Giết người hay phòng vệ chính đáng?

Vụ án của ông Lê Minh Phương (50 tuổi, ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng về tội 'Giết người' đang khiến dư luận thực sự xôn xao về những tình tiết xung quanh vụ án này.

Ông Lê Minh Phương bị bắt tạm giam 4 tháng về tội “Giết người” đang khiến dư luận thực sự xôn xao

Theo thông tin ban đầu, rạng sáng 23-11, ông Phương phát hiện một bóng đen lẻn vào nhà riêng của ông Phương để trộm cắp tài sản ở cửa hàng tạp hóa dưới tầng 1 của ngôi nhà. Do từng bị mất trộm nhiều lần nên ông Phương đã dùng kiếm sắt chém loạn xạ vào đối tượng đột nhập khiến người này bị thương tích nặng. Sau khi người đột nhập vào nhà bị thương nằm gục dưới sàn nhà, gia đình ông Phương đã báo Cơ quan Công an, sau đó xác định người bị ông Phương chém gục là cháu Nguyễn Đăng Tùng (15 tuổi) ở gần nhà ông Phương.

Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, cùng với việc khẩn trương đưa người bị thương đi cấp cứu, Công an quận Bắc Từ Liêm đã khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng và thu thập tài liệu chứng cứ liên quan để điều tra. Qua điều tra và kết quả giám định pháp y xác định cháu Tùng bị thương tích tổn hại sức khỏe 61%, Cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Phương về hành vi “Giết người”. Theo đánh giá của Công an quận Bắc Từ Liêm, đây là một vụ việc rất đáng tiếc. Bởi lẽ, cháu Tùng do thiếu sự giáo dục của gia đình đã dẫn tới hành vi đột nhập vào nhà dân để trộm cắp tài sản. Còn ông Phương chỉ vì nóng giận không kiềm chế được bản thân cộng với thiếu hiểu biết về pháp luật đã chém cháu Tùng thương tích nặng.

Mặc dù vụ án vẫn trong giai đoạn điều tra nhưng việc cơ quan chức năng quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Phương 4 tháng về tội “Giết người” đang khiến cho dư luận xã hội và người dân vô cùng quan tâm. Thực tế, những năm qua, tại một số địa phương đã xảy ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng khi kẻ trộm đột nhập vào nhà, bị người nhà phát hiện, đã ra tay “thảm sát” nhiều người vô tội như: vụ Doãn Trung Dũng giết 4 bà cháu ở Uông Bí, Quảng Ninh; vụ Nguyễn Hải Dương giết 6 người trong một gia đình ở Bình Phước. Và trước đó là vụ án chấn động của Lê Văn Luyện khi chưa đầy 18 tuổi đã đột nhập vào một tiệm vàng ở Bắc Giang để trộm cắp, rồi ra tay giết cả vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái mới 18 tháng tuổi.

Chính những vụ trọng án, thảm án như trên đã tác động không nhỏ tới tâm lý, ý thức cảnh giác của người dân trước tình trạng trộm cắp nên việc ông Phương “ra tay” ngay khi phát hiện có trộm đột nhập vào nhà giữa đêm khuya xem ra không có gì quá đáng. Bởi lẽ, khi phát hiện nhà có người lạ đột nhập trong đêm, ông Phương ngay lập tức khó có thể ý thức được phản ứng như thế nào là cần thiết, phù hợp trong khi thực tế diễn biến từ hành vi trộm cắp sang giết người, cướp tài sản là rất nhanh và khó lường. Việc ông Phương chém cháu Tùng trong sự việc này nhằm ngăn chặn hành vi đột nhập, xâm phạm chỗ ở, tài sản và cũng là mục đích phòng vệ bản thân, bảo vệ gia đình trước mối nguy hiểm đe dọa khó lường từ phía kẻ đột nhập.

Hiện nay, cùng với các quy định của pháp luật, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất rõ ràng về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và bảo vệ quyền sở hữu của công dân. Do đó trong vụ án này, khi ông Phương có hành vi tấn công, gây thương tích cho kẻ trộm đột nhập nhưng lại bất ngờ bị dính vào vòng lao lý, thậm chí còn bị xem xét xử lý tội danh rất nặng “Giết người” so với hành vi gây ra, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng vì quyền phòng vệ chính đáng của người dân đang không được đảm bảo, trong khi Bộ luật Hình sự đã quy định rõ về quyền phòng vệ chính đáng của mỗi người dân. Hơn nữa, người bị hại ở đây là cháu Tùng đã có hành vi trái pháp luật là xâm phạm chỗ ở của ông Phương để trộm cắp tài sản.

Hành vi trái pháp luật của người bị hại là nguyên nhân khiến ông Phương bị kích động mạnh về tinh thần, dẫn tới việc ông Phương chém người gây thương tích. Do đó, việc định tội danh trong trường hợp này không đơn giản, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng cần hết sức thận trọng, công minh, đánh giá khách quan cụ thể nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, hành vi phạm tội để tránh xảy ra oan sai. Đồng thời vẫn bảo đảm sự răn đe, nghiêm minh của pháp luật, không để cho tội phạm có cơ hội lộng hành và coi thường pháp luật.

NGUYÊN QUỐC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giet-nguoi-hay-phong-ve-chinh-dang-486478.html