Giếng cổ và câu chuyện của những người dân đảo tiền tiêu

Tờ mờ sáng, cảng Lý Sơn, Quảng Ngãi tấp nập bởi những thuyền cá vừa cập bến. Cá vừa được đánh bắt tươi rói vẫn mang theo nguyên hương vị mặn mòi của biển. Cá đủ loại từ cá nhám, cá mú, cá cơm… đến cá chình. Lúc tôi có mặt ở đây, nhiều nhất vẫn là cá kìm, nhỏ cỡ 2 đốt ngón tay, dài từ 10-30cm, đầu nhọn hoắt.

Đón ngày mới trên đảo tiền tiêu

Cá kìm chế biến được rất nhiều món ăn nhưng tôi thích nhất cách chế biến dân dã mà Dũng, thôn Đông, xã An Hải, một ngư phủ thứ thiệt chiêu đãi hôm tôi ghé nhà. Lăng xăng chạy đâu đó, lát sau Dũng quay lại nhà mặt tươi rói, trên tay là mấy vuông lá chuối tươi, đoạn cậu cúi xuống rổ cá lớn thập cẩm đủ loại, trong đó có cả những chú ốc gõ, tay thoăn thoắt nhặt ra gần hai chục chú cá kìm, không cần rửa, đặt cá lên lá chuối và cho vào vỉ nướng. Việc còn lại của tôi là nổi lửa và chờ đợi.

Cá chín rồi, mùi thơm tỏa nhẹ, Dũng bóc bỏ lớp vỏ đen đen bọc ngoài cá, để lộ ra lớp thịt trắng muốt. Rượu ngon phải có bạn hiền, chàng ngư phủ bèn rút điện thoại gọi ai đó. Lát sau đầu cổng vọng lại tiếng xe máy. Hóa ra ông tướng đen trùi trũi với nụ cười ròn tan đang cưỡi xe máy kia là Lợi, dân địa phương. Hôm tàu vừa cập cảng, tôi còn đang bước thấp bước cao chuyển từ tàu để lên bờ đã thấy cậu áp sát mời về nhà mình nghỉ theo mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Lúc đó, tôi từ chối vì đang đi theo đoàn. Ai ngờ…

Dũng mang trong nhà ra bình rượu tỏi, nhẹ tay rót vào chén cho khách. Mùi rượu thơm lừng nhưng tôi vẫn phải từ chối. Hết ngạc nhiên nhìn khách, rồi Dũng cười vang: “Rượu ngâm bằng tỏi mồ côi, mấy bố ở tỉnh gạ mãi tôi cũng chẳng mang ra. Ai đời, lần đầu tiên bóc tem bình này lại bị từ chối. Chắc nó (bình rượu) còn ở lại với tôi dài dài”. “Thì mỗi người một tính ông ơi”, tôi chống chế. Khoái nhất dân vùng này là lòng hiếu khách và không thích ép rượu người khác. Không hiểu Dũng nhấm nháy từ lúc nào mà loáng cái đã thấy bà xã bê lên mấy đĩa ốc gõ, thêm hai con cua bể nghi ngút khói để đãi khách.

Lúc này tôi mới có dịp hỏi đến cái mô hình homestay của Lợi. Cậu thật thà kể: “Ban đầu có mấy người lạ đến đảo xin việc làm, thấy thương, tôi cho ở nhờ nhà không lấy tiền. Sau này lại đón mấy đoàn du lịch là sinh viên đang học ở Quảng Ngãi về ở, cũng không lấy tiền. Lúc chia tay, một cậu trong đoàn hiến kế rằng cần phải thu chút phí để bù vào tiền điện sinh hoạt, rồi xây mới thêm nhà vệ sinh. Lúc ấy mô hình ở kiểu này còn đón được cả tây ba lô đến du lịch ấy chứ. Thấy có lý, tôi bàn với vợ xây lại nhà và công trình phụ. Nhà chia làm mấy phòng cùng một lúc có thể đón tới 20 người về ở. Nhưng giờ khó nhất là xây thêm nhà vệ sinh, chứ mấy chục người chui vào một cái sao đủ. Ngặt cái “sổ đỏ” đang thế chấp nên ngân hàng không cho vay.

Lần đầu tiên nghe sinh viên nói tiếng Anh: homestay, cứ tưởng “hôm” là nhà, còn “tây” là tây du lịch nên đi đâu cũng khoe “hôm-sờ-tây” là làm nhà cho tây ở. Đến khi bị mấy khách du lịch người Đà Nẵng cười cho thối mũi, mới hiểu nghĩa của nó là phục vụ du lịch cộng đồng”. Ngoài nhà Lợi, toàn đảo cũng có trên 100 hộ dân kinh doanh mô hình du lịch này.

 Từ nhiều thế kỉ nay, giếng Xó La vẫn cung cấp nước ngọt nuôi dưỡng người dân đảo Lý Sơn. Ảnh: K.H.

