Giêng hai trên miền đất dân ca

Nếu chỉ nói thôi, chắc hẳn nhiều người chưa dám tin nhưng nếu đã đến miền đất Lục Ngạn vào độ Giêng hai mọi người sẽ cảm nhận được tình yêu dân ca, yêu văn hóa văn nghệ của đồng bào các dân tộc đất vải lớn đến mức nào. Những cuộc hát thâu canh suốt sáng, những cuộc chơi kéo dài miên man hết chợ phiên này qua chợ phiên khác cho đến hết mùa xuân. Thực hiếm có vùng đất nào mà người dân mê đắm hát dân ca dân tộc mình đến thế.

Mùa của hội hát

Nếu ở xuôi, người dân có hội đình, hội chùa, hội làng thì huyện miền núi Lục Ngạn lại đa phần là hội hát của đồng bào các dân tộc và điểm nhấn là Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc mà hầu như xã nào cũng “đến hẹn lại lên”. Trai gái đồng bào tìm đến hội hát để trao gửi, giao lưu, họ đến với nhau vì nghĩa, mến nhau vì tình và yêu nhau bằng cả trái tim.

Hôm 30-3, trên Facebook của bạn tôi làm giáo viên của một trường ở Lục Ngạn có dòng trạng thái “Em vừa đi vừa nghĩ là sao tầm này lại tắc đường. Đến bờ hồ thì e mới biết hôm nay là hội. Tối nay Mị cũng muốn đi chơi...”, kèm theo đó là những hình ảnh vô cùng đậm đà bản sắc và sự dập dìu của đồng bào dân tộc thiểu số đến từ khắp các bản làng đổ về trung tâm thị trấn Chũ hát giao lưu dân ca dân tộc thiểu số. Năm nay do diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp nên từ sau tết Nguyên đán, huyện Lục Ngạn đã quyết định không tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc như mọi năm.

Thế nhưng, khi dịch đã ổn định, mặc dù ngày hội không được địa phương tổ chức như đúng kế hoạch nhưng dòng người các dân tộc thiểu số vẫn ùn ùn đổ về khu vực trung tâm huyện, không có sân khâu, không có loa đài như mọi năm nhung không vì thế mà các cuộc hát kém vui. Thậm chí, do đông quá, đồng bào tràn cả vào sân UBND huyện để hát giao lưu.

 Đồng bào xuống chợ.

Đồng bào xuống chợ.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên quy mô, hình thức các cuộc hát cũng có sự thay đổi uyển chuyển, thay vì hát trực tiếp trong chợ, trong hội, đồng bào chuyển sang hát... qua điện thoại. Cũng dễ hiểu thôi bởi vùng đất được xem là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc vẫn đang trong không khí mùa xuân, với biết bao hoa thơm, lộc biếc, với lại thời gian này mọi người cũng thảnh thơi hơn trước khi bước vào mùa vụ cao độ cho công việc chăm sóc và thu hoạch vải thiều. Quan trọng hơn, tình yêu dân ca của đồng bào như một bản năng tiềm tàng lại trỗi dậy mỗi độ xuân về.

Những năm trước, vào mùa xuân, tôi thường ngược lên những hội hát Tân Sơn, Phong Minh, Đèo Gia, Khuôn Thần, Biên Sơn, Biển Động rồi lại xuôi về Tân Hoa, Tân Mộc, Liên Lao, Kiên Thành, Giáp Sơn, Chũ... để hòa mình cùng những sắc màu đậm đà của truyền thống văn hóa các dân tộc, của những chợ phiên rực rỡ thổ cẩm, màu áo chàm, của lời ca tiếng hát dập dìu vang vọng khắp núi đồi.

Quan sát thì thấy, cuộc hát ban đầu là trong ngày hội, sau rồi đến ngày chợ phiên và thêm nữa, từng nhóm hát, câu lạc bộ rủ nhau đến những khu đất trống ven đường, trên đồi bãi để hát cho thỏa nỗi nhớ mong và khát khao cháy bỏng. Biết bao đôi lứa đã yêu nhau, nên vợ thành chồng qua những cuộc hát như thế. Đơn cử, câu chuyện của vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Lâm Minh Sập (SN 1955) dân tộc Sán Chí ở xã Kiên Lao như một ví dụ điển hình.

Ông Sập còn lưu giữ cẩn thận cuốn sổ tay gồm hơn 800 bài hát dân ca Sán Chí do ông sưu tầm của người xưa truyền lại và các thế hệ sau này sáng tác. Nghệ nhân kể: Theo tập quán, vào những dịp đầu xuân, thanh niên Sán Chí ở Kiên Lao thường đến bản làng trong vùng du xuân, giao lưu hát, khi đã ưng ý nhau thì từng đôi hát đối đáp để tự tìm hiểu nhau.

