Gieo mầm những tình cảm cách mạng lớn lao

Ngày 11-3-1951 là ngày Báo Nhân Dân ra số đầu. Song lịch sử Báo Nhân Dân, báo Đảng phải được tính từ ngày Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập ngày 21-6-1925. Kỳ đài của Báo Đảng được dựng lên từ ngày đó…

Đoàn đại biểu báo chí Cộng hòa DCND Lào thăm phòng truyền thống Báo Nhân Dân. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Đoàn đại biểu báo chí Cộng hòa DCND Lào thăm phòng truyền thống Báo Nhân Dân. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Ngày 11-3-1951 là ngày Báo Nhân Dân ra số đầu. Song lịch sử Báo Nhân Dân, báo Đảng phải được tính từ ngày Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập ngày 21-6-1925. Kỳ đài của Báo Đảng được dựng lên từ ngày đó…

Khi đến “ngôi nhà” 71 Hàng Trống (Hà Nội), Báo Nhân Dân mới được 30 năm, thế rồi tôi gắn bó với nơi này đến nay đã 40 năm. Trong sự giật mình của thấm thoắt thời gian, trước sự thoáng chốc của đời người, tôi muốn kể vài kỷ niệm về việc rèn luyện phong cách người làm báo Đảng. Ngày tôi mới về Ban Thư ký, dù đã tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp, đã được rèn luyện qua quân đội, tôi và những cán bộ mới đều phải trải qua những buổi học tập, sinh hoạt chính trị để hiểu biết, thấm nhuần về truyền thống, chức năng của Báo Nhân Dân, đặc biệt là tư cách người làm báo Đảng.

Ba năm đầu chủ yếu học việc. Việc của một trợ lý ở Ban Thư ký - Biên tập là cắt dán bản tin Thông tấn xã và “biên tập” bằng cách “sao y bản chính” cái mà các trưởng kíp, trưởng ban, Ủy viên Ban Biên tập (BBT) đã biên tập. Nghĩa là đừng có lớ xớ mà thò bút vào bản thảo. Còn viết ư? Đó là chuyện của ngày rất xa. Nếu được ưu ái cử viết tin, cũng không được ký tên, chỉ được ký P.V (phóng viên).

Có được cái tên trên Báo Nhân Dân khó lắm, vì thế cả đời mình biết trân trọng, gìn giữ cái tên của mình. Làm phóng viên báo Đảng là phải tuyệt đối trung thành, trước hết trong việc tuyên truyền là không được sai một ly, một lai nào với nghị quyết. Khi tiếp xúc với người nước ngoài, với những nhân vật quan trọng..., là phải có sự phân công của tổ chức và phải có ít nhất hai người. Khi đi ra ngoài, trước các đồng nghiệp, trong hội nghị phải hết sức gương mẫu, chuẩn mực về tác phong, phát ngôn; không được nhân danh tờ báo để phát biểu, không được nhân danh phóng viên Báo Nhân Dân để làm những việc riêng... Mọi vi phạm quy định đều được xem xét kịp thời. Nếu có vi phạm, kể cả lỗi không cố ý trong viết, trong biên tập có ảnh hưởng nghiêm trọng, đều bị buộc rời khỏi công việc phóng viên và các khâu trong công tác biên tập, kể cả người đánh máy. Bởi thế, được làm phóng viên là vinh dự lắm, giữ gìn lắm. Phóng viên Báo Nhân Dân luôn được đồng nghiệp và nhân dân hết sức quý trọng.

Hồi tôi mới về, hay viết câu dài. Tôi bị phê phán rất nặng, cho đó là văn học trò, không có thông tin. Tôi cãi hăng lắm. Rằng nhiều từ, làm chủ được ngữ pháp, có tư duy nhiều tầng bậc mới viết được câu dài; ngoài thông tin phản ánh, còn cần thông tin mỹ học. Và lôi tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” ra, dẫn chứng Tôn-xtôi luôn viết câu dài hàng trăm chữ. Nếu lúc nào, bài nào cũng “Dưới ánh sáng”, “Trong không khí thi đua”... thì chán chết! Người ta không nói gì, nhưng bài của tôi vẫn bị gạch bỏ, biên tập lại theo một lối viết gọn gàng, thẳng mạch như ruột ngựa!

Ấy vậy mà dần dà tôi lại thấy đúng, thấy hay. Viết dài dĩ nhiên là khó, nhưng viết ngắn còn khó hơn nhiều. Từ chỗ thấy viết ngắn, thẳng mạch là hay, phải hàng chục năm, và thậm chí đến nay, tôi tập viết câu ngắn mà không phải lúc nào cũng đạt.

