Giếng nước Bác Hồ

'Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Vệ là bảo vệ, sinh là sinh sống, con người muốn mạnh khỏe, sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn, ở có vệ sinh. Muốn có vệ sinh, phải có nước sạch, muốn có nước sạch phải đào giếng, đào nhiều giếng sẽ có nhiều nước sạch'.

Ðó là lời căn dặn nhân dân giữ gìn vệ sinh của Bác Hồ khi về thăm phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Hai lần được đón Bác Hồ về thăm

Phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) bên bờ Hồ Tây là một địa danh đẹp, đã vinh dự 2 lần được đón Bác Hồ đến thăm và căn dặn nhân dân giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe.

Ngày 14/8/1962, Bác Hồ về thăm nhân dân Quảng Khánh (khi đó thuộc thôn Tây Hồ, xã Quảng An, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Bác ghé thăm nhà ông Đàm Viết Huấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Toàn Thắng và các cháu lớp mẫu giáo tại đền Tây Hồ.

Bà Nguyễn Thị Vân, giáo viên mẫu giáo thời đó kể: “Hôm đó, khoảng 8 giờ 30 sáng, khi tôi cho các cháu tập thể dục xong thì có cán bộ Ban bảo vệ nói tôi cho các cháu vào lớp, đón Bác Hồ đến thăm. Các cháu vào lớp, ngồi ổn định thì Bác đến. Các cháu đứng lên chào: “Chúng cháu chào Bác Hồ ạ”. Bác giơ tay chào các cháu, Bác hỏi tôi về tình hình lớp học, các cháu học ở đây là con em của ai? Lớp có bao nhiêu cháu? Tôi trả lời Bác và bắt nhịp cho các cháu hát bài Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Các cháu hát xong, Bác khen hay và chia kẹo cho các cháu”.

Bà giáo Vân xúc động nhớ lại: Bác nhìn thấy cháu Đỗ Thị Phúc (6 tuổi) và nhiều cháu khác bị đau mắt, bị toét mắt. Bác hỏi thăm kỹ. Bác dặn tôi: “Hằng ngày cô giáo rửa mắt cho cháu bằng nước muối và tra thuốc cho cháu”. Cô giáo nghe lời Bác dặn, làm theo và gần một tháng sau, mắt cháu Phúc khỏi. Bác cũng yêu cầu Viện Mắt Trung ương cử cán bộ về Quảng An chữa trị cho nhân dân khỏi bệnh đau mắt hột.

Một tháng rưỡi sau, lần thứ hai Bác đến thăm nhân dân Quảng An vào ngày 29/9/1962. Ông Nguyễn Ngọc Bích, khi đó là Phó Chủ tịch UBND xã, đồng thời là Trưởng ban Công an xã Quảng An, nhớ lại ngày đón Bác: “Hôm đó, đông đảo nhân dân xã Quảng An đã đến họp tại đình Quảng Bá để sơ kết công tác vệ sinh phòng bệnh mùa hè và làm lễ phát động phong trào vệ sinh cuối năm.

Bác đã nói chuyện với mọi người. Bác nói: “Con người là vốn quý nhất của xã hội, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Vệ là bảo vệ, sinh là sinh sống, con người muốn mạnh khỏe, sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn, ở có vệ sinh. Muốn có vệ sinh, phải có nước sạch, muốn có nước sạch phải đào giếng, đào nhiều giếng sẽ có nhiều nước sạch”. Bác còn đưa cho đồng chí Chủ tịch xã đọc một bài báo nói về việc người dân ở một tỉnh nọ đào giếng lấy nước sạch, cho bà con nghe. Đồng chí Chủ tịch xã do xúc động quá, thỉnh thoảng đọc sai, Bác nhắc đọc lại. Bác thông báo: Bác tặng Quảng An tiền lương của Bác để đào và xây một giếng nước sạch làm kiểu mẫu cho nhân dân, là mẫu để mọi người làm theo. Người căn dặn: “Quảng An phải phấn đấu xây dựng thành xã kiểu mẫu toàn diện về vệ sinh của thành phố”. Xúc động trước những tình cảm của Người, cán bộ nhân dân xã Quảng An đã hứa với Bác quyết tâm phấn đấu lời dạy của Bác.

