Giết tướng Soleimani: Mỹ đã dự tính từ cả thập niên trước?

Mỹ dường như đã phạm sai lầm trong quá khứ và đang phải đối mặt với hậu quả của sai lầm đó ở hiện tại.

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 10-1 đã có bài nhận định về cái chết của Thiếu tướng Qassem Soleimani (Iran) do Mỹ gây ra.

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump dường như đã đẩy tình hình căng thẳng giữa hai nước đến bờ vực chiến tranh trong những ngày này.

Tuy nhiên, khi nhìn lại lịch sử, Mỹ và Iran đã từng là đồng minh. Có luồng ý kiến cho rằng Mỹ đã phạm phải một sai lầm trong quá khứ và giờ đây đang phải đối mặt với hậu quả của nó.

Đương nhiên, hậu quả của sai lầm Mỹ gây ra liên quan đến cái chết của Tướng Soleimani.

Cái chết của tướng Soleimani liên quan đến sai lầm của người Mỹ. Ảnh: AP

Cái chết của tướng Soleimani liên quan đến sai lầm của người Mỹ. Ảnh: AP

Lật lại lịch sử

Đầu những năm 1950, ông Mohammad Mosaddegh được người Iran bầu làm thủ tướng.

Tuy nhiên, Mỹ và Anh nhận thấy ông Mossaddegh có liên hệ với Liên Xô nên đã lật đổ ông (năm 1953) và tìm cách để Mohammad Reza Pahlavi lên thay thế.

Nhưng động cơ lật đổ Mossaddegh không chủ có sự liên quan với Liên Xô mà còn về vấn đề dầu mỏ.

Việc Mossadegh quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước khiến nhiều công ty phương Tây tức giận. Trước đó, trong nhiều thập niên, các công ty này đều nắm quyền kiểm soát dầu mỏ ở khu vực Trung Đông.

Tất nhiên ông Pahlavi, Shah (Vua) mới do Mỹ cài cắm cũng tồn tại những nhược điểm.

Shah Pahlavi được cho là người lãng phí khi dùng tiền vào các mục đích không phù hợp. Ông biến Iran thành một quốc gia quân sự, bỏ bê thương nhân và nông dân.

Bên cạnh đó, những cải cách của ông trong vấn đề phụ nữ đã khiến các giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite vô cùng tức giận.

Tranh thủ tình hình này, Liên Xô ủng hộ các nỗ lực thay đổi chính phủ ở Iraq và Syria.

Năm 1973, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đứng đầu là Saudi Arabia đã cố tình cắt các chuyến tàu chở dầu đến Mỹ và phần lớn châu Âu.

Thậm chí ngày nay việc vận chuyển dầu từ Trung Đông vẫn bị hạn chế rất nhiều.

Trước tình hình đó, Mỹ cần giải quyết hai vấn đề: ngăn chặn thế lực Liên Xô và đảm bảo lưu thông dầu tự do. Việc bảo vệ Shah Iran khi đó trở nên rất quan trọng với Mỹ.

Có không ít thành phần chỉ trích Mỹ và Shah Pahlavi. Một trong số đó là Ayatollah Ruhollah Khomeini, lúc đó sống lưu vong ở Paris (Pháp). Ông đã nỗ lực tuyên truyền về sự phản bội của Shah Pahlavi.

Cách mạng Iran

Mặc dù tình báo Mỹ làm việc rất chặt chẽ với lực lượng an ninh nội bộ của Shah, họ đã mất cảnh giác trước một cuộc nổi dậy năm 1979. Thực ra đã có nhiều cuộc biểu tình nhỏ chống lại Shah từ năm 1977.

Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Jimmy Carter, đã nỗ lực hậu thuẫn Shah nhưng cuối cùng vào tháng 1-1979, Shah phải bỏ trốn khỏi Iran. Lúc này cách mạng Iran xem như đã hoàn tất.

Tháng 2-1979, ông Khomeini, người mà trước đó Mỹ đã đánh giá thấp, trở về từ Paris.

Ông Khomeini bổ nhiệm ông Mehdi Bazargan làm thủ tướng. Sau này chính phủ của Bazargan đã sụp đổ do xung đột với những người cực đoan.

Trong khi đó, Washington lấy cớ tiếp nhận Shah Pahlavi để điều trị ung thư và từ chối giao trả ông cho Iran. Người Iran lúc này muốn đưa Shah Pahlavi ra tòa vì những tội ác của ông.

Hành động của Mỹ đã khiến Tehran tức giận. 52 con tin đã bị bắt đến Đại sứ quán Mỹ.

Nỗ lực giải cứu con tin đã dẫn đến cái chết của tám quân nhân Mỹ vẫn ám ảnh Washington đến ngày nay.

