Giấy xanh cho cuộc sống xanh

Là đội xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia dành cho học sinh, sinh viên năm 2020, dự án 'Giấy xanh cho cuộc sống xanh' của nhóm học sinh trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã thuyết phục Ban giám khảo bằng tính khả thi cũng như ý nghĩa xã hội mà dự án mang lại.

Đơn giản hóa quy trình

Tận dụng các nguồn phế phẩm nông nghiệp, nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra công nghệ làm giấy vừa thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn gỗ đang khan hiếm hiện nay. Đồng thời, sản phẩm giấy từ phế phẩm nông nghiệp có thể dùng làm bao bì thay thế cho túi nilon, nhựa sử dụng một lần. So với các loại giấy trên thị trường, giấy sản xuất từ phế phẩm nông nghiệp có nhiều ưu điểm vượt trội. Đầu tiên là tính mới mẻ, hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình chế tạo, không dùng chất tẩy trắng sản phẩm.

Bên cạnh đó, sản phẩm còn có hoa văn tự nhiên độc, lạ, tạo nét riêng. Hiện nhóm đang tập trung làm ra 4 loại sản phẩm, gồm: Giấy phục vụ cho các cơ sở làm bao bì, đóng gói sản phẩm; túi giấy theo đơn đặt hàng; hộp quà; giấy gói quà, gói hoa.

Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phương Nga

Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phương Nga

Chia sẻ về công nghệ sản xuất giấy của mình, Trưởng nhóm Trịnh Ngọc Phương Anh cho biết, quy trình sản xuất giấy từ phế phẩm nông nghiệp được nhóm đặt mục tiêu phải đơn giản, rẻ tiền và hạn chế tác động môi trường. Do đó, quy trình sản xuất hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình tạo giấy, kể cả quá trình tẩy trắng. Vì vậy, giấy tạo ra trông rất thô sơ, có màu vàng nâu, thô ráp. Đây cũng có thể là điểm nhấn đặc trưng để người tiêu dùng có thể nhận diện sản phẩm mình sử dụng là giấy từ phế phẩm nông nghiệp và thân thiện môi trường.

Mặt khác, do cả nhóm vẫn đang là sinh viên nên tiềm lực về tài chính hạn chế, trong khi để đầu tư một dây chuyền sản xuất giấy công nghiệp phải có chi phí lên tới 2 tỷ đồng. Do đó, nhóm đã liên kết với Khoa Cơ khí trong trường để chế tạo ra một loại máy tinh gọn, với chi phí chỉ khoảng 300 triệu đồng.
Bảo vệ môi trường, tạo sinh kế mới
Nói về tính khả thi của dự án, Trịnh Ngọc Phương Anh cho biết, những năm gần đây, nhiều đơn vị, DN có xu thế thay thế túi nilon bằng túi giấy trong kinh doanh, dịch vụ. Chính vì điều này, áp lực lên ngành giấy ngày càng lớn. Trong khi đó, ở Việt Nam có lượng phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch khá lớn (60 – 70 triệu tấn/năm), trong đó có đến 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ.
Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, giấy được tạo ra từ nguồn phế phẩm nông nghiệp trong nước sẽ là một trong những xu hướng của ngành giấy, có thể giải quyết được những thiếu hụt sản lượng giấy do nhu cầu trong nước tăng cao, đồng thời giá thành thấp hơn so với giấy sản xuất từ bột giấy. Chi phí ước tính cho một túi giấy từ phế phẩm nông nghiệp rẻ hơn 1/2 lần so với túi giấy trên thị trường. Ngoài ra, với phong trào bảo vệ môi trường, những sản phẩm thân thiện môi trường đang có xu hướng lên ngôi, hứa hẹn tiềm năng phát triển không hề nhỏ cho giấy từ phế phẩm nông nghiệp.
Chia sẻ về kế hoạch thực thi dự án trong thời gian tới, Vân Anh cho biết, hiện nhóm đang sản xuất với quy mô nhỏ để khách hàng làm quen dần với sản phẩm. Sau thành công ở 2 cuộc thi khởi nghiệp, nhiều đơn vị đã liên hệ đặt hàng với số lượng lớn, trong đó có cả các đơn hàng xuất khẩu.

Sau khi hoàn thiện công nghệ sản xuất giấy đơn giản, tinh gọn, nhóm sẽ chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã nông nghiệp, nơi có nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn. Ở đó, người dân sẽ là những ông chủ, tự sản xuất, tự sơ chế, chế biến. Còn nhóm sẽ đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm. “Dự án được triển khai sẽ tạo thêm sinh kế mới cho người nông dân. Một mặt có thể đầu tư sản xuất giấy ngay tại địa phương, tạo công ăn việc làm, mặt khác người dân có thêm thu nhập từ phụ phẩm nông nghiệp” – Vân Anh bày tỏ.

Ngoài giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia dành cho học sinh, sinh viên năm 2020, trước đó dự án “giấy xanh cho cuộc sống xanh” cũng xuất sắc nhận giải Nhất trong cuộc thi Sáng kiến giảm rác thải nhựa năm 2020 do Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn thiên nhiên tài trợ cho khu vực Kiên Giang.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giay-xanh-cho-cuoc-song-xanh-405732.html