Gieo luật - Gặt an toàn ở vùng cao

Hòa Bình nối với các tỉnh Tây Bắc bởi những cung đường 'dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm'. Những tuyến đường vút xa mờ ấy đã in dấu chân chiến sỹ Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hòa Bình mang bình yên đến các bản làng.

Hành trình ấy nổi bật với hình ảnh những "sắc nắng" không quản ngại ngày đêm, mưa gió vẫn tận tụy với công việc, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, an toàn trên các cung đường vùng cao.

Cách làm linh hoạt

Theo chân các chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Hòa Bình, chúng tôi ngược dốc Cun, xuôi Quốc lộ 6, vượt đỉnh Thung Khe "bốn mùa mây phủ" đến với bản Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) để tuyên truyền Luật Giao thông. Ở nơi "thâm sơn cùng cốc" này, có cán bộ Công an đến tuyên truyền, hướng dẫn luật giao thông, bà con mừng lắm.

Mới 6h sáng khi các ngả đường xuống chợ vẫn còn phủ mờ sương, thì tại chợ phiên ở xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình), bà con người Mông từ các ngả đường, nô nức kéo về khu vực trung tâm, nghe các cán bộ giao thông tuyên truyền luật giao thông. Khi cán bộ CSGT vừa căng tấm biển chỉ dẫn báo hiệu đường bộ lên, nhiều đồng bào dân tộc đã đến xem.

Cảnh sát giao thông kiểm tra xe ôtô nghi vận chuyển ma túy trái phép.

Cảnh sát giao thông kiểm tra xe ôtô nghi vận chuyển ma túy trái phép.

Thượng úy Nguyễn Thùy Linh liền hỏi: "Thanh niên này chắc không biết đi xe máy đâu nhỉ. Còn anh đứng bên cạnh chắc là biết đi, giỏi hơn thanh niên này rồi". Thế là Sùng A Lự, 33 tuổi, người dân tộc Mông giơ tay chỉ biển báo hiệu đường bộ và nói: "Cán bộ à, em biết đi xe máy chứ, biển kia là biển báo nguy hiểm, biển Stop là không được đi, biển báo đường đèo dốc là phải đi chậm và cẩn thận mới không ngã...".

Một phụ nữ Mông lưng địu một em bé, trên tay vẫn cầm chiếc mũ bảo hiểm, chăm chú nghe CSGT tuyên truyền về an toàn giao thông.

Chị Mùa Y Sía nói: "Mình đã có 3 con rồi, chồng mình hay say rượu, lần trước gia đình mình xuống chợ, chồng uống rượu say, khi lái xe máy trên đường về nhà mấy lần ngã, giờ chưa khỏi, vẫn phải nằm ở nhà. Giờ mình tự đi xe máy cùng mọi người đến chợ".

Tôi hỏi, Sùng A Nhà đã có bằng lái xe chưa, lái xe trên đường từ bản xuống chợ có đội mũ bảo hiểm không? Nhà đáp: "Chưa có mà, nhưng đi xe máy trên đường mình phải đội mũ bảo hiểm, nếu không công an bắt mà, và nếu có ngã, đầu không bị chảy máu...". Còn anh Giàng A Vân, sinh năm 1972 ở bản Trà Đáy, xã Pà Cò trên đầu anh vẫn đội mũ bảo hiểm, nhưng khi nói chuyện thì nồng nặc mùi rượu.

Tôi hỏi: "Vân có biết đi xe máy không, có bằng lái chưa?". Vân trả lời: "Có bằng lái lâu rồi, đi giỏi luôn...", nhưng khi chỉ các biển báo và yêu cầu trả lời các câu hỏi luật giao thông đường bộ thì Vân ậm ừ lảng ra chỗ khác.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng CSGT chia sẻ: Hòa Bình là tỉnh miền núi có nhiều bà con dân tộc sinh sống, có trên 70% xã trong tỉnh ở mức nghèo hoặc cận nghèo, dân trí thấp dẫn đến nhận thức pháp luật an toàn giao thông khá mơ hồ. Bà con chỉ biết "miếng cơm, manh áo" hàng ngày chứ ít quan tâm đến điều này, luật kia. Chúng tôi không thể vận dụng luật một cách cứng nhắc mà cần linh hoạt, gần gũi với đời sống người dân. Khi tuyên truyền ở cơ sở việc sử dụng những hình ảnh trực quan, mô phỏng có ý nghĩa rất quan trọng.