Ngay sau đó, xã đã đào và xây giếng nước Bác Hồ tại sân đình làng Quảng Khánh. Từ đó, người dân Quảng An thi đua đào giếng lấy nước sạch thay cho việc sử dụng nước hồ như trước đó. Từ một giếng nước sạch xây bằng tiền của Bác tặng, những ngày tháng tiếp theo người dân Quảng An đã tập trung mọi nguồn lực, nhanh chóng đạt mục tiêu 100% số hộ gia đình có giếng nước sạch; xóa bỏ hẳn tình trạng sử dụng nước ao hồ trong sinh hoạt; nhà nhà trồng và sử dụng thuốc Nam... Nhớ lời Bác dặn, Quảng An đã luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, trở thành điểm sáng của quận Tây Hồ trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Đến năm 1965, Quảng An đã trở thành xã dẫn đầu toàn huyện Từ Liêm về phong trào vệ sinh phòng bệnh và khởi nguồn cho nhiều phong trào khác tại nơi đây.

Bác Hồ thăm giếng nước xã Nam Chính 15/2/1965. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Bác Hồ thăm giếng nước xã Nam Chính 15/2/1965. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Ngày xuân đón Bác về thăm

xã Nam Chính

Ngày 15/2/1965, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với nhân dân xã Nam Chính, huyện Nam Sách, Hải Dương, là xã dẫn đầu phong trào vệ sinh phòng bệnh toàn miền Bắc trong những năm 60 của thế kỷ trước. Ngày Bác về thăm xã Nam Chính là một kỷ niệm khắc sâu vào ký ức của ông Đinh Văn Kế, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã, ông kể:

“Theo con đường Hòa Bình (nay đã đổi tên Đường Bác về), đoàn xe đưa Bác và các đại biểu từ từ tiến vào xã, đến khu trường học thì đỗ hẳn. Tiếng hò reo vỗ tay hoan hô như sấm dậy. Hồ Chủ tịch muôn năm... muôn năm. Từ trong một chiếc xe, Bác bước ra. Bác tươi cười vẫy chào mọi người rồi đi thẳng vào trong xóm An Thường. Cùng đi với Bác có đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

Tôi rất sung sướng cùng đồng chí Quang, Bí thư Huyện ủy được Bác âu yếm bắt tay và vinh dự được dẫn Bác đi thăm.

Bác vào nhà anh Giao - một nông dân cần cù lao động, anh đứng giữa sân chào Bác, Bác gật đầu cười. Bác hỏi: “Nhà cháu có mấy lao động”.

- Thưa Bác, có 2 lao động chính ạ.

Bác lại hỏi:

- Thế có mấy ăn theo?

- Thưa có... có 6 ăn theo ạ.

Bác tươi cười hỏi: “Kho của nhà cháu đâu hả? Anh Giao chưa kịp trả lời, Bác đã đi vào buồng xem vại gạo, cót thóc, Bác lại vòng ra đằng sau xem nhà xí, chuồng lợn. Rồi mọi người cùng Bác đi xem giếng nước, nhà tắm, Bác soi bóng mình xuống lòng giếng và căn dặn: “Giếng nên có nắp đậy, đề phòng tai nạn”. Khi xem nhà tắm Bác bảo: “Xây như thế này là tốt, nhưng muốn đơn giản hơn và nhà nào cũng có nhà tắm trong lúc ít gạch, thì có thể hướng dẫn đồng bào làm nhà tắm đơn giản nhưng làm bằng cót, hoặc tre, xung quanh trồng cây dâm bụt, khi cót hỏng thì ta có một cái nhà tắm bằng dâm bụt thiên nhiên rất đẹp.

Bác tiếp tục vào trong xóm, tới thăm gia đình bà Khoa - vợ một liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Bác lại đến nhà bà Uông, thăm hỏi cụ Trần Thị Nhỡ ngoài 70 tuổi.

