chia sẻ đã đủ sưởi ấm những thân phận run rẩy vì mất đi tất cả. Văn hóa, cung cách đối xử của người Việt mình là vậy, giản đơn thôi nhưng chứa đựng tình người và sự yêu thương rất thật.

Thế mà trong hoạn nạn, lại có những kẻ bán lương tâm cho quỷ. Chỉ vì tiền mà đang tâm lừa đảo, cướp đi của thân nhân người gặp nạn cả trăm triệu đồng. Chỉ vì danh tiếng bản thân mà cắt ghép hình ảnh trong hoạt động cứu trợ. Chúng ta có thể gọi hành động đó là gì? Ba từ “Vô đạo đức” là xứng đáng.

Cái gì đã dẫn tới sự vô đạo đức của một vài cá nhân? Rất khó trả lời câu hỏi này. Nhưng có một điều chắc chắn, từ nhận thức mà sinh ra hay – dở. Kẻ cắt ghép hình ảnh từ thiện giữa vùng lũ nghĩ rằng, làm vậy thì hình ảnh của mình sẽ được người khác tán tụng, sẽ trở thành “ông bụt, bà tiên”.

Nhưng cho dù vì mục đích gì, giễu cợt trên nỗi đau của đồng loại đã biểu hiện sự vô văn hóa. Không thể vì anh bán thuốc mà mong người khác gặp bệnh, càng không thể vì bán quan tài mà mong nhiều người khác chết. Có nhà thơ đã viết: “Đất nước này suốt 4.000 năm vẫn trẻ trung và giàu lòng nhân ái/Không có chỗ dung thân cho bọn ký sinh, bọn xác sống lộng hành”.

Khi xã hội phát triển, giá trị của tình yêu thương thành món quà xa xỉ mà ít ai dám mang đến để trao tặng cho người khác. Nhưng xã hội sẽ lụi tàn khi quỷ dữ nhân danh tình yêu thương để khoác lên người chiếc áo của thầy tu.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/gieu-cot-tren-noi-dau-vung-lu-NsLG9EtMg.html