'Gieo chữ' trên non cao - những câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Không ngại khó khăn vất vả, đường sá xa xôi, bất đồng ngôn ngữ, với tình yêu nghề, cảm thông với những thiệt thòi của học sinh vùng cao, các thầy, cô giáo dù phải băng rừng, vượt đèo dốc cheo leo bên sườn núi vẫn kiên trì bám trường, bám lớp 'cõng chữ' lên vùng non cao để mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

“CÕNG CHỮ” LÊN NON

Tình nguyện gắn bó với vùng cao, đem cái chữ đến cho con em dân bản là đồng nghĩa với việc chấp nhận những thử thách, gian truân nơi núi rừng. Với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt cộng thêm thiếu thốn trong sinh hoạt khiến cho công việc gieo chữ của các thầy, cô giáo càng thêm khó nhọc. Song, không lúc nào họ nguôi bớt niềm trăn trở về một ngày mai con đường đến lớp của những trẻ em vùng cao rồi sẽ tươi sáng hơn.

Thầy giáo Phạm Linh Thương hướng dẫn học sinh Phân trường Lũng Oong, xã Trương Lương (Hòa An) học bài.

Thầy giáo Phạm Linh Thương hướng dẫn học sinh Phân trường Lũng Oong, xã Trương Lương (Hòa An) học bài.

Giữa tháng 11, chúng tôi đến Điểm trường Lũng Oong, xã Trương Lương (Hòa An), từ UBND xã vượt hơn 5 km đường dốc, mà dốc nào cũng được gọi bằng cái tên “dốc số 1”. Gọi thế là bởi xe máy leo dốc chỉ cài số 1, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, chỉ cần sơ ý trượt chân có thể sẽ rơi xuống độ cao cả trăm mét, mới thấy được nỗi nhọc nhằn của các thầy cô giáo “cõng chữ” qua con núi ấy đến với học trò vùng cao.

Xóm Lũng Oong có 69 hộ, 340 nhân khẩu, 100% hộ là đồng bào dân tộc Dao, quanh năm khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, đất nông nghiệp nằm xen kẽ bên những vách đá tai mèo nên bà con chủ yếu chỉ trồng được cây ngô, lạc. Nơi đây, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn và nghèo khó, dù cực khổ nhưng các em học vẫn khát khao được đến trường, được biết “cái chữ” để cuộc sống sau này có kiến thức sẽ đỡ vất vả hơn.

Điểm trường có 3 thầy cô với 27 học sinh là con em đồng bào dân tộc Dao đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Trò chuyện với các giáo viên giảng dạy ở điểm trường, tôi mới thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của các thầy cô. Nhưng có lẽ gian nan nhất là làm sao để truyền tải được một lúc 2 chương trình cho học sinh trong một lớp ghép, nhất là đối với những thầy cô mới đến.

Thầy giáo Phạm Linh Thương được phân lên Điểm trường Lũng Oong và được giao dạy lớp ghép lớp 4 - 5. Mới đầu, thầy cũng gặp nhiều khó khăn trong việc soạn giáo án vì một lúc phải soạn 2 chương trình và 1 tiết học phải giảng dạy 2 trình độ. Chứng kiến thầy quay sang lớp này hướng dẫn bài cho học sinh lại tất bật sang lớp kia mới thấy việc giảng dạy không đơn giản…

Nhưng đối với thầy Thương, để các em tiếp thu kiến thức hiệu quả, thầy luôn học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước để nghiên cứu phương pháp giảng dạy phù hợp cho học sinh. Đến nay, thầy đã quen với cách dạy của lớp ghép, giáo án soạn đều đáp ứng theo yêu cầu bài giảng.

Thầy Thương tâm sự: Học sinh ở đây rất thiệt thòi vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường rất xa nhưng các em đến lớp đều đặn nên sĩ số lớp luôn được duy trì. Đó chính là động lực lớn nhất giúp thầy cô kiên cường bám trường, bám lớp để dạy học cho các em. Ngoài giảng dạy kiến thức, thầy cô ở đây còn phải kiêm thêm bộ môn thể dục, hướng dẫn các em sinh hoạt Đội và các kỹ năng sống cơ bản… Học trò nơi đây không rành tiếng Kinh nên những năm đầu lên đây, tôi phải vừa học tiếng Dao vừa học phương pháp dạy.

Ngày nào thầy trò cũng phải “đánh vật” với từng “cái chữ”, từng con số, cứ tiếng Dao và tiếng Kinh đan xen nhau. Ngoài ra, trường còn có 1 học sinh khuyết tật học hòa nhập nên các thầy cô càng vất vả hơn. Khó khăn, vất vả là thế nhưng những giáo viên ở đây vẫn kiên cường bám trường, bám lớp để “gieo chữ” cho học sinh vùng cao. Trước đây có một vài cô giáo trẻ vào đây dạy được một thời gian, nhưng vì sinh hoạt thiếu thốn nên đã bỏ cuộc.