Tới đâu Bác cũng xem từ nơi ăn chốn ở, từ giếng nước, hố xí, nhà tắm, chuồng lợn... Ra đến ngõ, Bác hỏi chúng tôi: “Thế hôm nào đường cũng sạch thế này chứ !”

Tôi thưa Bác: Hôm nào đường cũng sạch thế này ạ!

Bác vui cười đi trước, đàn con cháu theo sau cùng Bác đi ra địa điểm nói chuyện. Thấy Bác mọi người đứng dậy reo vang và hô to “Hồ Chủ tịch muôn năm” “Bác Hồ muôn năm”, cứ thế vang lên mãi.

Bác ra hiệu mọi người ngồi xuống và im lặng. Bác thăm hỏi các cụ già, bế cháu bé và chia kẹo cho các cháu. Bác chúc sức khỏe mọi người. Bác hỏi về tình hình sản xuất, các công trình phúc lợi đã xây dựng của xã, Bác lại hỏi tình hình ăn Tết của nhân dân. Bác khen: “Xã Nam Chính là kiểu mẫu trong công tác vệ sinh phòng bệnh, từ một xã dùng nước ao tù. Đến nay, 416 gia đình trong xã đã có 369 cái giếng. Đã có 416 hố xí hợp vệ sinh, 182 nhà tắm, 122 tủ thuốc gia đình. Kết quả là nhiều bệnh tật đã giảm bớt. sản xuất càng phát triển”.

Bác nói tiếp: “Đồng bào phải trồng thêm nhiều rau màu, hoa quả, chăn nuôi thêm gà vịt để có thức ăn ngon bồi dưỡng sức khỏe”, và Bác đã chỉ bảo nhiều lợi ích của việc trồng màu. Bác dạy “Các địa phương phải đẩy mạnh phong trào vệ sinh nông thôn, thi đua với Nam Chính”.

Gần kết thúc buổi nói chuyện, Bác chỉ ra con đường mà xe Bác vừa đi qua. Bác nói:

- Đường Nam Chính còn gập ghềnh và ít cây, phải sửa đường, trồng cây cho tốt. Rồi Bác lại về thăm. Cả biển người dậy lên tiếng quyết tâm.

Bác lo nhiều việc to lớn, mà những việc nhỏ sao Bác vẫn phải lo cho dân. Nghĩ như vậy người Nam Chính chúng tôi lại tự nhủ lòng mình, phải vượt lên mọi khó khăn, phải làm đúng lời Bác dạy”.

Bác Hồ về thăm xã Tân An,

huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Ông Hà Văn Quách (85 tuổi), nguyên Ủy viên Ban quản trị HTX hồi đó, người vinh dự được đón Bác kể: “Ngày 6/4/1961, Tân An vinh dự được đón Bác về thăm. Buổi sáng hôm ấy trời mưa rất to, Bác từ tỉnh Bắc Giang về, đến đầu làng Bác xuống xe. Trời mưa, đường trơn, Bác cầm dép trên tay đi bộ vào làng. Lúc ấy, đồng chí Ngũ (Bí thư Đảng ủy xã) đến bên và xin phép được cầm dép giúp Bác. Bác nhẹ nhàng từ chối rằng mình tự cầm được. Đến giữa làng, Bác dừng lại bên hồ Long Trì rửa chân tay rồi cùng đoàn đến thăm nhà cụ Hà Văn Cộng (gia đình có 3 người con đi bộ đội chống Pháp, 1 người là du kích). Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người trong gia đình. Bác khen gia đình xây dựng được giếng nước hợp vệ sinh. Khoảng 10 phút sau, Bác cùng đoàn công tác quay lại trung tâm xã (nơi hiện giờ được xây dựng thành khu di tích để nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã. Người căn dặn: “Cán bộ và nhân dân trong xã phải luôn thực hiện 3 cao: Đoàn kết cao, năng suất sản xuất cao và đời sống nhân dân cao”.

Được đón và nghe Bác nói chuyện, bản thân tôi cũng như rất nhiều người khác trong xã đều rất phấn khởi và tự hào. Với tôi, những ấn tượng tốt đẹp về Người vẫn còn đọng lại mãi”.

TRẦN GIỮU

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gieng-nuoc-bac-ho-n174233.html