Tổng thống Trump thậm chí nhắc lại sự kiện này trong cảnh cáo của mình với Iran nếu nước này trả thù cho Soleimani. Ông nói rằng ông đang có 52 mục tiêu Iran trong tầm ngắm.

Tổng thống Trump đe dọa Iran cực gắt trên Twitter. Ảnh: NBC NEWS

Cũng trong thời gian cách mạng Iran diễn ra, Liên Xô tiến vào Afghanistan. Sự ủng hộ các chiến binh thánh chiến chống lại Liên Xô của Mỹ sau đó đã làm gia tăng sự thù địch Iran-Mỹ.

Năm 1980, chiến tranh Iran-Iraq nổ ra và không có hồi kết. Mỹ là bên hưởng lợi vì đã loại bỏ được hai nhân vật trong kịch bản Chiến tranh Lạnh với Liên Xô.

Vì vậy Mỹ cung cấp vũ khí cho Iran và phớt lờ việc Iraq sử dụng vũ khí hóa học chống lại người Kurd.

Năm 1990, hai năm sau khi chiến tranh Iraq - Iran kết thúc, chiến tranh vùng Vịnh xảy ra. Đây là cuộc chiến giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn, do Mỹ dẫn đầu để "giải phóng" Kuwait.

Chiến lược của Mỹ là cân bằng cán cân quyền lực tại Trung Đông để đảm bảo lợi ích của mình trong khu vực không bị đe dọa. Về cơ bản, Mỹ muốn các nước Trung Đông trung hòa lẫn nhau.

Để làm điều này, Tổng thống Bush rất khôn ngoan. Ông không để Mỹ chiến thắng hoàn toàn và để Tổng thống Iraq Saddam Hussein tiếp tục giữ quyền lực. Mỹ đã thành công trong việc cân bằng hai thế lực Iran - Iraq.

Cán cân quyền lực chỉ còn là "ảo", Mỹ mắc sai lầm

Sự kiện 11-9-2001 đã gây chấn động nước Mỹ. Hai chiếc máy bay đã làm sụp đổ Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York.

Mọi nghi ngờ đều đổ về mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Mỹ đã đáp trả bằng cách phát động cuộc tấn công chính quyền Taliban theo Hồi giáo dòng Sunni, được xem là lực lượng che giấu al-Qaeda và cũng là kẻ thù của Iran.

Năm 2003, Mỹ một lần nữa xâm chiếm Iraq. Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush tiếp tục những gì mà cha ông đã bắt đầu.

Kết quả, chính quyền của Tổng thống Hussein bị lật đổ. Iran tạm thời nắm thời cơ kiểm soát Iraq.

Thảm họa 11-9 ở New York châm ngòi cho cuộc tấn công của Washington. Ảnh: FLICKR

Năm 2011, Mỹ rút quân khỏi Iraq vì một số lý do. Nhưng đây là một nước cờ sai lầm của Tổng thống Bush.

Ba yếu tố gồm sự sụp đổ của chế độ lãnh đạo dòng Hồi giáo Sunni tại Iraq, Mỹ rút quân khỏi nước này, ảnh hưởng của Iran đối với Iraq ngày càng tăng đã dẫn đến sự mất cân bằng quyền lực trong khu vực.

Cán cân quyền lực nghiêng về Iran đã mở rộng đường cho kế hoạch "Lưỡi liềm Shiite" của nước này.

Iran bắt đầu thiết lập quyền lực bắt đầu từ phía Tây Afghanistan đến Địa Trung Hải để thực hiện giấc mơ thống trị khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch của Iran bị gây trở ngại do sự kiện "Mùa xuân Ả Rập", một cuộc nổi dậy vì nhiều nguyên nhân năm 2011.

Như vậy, một lần nữa, Mỹ phải suy nghĩ lại về quan hệ đồng minh với Iran. Một phép thử cần được đặt ra cho Iran trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo cực đoan của Mỹ.

Tướng Soleimani đã tham gia vào cuộc chiến này, chứng tỏ ông ở phía Mỹ. Trớ trêu thay, cái chết của ông không đột ngột như nhiều người nghĩ mà do Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp đặt.

Có thể lập luận rằng đây là kế hoạch được lập ra từ câu hỏi kéo dài hàng thập niên của Mỹ rằng Iran là bạn hay thù. Mỹ có đang toan tính cân bằng lại cán cân quyền lực tại Trung Đông hay không vẫn là một câu hỏi cần giải đáp.

TRÀ GIANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/giet-tuong-soleimani-my-da-du-tinh-tu-ca-thap-nien-truoc-883006.html