Nhà báo Quang Đạm có kể lại một chuyện. Trong kháng chiến, khi ông là phóng viên báo Sự Thật rồi, một hôm Bác Hồ gọi vào cho ý kiến để viết bài. Bác hỏi: “Chú làm gì? Trước chú có viết báo không?”. Ông trả lời: “Thưa Bác cháu chưa viết báo. Trước cháu làm hướng đạo, thời kỳ ở Cục Thông tin Bộ Tổng Tham mưu, cháu chuyên làm mật mã”. Bác nói “Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được, không sử dụng được. Bây giờ làm báo Sự Thật thì chú phải làm ngược lại. Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được...”. Quang Đạm là một bậc túc nho, uyên thâm, uyên bác cả Đông Tây kim cổ, vậy mà khi nghe lời Bác dạy, chợt tỉnh ngộ ra và từ năm 1947 luôn rèn luyện cách viết cho gần gũi lời ăn tiếng nói của nhân dân.

Có lần, Thép Mới từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội đến thăm ông già Quang Đạm hưu trí ở ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ông Thép hỏi Quang Đạm: “Nhìn lại cuộc đời làm báo ở Báo Nhân Dân, ông thấy có gì được, có gì chưa được?”.

Về cái chưa được, Quang Đạm nói: “Trong chính trị, chống lại chủ nghĩa xét lại hiện đại, nói chung tôi nặng về trích dẫn một số câu của Lê-nin đập lại nhóm Cau-xki, Béc-xtanh, ít có những điểm sâu sắc, đích đáng vạch rõ chủ nghĩa xét lại hiện đại đáng gọi là đích thực Việt Nam. Cái không được thứ hai, tức là tình trạng tách rời sự thật. Nói chung, trong xã hội chúng ta, sự phân biệt về tư duy triết học các khái niệm sự thật, thực tiễn và chân lý thường còn mơ hồ. Trong quần chúng là như vậy. Trong những cấp lãnh đạo bên trên, kể cả cấp cao, cũng là như vậy. Việc chỉ ra các hiện tượng cụ thể thật sinh động là rất thiếu, cho nên những sự miêu tả và phê phán ít sắc bén và linh hoạt. Cũng có tình trạng lầm lẫn đúng sai trong sự thật”...

Báo Nhân Dân và các báo hiện đại đòi hỏi viết ngắn. Đó là một xu hướng đúng. Nhưng không phải nhất định phải như thế. Tôi nhớ có lần, Thép Mới từ miền nam ra đưa cho tôi tập “Cù lao Tràm” của Nguyễn Mạnh Tuấn và bảo: “Cậu đọc ngay và viết giới thiệu trên báo. Thật kỹ vào. Và phải ủng hộ con người mới, tư tưởng mới”. Ba ngày sau, tôi hoàn thành công việc, bài giới thiệu cuốn sách này ký tên là Lâm Tùng được đăng cả trang trên báo ngày, tạo ra dư luận tốt. Sau đó Tổng Biên tập Hồng Hà cho trích đăng tiểu thuyết này lên báo. Nó có sức cổ vũ Đổi mới trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Tôi mong các bài đã ngắn, có thể ngắn hơn nữa và bài dài, có thể dài hơn nữa. Nhưng nhất định phải có vấn đề, phải gợi lên những suy nghĩ mới, những cảm xúc mạnh mẽ.

Ngày nay, làm báo hiện đại mức độ cạnh tranh thông tin cao hơn nhiều. Tuy không còn những lợi thế mang tính “độc tôn” như trước, nhưng Báo Nhân Dân đã có nhiều đổi mới, đáp ứng đòi hỏi của thời đại. Từ tờ báo bốn trang đã phát triển thành báo hằng ngày với tám trang, mở nhiều chuyên mục hơn, do đó có điều kiện quan sát, phản ánh cuộc sống đa dạng hơn. Những năm gần đây, báo đã trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện gồm báo giấy, báo điện tử, truyền hình. Trong tương lai không xa, sẽ mở thêm kênh phát thanh…

Nhìn lại hành trình 70 năm qua, có thể thấy, càng về sau, việc quản trị tờ báo, nâng cao mức sống càng giỏi, hoạt động xã hội của Báo Nhân Dân càng được mở rộng, lượng phát hành càng lớn. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế của tờ báo Đảng, sẽ cần phải tiếp nối được việc gây dựng nhiều cây viết có thẩm quyền, có giọng điệu, cũng như không ngừng đổi mới hình thức, nội dung, bám sát hơi thở cuộc sống và mở rộng phát triển kinh tế báo hơn nữa.

Báo Nhân Dân phải tác động đến bạn đọc bằng cảm xúc, phải vượt qua hạn chế, vượt qua định kiến khô khan để gieo mầm những tình cảm cách mạng lớn lao, chuyển tải những tri thức lớn lao!

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/gieo-mam-nhung-tinh-cam-cach-mang-lon-lao-637597/