Gieo mầm yêu thương

Như đã thành thông lệ, ngày 15-12 tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, diễn ra Ngày hội hoa hướng dương 2019 với chủ đề 'Vì chiến binh hoa mặt trời' thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Chương trình là sự chung tay của cộng đồng giúp các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, xoa dịu nỗi đau của các em và gia đình, giúp các em hòa nhập cuộc sống.

Trong khuôn khổ ngày hội, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như hiến máu nhân đạo, phiên chợ từ thiện gây quỹ ủng hộ các bệnh nhi,... Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong ngày 15-12, chương trình đã tiếp nhận hơn 1,5 tỷ đồng từ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Ðồng thời trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã thay hình đại diện là bông hoa hướng dương rực rỡ góp phần tiếp tục lan tỏa thông điệp yêu thương đến cộng đồng.

Ðây là năm thứ 12, Ngày hội hoa hướng dương được tổ chức song sức nóng của chương trình không hề giảm sút. Ðáng chú ý, hoạt động này ban đầu được khởi xướng từ ý tưởng của một cá nhân, chị Lê Thanh Thúy - công dân trẻ tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh năm 2006, một người từng nhiều năm phải chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, với mong muốn xây dựng một chương trình ý nghĩa, huy động sự quan tâm, chung sức của toàn xã hội đồng hành, chăm sóc các bệnh nhi bị ung thư ở Việt Nam. Qua đời ngày 2-11-2007, ước nguyện của chị Lê Thanh Thúy được mọi người tiếp tục thực hiện, đồng thời với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí, đoàn thành niên các địa phương,... chương trình đã nhanh chóng trở thành một phong trào thiện nguyện có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Mười hai năm qua, thực hiện “ước mơ của Thúy”, chương trình đã nhận được hơn 45 tỷ đồng, trao hơn 27.500 phần quà tặng các bệnh nhi ung thư vào các dịp lễ, Tết, thực hiện hơn 5.200 ước nguyện cho các bệnh nhi, hỗ trợ điều trị bệnh cho hơn 1.500 bệnh nhi với mức từ ba đến 30 triệu đồng, trao 1.270 suất học bổng tặng các bệnh nhi khỏi bệnh, quay trở lại trường học. Hoạt động hiến máu cho các bệnh nhi cũng đã thu hút hơn 11 nghìn lượt người tham gia. Ðây chỉ là những con số sơ lược nhất về hành trình thực hiện “ước mơ của Thúy” và Ngày hội hoa hướng dương vì các bệnh nhi ung thư nhưng cũng đã phần nào cho thấy ý nghĩa và hiệu quả tác động xã hội của chương trình trên thực tế.

Có thể thấy, Ngày hội hoa hướng dương là một trong nhiều chương trình thiện nguyện thành công được khởi xướng và thực hiện bởi chính cộng đồng. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến các chương trình như: Cơm có thịt, áo ấm cho trẻ em vùng cao, ủng hộ đồng bào vùng bị bão lũ, chợ phiên không đồng, Trung thu cho em, Tết cho người nghèo... thu hút được rất đông sự tham gia, chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Và còn rất nhiều người dù điều kiện kinh tế hạn hẹp, đời sống khó khăn nhưng với tấm lòng nhân ái vẫn luôn tìm ra cách để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Như cụ bà Cao Thị Kinh Doanh (Hà Nội), dù đã ở tuổi ngoài 80 vẫn ngày ngày cặm cụi ngồi đan áo, đồng thời tích cực đi quyên góp quần áo cũ để gửi tặng các trẻ em vùng cao. Ðây là minh chứng sinh động cho truyền thống tương thân tương ái, đạo nghĩa “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.

Cùng với các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thì sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong các chương trình thiện nguyện theo hình thức xã hội hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn. Bởi điều này cho thấy việc chăm lo đối với những số phận không may mắn, chịu tai ương, tật bệnh đã trở thành mối quan tâm và cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Những mầm thiện của lòng nhân ái vẫn ngày ngày được lan tỏa trong cuộc sống, bởi vậy sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau, và đây cũng là những đóng góp quý báu cho sự phát triển chung của toàn xã hội.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42619602-gieo-mam-yeu-thuong.html