Món quà mà các thầy cố nhận được trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đôi lúc là tấm thiệp với những lời chúc mừng do tự tay các học sinh làm hay đó là một bó hoa dại, một mớ rau rừng. Nhưng với các thầy cố đó chính là món quà quý giá, ấm áp nhất từ tấm lòng chân thành, kính trọng của học sinh.

Chính tình cảm thân thương của phụ huynh và những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của các học sinh đã níu giữ bước chân các thầy, cô giáo không muốn rời đi. Theo nguyện vọng, thầy Thương sẽ tình nguyện ở lại Điểm trường Lũng Oong để giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu. Có lẽ chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp những giáo viên như thầy Thương miệt mài với học sinh vùng cao.

“MẸ HIỀN” CỦA TRẺ EM VÙNG CAO

“Tôi không sợ cái khó, cái khổ, tôi chỉ mong được đóng góp công sức của mình giúp các học sinh vùng sâu, vùng xa biết chữ, hy vọng cuộc sống của các em sau này đỡ vất vả hơn”, đó chính là những lời tâm sự xuất phát từ đáy lòng của cô giáo Bàn Thị Hải, khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề giáo viên.

Cô giáo Bàn Thị Hải dạy học sinh thể dục.

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh của xã Minh Tâm (Nguyên Bình), cô sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc học để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Sau khi học xong cấp 3, cô theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng. Năm 1998 tốt nghiệp ra trường, cô dạy ở nhiều điểm trường khó khăn của huyện Nguyên Bình như: Trường Tiểu học Vũ Nông, Trường Tiểu học Mai Long... Hiện nay, cô đang công tác tại Trường Tiểu học Thành Công.

Trường Tiểu học Thành Công là trường thuộc xã vùng III của huyện Nguyên Bình. Đa số học sinh trong lớp cô Hải chủ nhiệm là người dân tộc thiểu số, nhà các em cách xa trường, do vậy cô gặp nhiều khó khăn trong việc dạy học và duy trì sĩ số học sinh. Nhưng cô vẫn nhiệt huyết với suy nghĩ, học trò ở những trường vùng cao luôn thiệt thòi hơn trẻ ở vùng đồng bởi đa số bố mẹ các em không biết chữ nên các em cần được quan tâm nhiều hơn.

Cô cũng không nề hà việc đến từng nhà học sinh nhiều lần để vận động cha mẹ cho con em đến trường đi học đầy đủ, đúng giờ. Hiểu được sự tâm huyết của cô giáo, các em đã yêu cái chữ và muốn đi học hơn. Vất vả, gian nan của giáo viên vùng cao trong chuyện vận động học sinh không nhiều bằng nỗi trăn trở sao cho các em không vì khó khăn địa lý, hoàn cảnh gia đình, bố mẹ đông con, nhận thức chưa cao mà khiến các em phải bỏ học.

Có những em nhà cách xa trường 3 - 4 cây số đường rừng, ngày mưa vẫn đến trường, đến lớp. Có những hôm đi học các em còn đem theo nải chuối hay mớ rau rừng đến lớp cho cô. Ở những mái trường vùng khó, ngày ngày cô cùng các đồng nghiệp vẫn tiếp tục sự nghiệp “trồng người”. Vất vả, gian nan trong cô sẽ vơi đi khi các học sinh vui vẻ cắp sách đến trường.

Còn niềm vui thì không gì sánh bằng khi được chứng kiến những học trò của mình trưởng thành, khôn lớn. Dù là những địa bàn khó khăn, nhưng cô và các đồng nghiệp chưa bao giờ nản chí mà chỉ càng thêm yêu nghề, thêm gắn bó với sự nghiệp “gieo chữ trên nương”.

Cô Hải tâm sự: Để làm tốt nhiệm vụ của mình đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải thực sự tâm huyết với nghề, kiên trì, nhẫn nại và phải thương yêu các học sinh như con mình thì mới thuyết phục được các em đến lớp và duy trì ổn định sĩ số lớp. Mặt khác, mỗi thầy cô làm nhiệm vụ cắm bản phải biết hoặc hiểu được tiếng bản địa và phong tục tập quán của đồng bào nơi mình công tác mới mong thực hiện được ước nguyện “gieo chữ” - tất cả vì học trò vùng cao.

baocaobang.vn

Ngọc Dung

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/gieo-chu-tren-non-cao-nhung-cau-chuyen-co-tich-giua-doi-thuong-123946.html