Người dân đổ về thị trấn Chũ hát giao lưu.

Qua những cuộc hát ấy, nhiều đôi đã yêu nhau rồi kết hôn. Người giỏi hát dân ca Sán Chí không những phải biết luyến láy, ngân nga mà còn phải giỏi ứng đối một cách linh hoạt, tài tình và thể hiện tình cảm trong từng hoàn cảnh cụ thể, để người nghe cảm thấy thuyết phục.

Bước chân ông Sập đi qua bao cuộc hát. Mỗi năm, vào mùa xuân hay dịp kỷ niệm lớn của đất nước, dân tộc, ông rủ thêm bạn hát đi hết nơi này nơi khác, có khi cánh hát của ông lên Sơn Động rồi lại vòng qua mạn Bắc Lệ, Chi Lăng, Đồng Mỏ, Văn Quan, Văn Lãng, Kỳ Lừa, Hữu Lũng, Cao Lộc (Lạng Sơn)... Cuộc “lưu diễn” kéo dài cả tuần lễ.

Tương tự là chuyện tình của Nghệ nhân ưu tú Mạc Văn Đậu (65 tuổi), Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Hát dân ca dân tộc Nùng thôn Quán Cà, xã Biên Sơn. Biết hát sli, lượn từ khi 14 tuổi, từng đi hát khắp làng trên bản dưới,.

Thời trai trẻ ông đã đi khắp bản trên, làng dưới để hát sli, hát lượn (dân ca Nùng) và trái tim người thanh niên hào hoa đã phải lòng một cô gái đẹp người đẹp nết nhất vùng. Họ quen nhau, đến với nhau rồi thành vợ chồng từ những cuộc hát như thế. Mấy chục năm qua, ngoài sưu tầm sách hát từ cổ nhân, ông Đậu tự sáng tác, đặt lời mới cho nhiều bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương, xây dựng đời sống mới và kỳ công phiên dịch từ tiếng dân tộc để nhiều người cùng hiểu, cùng hát.

Mỗi điệu sli, câu hát lượn vang lên, lòng ông dâng lên niềm cảm xúc khó tả, nó gợi nhớ về một thời trai trẻ háo hức trước những mùa hội hát dập dìu, những đêm trăng hẹn hò và cả những mối tình tha thiết, sâu lắng. Được biết, không chỉ vợ chồng ông mà bố mẹ ông cũng quen nhau và lấy nhau cũng từ những cuộc hát như thế! “Nghệ nhân” nhẩm hát một vài câu giao duyên từng hát suốt thời trai trẻ, giọng tuy không còn mượt mà nhưng vẫn cất cao đầy hào sảng. Hát được vài câu, ông lại dừng lời phiên ra tiếng Việt rồi cười khà khà: “Làm sao được chung mẹ, chung cha/ Sáng sớm thức dậy mới yên tâm”, “Dọc Đình có đất trồng hành/ Có cô gái đẹp để dành cho ai”, “Nhìn em anh đắm, anh say/ Anh mơ, anh mộng được ngày bên em”...

Thiếu nữ rủ nhau xuống hội hát.

Khơi suối nguồn trong trẻo

Tháng Tư đã về, khi nắng ấm đã chan hòa muôn nẻo và hương vị mùa xuân cũng còn phảng phất từng bản làng vùng cao, cũng là lúc đồng bào các dân tộc trong vùng Lục Ngạn rủ nhau đến hội hát. Điều mà tôi ấn tượng là đi hầu hết các lễ hội vùng dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn đều bắt gặp hình ảnh các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số trang trong phục màu chàm, đeo túi vải xuống chợ dự hội hát dân ca, khung cảnh ấy đã tạo nên nét đặc trưng, đậm đà và tràn ngập sắc xuân. Họ toàn hát chay (không nhạc đệm), dù rằng tôi nghe không hiểu nhưng cái không khí rộn ràng ấy lại có sức lan tỏa, truyền cảm hứng rất mạnh mẽ cho người nghe.

Đến xã Quý Sơn, bên những vạt vải thiều bạt ngàn xanh tốt, những làn điệu dân ca Sán Dìu trữ tình, ngọt ngào lại vang lên tha thiết đến nao lòng. Ngược lên Đèo Gia, được đắm chìm trong làn điệu dân ca Cao Lan. Chếch sang mạn Tân Sơn, Khuôn Thần có tiếng Soong hao của người Nùng ngân vang khắp suối cùng hang tận. Xuôi về Kiên Lao, Kiên Thành lại thấy âm hưởng của điệu cắng coộ của người Sán Chí, rồi tiếng hát sli, hát lượn của đồng bào Tày...

