Gieo mầm hy vọng

Một lớp học chỉ có 1-2 em không may mắn khuyết tật bẩm sinh, giáo viên phải phân thân dành cho các em những phương pháp học tập riêng để có thể hòa nhập cộng đồng. Để thực hiện tốt công việc này đòi hỏi sự kiên trì tận tình chăm sóc, giáo dục bằng cả tình yêu thương của mỗi giáo viên.

Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ) tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm và hoạt động ngoại khóa nhằm phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, đồng thời hỗ trợ tích cực học sinh khuyết tật hòa nhập.

Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ) tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm và hoạt động ngoại khóa nhằm phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, đồng thời hỗ trợ tích cực học sinh khuyết tật hòa nhập.

Giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập tại các trường là công việc kết hợp mà không thuần túy như giáo dục đối tượng chuyên biệt (trường dành cho trẻ khuyết tật), do đó giáo viên phải kết hợp các phương pháp giáo dục trong nhà trường và luôn theo sát học sinh nắm bắt tâm lý, chăm sóc các em khuyết tật hòa nhập. Đặc biệt, với nhóm đối tượng học sinh không có biểu hiện rõ ràng hoặc gia đình không muốn mang tiếng là con mình khuyết tật... thì việc chăm sóc các em càng trở nên khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ) chia sẻ: “Có năm học Trường có đến 5 học sinh có biểu hiện khuyết tật như: chậm tư duy, tăng động, tự kỷ, không làm chủ hành vi bản thân... Trường đã tìm nhiều biện pháp hỗ trợ các em học tập để theo kịp với các bạn trong lớp, thậm chí gặp gia đình để chia sẻ, những hầu hết phụ huynh đều không hợp tác và không muốn đưa con đến các cơ sở y tế thăm khám, đánh giá... Tâm lý phụ huynh là sợ mang tiếng không tốt cho con mình. Hiện trường có 1 em là học sinh dân tộc Dao, học 4 năm vẫn chỉ ở lại lớp 2. May mắn là em đã biết đọc, biết viết. Mỗi tối, em không làm chủ được bản thân, nên giáo viên lại phân công nhau dọn vệ sinh, giặt quần áo, chăm đệm cho em. Vất vả, nhưng nhìn những ánh mắt ngây thơ, trong trẻo của những đứa trẻ khiến chúng tôi không khỏi thương cảm và nguyện đem hết sức mình để giúp đỡ các em”.

Cùng chia sẻ những khó khăn, cô Trần Thị Đoàn, Hiệu trường Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ) cho biết: “Vì học sinh ở mỗi độ tuổi khác nhau nên cô phải nghiên cứu, soạn giáo trình theo từng bậc học khác nhau. Có những bài giảng mà cả tuần các con không hiểu, có con thì khóc hoặc tự dưng la hét, đập bàn, ghế trong giờ học vì không tập trung nên giáo viên phải chắt lọc những kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ nhất và kiên trì giảng lặp đi lặp lại nhiều lần. Với học sinh khuyết tật, giáo viên luôn phải dành thời gian vui chơi cùng các em, như vẽ tranh, đánh cầu lông, nhảy dây..., thông qua đó, giáo viên có thể hiểu được tâm lý của từng em. Mục đích chính tạo môi trường giáo dục tốt khi các em còn nhỏ, có tương tác của các bạn đồng trang lứa để vực các em khuyết tật trưởng thành. Nếu buộc phải đưa các em vào một môi trường giáo dục chuyên biệt thì kinh tế gia đình sẽ khó khăn thêm mà tính tương tác trong công đồng sẽ bị hạn chế”.

Nhớ lại những ngày đầu trực tiếp dạy trẻ khuyết tật, cô giáo Ma Thị Hằng, Trường Tiểu học Quy Kỳ, huyện Định Hóa) cho biết: “Ngày mới nhận công tác tại trường, được giao lớp có học sinh khuyết tật, tôi rất lo lắng và thật sự bị áp lực. Đã vài lần tôi đề xuất xin chuyển lớp, khi phụ huynh học sinh khuyết tật luôn cho rằng giáo viên phân biệt học sinh. Cả một năm học em Hứa Bảo Khánh không nói một câu với ai khi đến lớp. Mỗi khi bảo chào cô, em chỉ giơ cánh tay vẫy vẫy. Có những bài học đi, học lại cả tuần em cũng không nhớ. Nhiều lần tôi cùng lãnh đạo Trường đã đến thăm gia đình em, cùng động viên, chia xẻ những khó khăn trong giáo dục, nên dần dần đã tạo được sự hợp tác tốt với phụ huynh. Khó khăn nhất là giáo viên phải gần gũi và dành nhiều thời gian nắm bắt diễn biến tâm lý để hỗ trợ các em theo kịp các hoạt động giáo dục với chúng bạn, không bị đơn độc, xa lánh. Chính sự tương tác giữa học sinh với học sinh tạo nên những động lực tích cực cho học sinh khuyết tật cải thiện những hạn chế của bản thân”.

Từ những việc làm tưởng như rất nhỏ như thường xuyên quan tâm đến khả năng nhận thức của mỗi học sinh để có phương pháp giáo dục và đánh giá phù hợp đến việc quan sát các biểu hiện, hành vi của các em. Qua đó giúp các em có kỹ năng sống, vượt qua mặc cảm và những rào cản của xã hội để có thể tự khẳng định mình. Công việc dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thật sự mang nhiều ý nghĩa cao đẹp. Chính các cô đã xoa dịu những thiệt thòi và đem lại cơ hội hòa nhập với cộng đồng cho nhiều học trò kém may mắn. Được biết, toàn tỉnh hiện có gần 2.000 học sinh khuyết tật, trong đó có trên 80% đã và đang được các nhà trường (bậc tiểu học) tiếp nhận các em theo học để hòa nhập cộng đồng.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/gieo-mam-hy-vong-282950-85.html