Từ nhiều thế kỉ nay, giếng Xó La vẫn cung cấp nước ngọt nuôi dưỡng người dân đảo Lý Sơn. Ảnh: K.H.

Giếng cổ như hồn của đảo

Ra Lý Sơn mà không một lần đặt chân kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài Hải đội Hoàng Sa rồi tới giếng Vua còn được người dân gọi là giếng Gia Long hay giếng Xó La, nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh thì chưa thể gọi là đến đảo tiền tiêu. Cạnh tượng đài vẫn còn ngôi mộ tụ hồn từ xa xưa như muốn nhắc nhở con cháu muôn đời sau rằng ông cha họ xưa kia bất chấp hiểm nguy, hy sinh tuổi xuân thẳng tiến Hoàng Sa để đánh dấu phần biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Hiện nước sinh hoạt cho dân cư được lấy từ giếng khoan hoặc bể chứa nước mưa. Còn nước phục vụ trồng trọt được khai thác từ các mạch nước ngầm và chủ yếu vẫn là từ hồ chứa nước lớn trên đỉnh núi Thới Lới (đảo Lớn). Thế nhưng sẽ là thiếu sót lớn nếu như không đặt chân tới giếng cổ Xó La, tự tay múc lên gầu nước để uống và rửa mặt thỏa thuê.

Men theo những con đường nhỏ, anh Hữu Tri, cán bộ huyện dẫn tôi tới nhà ngư dân Bùi Ánh Quốc, thôn Tây An Hải, xã An Hải bám biển Hoàng Sa, từng nhiều lần bị tàu chiến nước ngoài rượt đuổi nhưng anh cùng những người dân can trường Lý Sơn vẫn kiên quyết bám ngư trường, bám biển mà cha ông từ bao đời gìn giữ, bất chấp hiểm nguy. Đang đi, bất ngờ anh Tri đổi lộ trình dẫn tôi tới giếng Xó La. Đoạn như một hướng dẫn viên thực thụ, anh tự hào giới thiệu về giếng cổ rằng tên gọi Xó La được nhiều người cao tuổi ở Lý Sơn giải thích, Xó ở đây là một góc không gian hẹp còn La bắt nguồn từ tên cây la. Giếng Xó La là giếng nước ở góc ruộng hẹp có nhiều cây la.

Tương truyền giếng nướ́c trên là do vua Gia Long phát hiện rồi cho lính đào, sau đó đặt tên. Một giả thuyết nữa có lẽ đúng hơn. Đây là giếng nước của người Chăm, cư dân cổ xưa có mặt trên đảo Lý Sơn đào cách đây khoảng thế kỷ XV. Giếng có chiều sâu 6,7 m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9 m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi.

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, giếng Xó La đã cung cấp nước uống, nước sinh hoạt phục vụ đời sống công đồng cư dân trên đảo. Mùa hè năm 2017 rồi 2019 đảo thiếu nước ngọt trầm trọng, trên 1.000 giếng nước do dân tự đào đa số bị nhiễm mặn nhưng giếng Xó La, chỉ cách biển khoảng 5m, nước vẫn trong và ngọt. Người sành uống trà bao giờ cũng phải lấy cho bằng được nước từ giếng cổ, có thế trà mới thơm đậm. Chính vì vậy, mới xuất hiện những người dân kiếm sống bằng nghề lấy nước giếng bán cho nhà dân và các nhà hàng.

Ông Mai Văn Thu, thôn Đông, làm nghề lấy nước giếng bán, kể rằng, trung bình mỗi ngày ông bán được khoảng 10 xe cải tiến nước cho các nhà hàng và nhà dân. Lúc nước mặn nhiễm sâu vào đảo, nhu cầu dùng nước ngọt tăng mạnh nhưng từ sáng sớm đến tối mịt gắng lắm ông cũng chỉ lấy được 5 xe nước, vì lúc nào cũng có hàng trăm người tới giếng lấy nước về dùng.

Cầm chiếc gầu chứa đầy nước giếng từ tay anh Tri, tôi uống thử, quả thật nước ngọt, không hề lẫn vị mặn nước biển. Đem rửa mặt, nước mát, bao muối biển từ những làn gió biển thổi rồi bám vào da như trôi sạch, chỉ đọng lại sự sảng khoái, tỉnh táo. Càng cuối giờ chiều, người dân ra lấy nước mỗi lúc một đông.

Trong câu chuyện những ngư dân kể cho chúng tôi nghe, mỗi lúc ra khơi thì hình ảnh giếng cổ cùng vị nước ngọt khiến họ không thể quên được. Nó cũng gắn bó và thân thuộc như hình ảnh người thân trong gia đình, như dáng hình của đảo dù công việc có hiểm nguy đến mấy cũng không thể rời xa.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gieng-co-va-cau-chuyen-cua-nhung-nguoi-dan-dao-tien-tieu-175422.html