Những âm điệu thiết tha, trữ tình và độc đáo ấy lại được ngân lên giữa núi ngàn khiến tôi cứ ngạc nhiên mãi, chưa thể lý giải được vì sao dân ca lại có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với đồng bào ở vùng cao Lục Ngạn đến vậy. Phải chăng là truyền thống văn hóa đã ăn sâu vào từng mạch nước, vỉa đất để dân ca nuôi dưỡng bao tâm hồn tươi đẹp con người miền núi?

Tôi vẫn chưa thể quên cái buổi rong ruổi cả ngày trời theo các nhóm người Nùng hát Soong hao ở chợ tình Tân Sơn ngày 12 tháng Giêng âm lịch cách đây 2 năm. Khi những màn sương còn chưa tan trên khóm mía, luống rau thì từ các ngả núi, đồng bào thuộc các xã Hộ Đáp, Cấm Sơn, Sa Lý, Phong Vân, Phong Minh, Tân Sơn... thậm chí từ Đồng Mỏ, Chi Lăng (Lạng Sơn) trong những bộ trang phục chàm truyền thống lại rủ nhau “xuống núi” dự hội hát Soong hao tại chợ phiên Thác Lười (mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào ngày này).

Tiếng hát dân ca Sán Chí trong ngày hội.

Dân trong vùng bảo, Thác Lười là chợ tình bởi bán - mua trong ngày hội hát chỉ là thứ yếu. Người ta xuống chợ là để hát, để trao gửi, hẹn hò và cho thỏa nỗi nhớ mong. Từ người già tóc bạc đến những em bé còn say giấc ngủ trên lưng mẹ cũng về hội góp vui, đi chợ với đồng bào cũng chính là đi hội, gặp gỡ và uống rượu, nam thanh, nữ tú trưng diện những bộ trang phục đẹp nhất, họ khoe sắc, đua tài, tỏ tình và trao gửi và hát giao duyên qua những điệu Soong hao mộc mạc.

Đồng bào giải thích, Soong hao có nghĩa là hai ta, đôi ta. Lời ca của Soong hao thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người theo lối ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi mà ẩn chứa rất nhiều hàm ý.

Xuôi về Quý Sơn, tôi gặp ông Vi Xuân Chiến, Chủ nhiệm CLB Dân ca Sán Dìu của xã, ông cho hay, được thành lập từ năm 2008, ban đầu CLB chỉ có 60 thành viên nhưng đến nay lên tới hơn 100, trong đó 80% là nữ giới, đặc biệt vừa rồi CLB kết nạp thêm 15 cháu dưới 12 tuổi, thấy lớp măng non của xã đam mê hát dân ca nên những người già trong CLB cũng nhiệt tình truyền dạy cách hát và ý nghĩa từng bài.

Hơn 500 khúc hát dân ca Sán Dìu mà CLB sưu tầm được và cấp trên hỗ trợ là vốn “tài sản” quý báu để các thành viên tích cực tập luyện, bảo tồn và gìn giữ tiếng hát quê hương. Điều đáng nói là dù CLB eo hẹp về kinh phí nhưng đều đặn mỗi tháng 2 buổi các thành viên lại tập trung tại nhà văn hóa thôn tập luyện, giao lưu ca hát. Cũng từ sinh hoạt văn nghệ mà người dân trong bản sống đoàn kết hơn, biết giúp nhau trong lao động sản xuất, cuộc sống hằng ngày, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn.

Những năm qua, UBND huyện Lục Ngạn đã có chính sách hỗ trợ kinh phí, chuyên môn cho các CLB hát dân ca thành lập mới. Đến nay, toàn huyện có 32 CLB hát dân ca thuộc các dân tộc Nùng, Tày, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa, Dao. Trung bình mỗi CLB có 40 thành viên. Huyện cũng thành lập Ban liên lạc các CLB hát dân ca, qua đó để các CLB giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn văn hóa, đồng thời là dịp thể hiện bản sắc dân tộc mình, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Cùng đó đã mở các lớp dạy tiếng dân tộc, dạy hát, múa các làn điệu dân ca truyền thống như sli, lượn, then, Soong hao, thường xuyên tổ chức các hội diễn, hội thi văn nghệ, ngày hội văn hóa các dân tộc...

Với phong trào hát dân ca sôi nổi, cộng thêm ý thức gìn giữ phong tục, tập quán truyền thống, sự quan tâm của chính quyền địa phương như hiện nay, Lục Ngạn hoàn toàn có thể yên tâm trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Những khúc hát dân ca dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn đang được đồng bào nâng niu, gìn giữ như một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, thông qua các buổi hát ấy bà con động viên nhau cố gắng quên đi mệt nhọc để chăm lo sản xuất, phục vụ cho cuộc sống gia đình. Và, sâu trong những thôn bản trù phú của vùng đất này, truyền thống hát dân ca ấy vẫn như một mạch ngầm chảy mãi trong mỗi gia đình, dòng họ.

Đông Khánh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/gieng-hai-tren-mien-dat-dan-ca-636324/