Những quy định như: khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, không được chở quá 2 người, không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông... được biên soạn thành các câu đối, vần thơ quen thuộc, dễ nhớ, dễ thuộc. Chúng tôi thấy rằng, để thay đổi nhận thức của bà con vùng cao, không chỉ một sớm, một chiều mà cần có giải pháp đồng bộ, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp, sự ủng hộ của nhân dân. Thực tế đó đòi hỏi CSGT nơi đây cần những con người tâm huyết, trách nhiệm với công việc, trân quý nhân dân như chính người thân của mình.

Nữ cán bộ được nhân dân tin yêu

Với giọng nói truyền cảm, lôi cuốn người nghe, Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng - Phó Trưởng phòng CSGT nổi bật trong các buổi tuyên truyền ở khu dân cư.

Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, chuyên ngành CSGT với tấm bằng xuất sắc, chị Đinh Thị Thu Hằng được phân công về Đội CSGT của Công an thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình). Quá trình công tác, chị dày công nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn giao thông cho nhân dân. Sau đó, chị được điều động về Phòng CSGT Công an tỉnh.

CSGT tặng quà cho các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ.

Ở đơn vị mới, địa bàn rộng hơn, chị đã chuyển hóa những văn bản khô cứng trở nên mềm mại, gần gũi hơn với đời sống người dân. Chính vì vậy, những buổi chị trực tiếp tuyên truyền đã để lại ấn tượng sâu đậm, thu hút rất đông người dân theo dõi. Trong các buổi tuyên truyền ở cơ sở của CSGT mà chị cùng đồng đội tổ chức luôn có những phần quà ý nghĩa như: mũ bảo hiểm, áo phao, xe đạp... tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo vượt khó.

Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật giao thông cho nhân dân. "Chị Hằng luôn tận tình, chu đáo giải đáp cặn kẽ những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân. Khi nghe chị giảng bài, chúng tôi hiểu hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân khi tham gia giao thông. Nghe lời chị, mỗi chúng tôi sẽ là tuyên truyền viên đưa Luật giao thông đến với cộng đồng" - một người dân ở thành phố Hòa Bình nói.

Là nữ cán bộ lãnh đạo, Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng luôn sâu sát, nhạy bén trong công việc, lựa chọn những vấn đề đột phá để tập trung giải quyết. Chị nhận thấy các "điểm đen" trên các tuyến quốc lộ là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình, toàn tuyến quốc lộ 6 có trên 10 điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Nguyên nhân do ở khu vực này có độ dốc lớn, khuất tầm nhìn, nhiều góc "cua tay áo", bên núi, bên vực. Bên cạnh đó, do không có biển cảnh báo nguy hiểm, không có đường tránh thoát hiểm, do đường vắng vẻ nên chủ phương tiện thường phóng với tốc độ cao, hệ thống phanh an toàn trên xe không đảm bảo... Do vậy, hầu hết các vụ tai nạn giao thông đều gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, thiệt hại tài sản lớn..

Tính từ năm 2016 đến nay, trên tuyến quốc lộ 6 xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông làm chết 13 người, 29 người bị thương, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để khắc phục triệt để các "điểm đen", Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng đề xuất Ban An toàn giao thông tỉnh Hòa Bình lắp đặt rải phân cách cứng, mềm, gờ giảm tốc, mở rộng, nâng cấp tuyến quốc lộ 6, làm đường tránh nạn, lắp đinh phản quang...

Đồng thời, chỉ đạo CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực thường xảy ra tai nạn thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phát tờ rơi cảnh báo an toàn giao thông... để nhân dân cùng chấp hành. Chính vì vậy, trật tự an toàn giao thông cơ bản được kiềm chế, tại các "điểm đen" không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như trước đây. Tỉnh Hòa Bình nằm trong số không nhiều địa phương trong toàn quốc 6 năm liên tục giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí.

Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, giảm các loại thủ tục rườm rà, không cần thiết, rút ngắn thời gian cấp, trả đăng ký phương tiện cơ giới, xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Các phòng tiếp dân phải gọn gàng, ngăn nắp, công khai thủ tục hành chính để người dân theo dõi, giám sát.

Chị kiến nghị đặt hòm thư góp ý tại phòng tiếp dân để nghe dân nói, cầu thị lắng nghe góp ý của người dân. Chị yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sỹ trực tiếp dân phải thân thiện, lễ phép với nhân dân, tận tình hướng dẫn khi người dân có yêu cầu, nghiêm cấm tình trạng cửa quyền với nhân dân, tăng cường làm việc cả ngày nghỉ để phục vụ nhân dân.

Lá chắn thép trên cung đường nóng

Nằm trên cung đường huyết mạch nối với các tỉnh Tây Bắc, Thượng tá Nguyễn Văn Hải đánh giá, quốc lộ 6 là nơi tội phạm ma túy trung chuyển "hàng trắng" về các tỉnh đồng bằng và sang nước thứ ba tiêu thụ. Chúng tôi xác định khâu đột phá trong đấu tranh với tội phạm về ma túy là kiểm soát hoạt động và bắt giữ đối tượng phạm tội một cách an toàn trên tuyến giao thông.

Thực tiễn cho thấy công tác phòng chống tội phạm ma túy trên các tuyến giao thông cũng là một trong những biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông bởi khi bị phát hiện, bắt giữ, đối tượng thường chống trả quyết liệt, bỏ chạy gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Phòng CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn tỉnh, nhất là những địa phương có tuyến quốc lộ 6 chạy qua nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng các phương án đối phó, vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa tấn công trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.

CSGT tuyên truyền Luật giao thông cho bà con dân tộc.

Qua khảo sát, các anh lựa chọn những địa điểm bí mật trên quốc lộ 6 để đón bắt "hàng trắng". Khu vực xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình có những đặc điểm thuận lợi, phù hợp với nhiều phương án đấu tranh, bắt giữ. Tội phạm ma túy thì ví như "cửa tử" đi dễ khó về. Từ nhiều năm trở lại đây, hầu như tất cả các vụ án ma túy lớn, nhỏ, cơ quan Công an đều bắt được tại đây.

Còn nhớ vụ việc diễn ra năm 2018, sau nhiều giờ mật phục, trời mưa tầm tã, đến khoảng 19h ngày 18-3-2018, các anh phát hiện chiếc xe ôtô Fortuner nghi vấn chạy với tốc độ rất cao đến địa phận giáp ranh với tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Các anh bí mật bám sát chiếc xe chờ thời điểm thuận lợi để phá án. Truy đuổi gần 100km đến khu vực Trạm thu phí Lương Sơn, thuộc thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình thì tiếp cận chiếc xe đối tượng.

Tổ công tác ra tín hiệu dừng xe, đối tượng bất ngờ nhấn ga, tông thẳng vào chiếc xe Cảnh sát chặn phía trước, hất văng rào chắn rồi bỏ chạy theo hướng Hòa Bình - Hà Nội. Vừa bỏ chạy, đối tượng vừa rải bàn chông cản trở hướng di chuyển của tổ công tác khiến cho việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình thế nguy cấp, đối tượng rất manh động, liều lĩnh có thể gây nguy hiểm đến người đi đường, lực lượng chức năng buộc phải nổ súng bắn xịt lốp xe song đối tượng vẫn ngoan cố, không chấp hành. Đến địa phận xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, lực lượng truy bắt đã ép chiếc xe đối tượng vào lề đường và bắt gọn đối tượng Lục Văn Đồng, sinh năm 1994, trú tại xã Thái Đức, huyện Hạ Long, tỉnh Cao Bằng và 100 bánh heroin…

Hay chuyên án bắt đối tượng Sùng A Phà, sinh năm 1992 và Vàng A Váu, sinh năm 1995 đều trú tại Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vận chuyển 35 bánh heroin; chuyên án bắt đối tượng Khà Văn Lộc, sinh năm 1991, trú tại xóm Nghẹ, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu cất giấu ma túy trong chiếc tivi cũ, thu giữ 02 kg ma túy tổng hợp, 1.200 viên hồng phiến.

Trong hai năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ đã phát hiện, ngăn chặn 133 vụ vận chuyển, mua bán ma túy, bắt giữ 166 đối tượng với số lượng heroin lên tới 132 bánh, hơn 1.170gram heroin, 1.957 viên ma túy tổng hợp, thu giữ 4 ô tô, 41 xe máy, 81 triệu đồng, 30.417 USD… Với nhiều chiến công xuất sắc, lực lượng Cảnh sát giao thông đã được Bộ trưởng Bộ Công an hai lần gửi thư khen và biểu dương trong toàn lực lượng.

Không thể kể hết khó khăn, vất vả của Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hòa Bình trong việc đảm bảo an toàn giao thông trên các cung đường vùng cao. Những chiến sỹ Cảnh sát giao thông tận tụy với công việc như Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Thượng tá Đinh Thị Thu Hằng, Thượng úy Đinh Thùy Linh... và các đồng đội đã khắc họa hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an vì nhân dân phục vụ. Các anh, các chị âm thầm góp sức vì những cung đường bình yên.

Như Hùng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/gieo-luat-gat-an-toan-o-vung-cao-596311/