Giấy thông hành để gỗ và sản phẩm gỗ vào EU

Hiện nay, gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hơn 7,1 tỷ USD trong năm 2015, và gần 6 tỷ USD trong mười tháng năm 2016.

Chế biến gỗ xuất khẩu đã trở thành một trong những ngành hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời từng bước khẳng định vị thế ngành hàng trên thị trường quốc tế.

Nhằm thúc đẩy quản lý rừng và ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu phát triển bền vững, nhất là để có một tấm “giấy thông hành” bảo đảm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào Liên hiệp châu Âu (EU) không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Quy chế gỗ EU, từ tháng 10-2010, Việt Nam và EU đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT). Đến nay, sau sáu năm, với hàng chục phiên họp cấp cao và cấp kỹ thuật, Việt Nam và EU đã cơ bản kết thúc đàm phán những vấn đề cơ bản, cốt lõi của Hiệp định VPA/FLEGT. Đây không chỉ là dấu ấn mới trong việc hợp tác giữa hai bên nhằm chống khai thác gỗ trái phép, tăng cường quản trị rừng và thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp. Bởi khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết và phê chuẩn, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ có một tấm "giấy thông hành" để mở rộng thị trường xuất khẩu tại khu vực EU, đồng thời tới các thị trường khác, mang lại các lợi ích lớn hơn về kinh tế, môi trường và xã hội, cũng như nâng cao thương hiệu và hình ảnh ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Tuy nhiên, để có được tấm “giấy thông hành” đã khó, giữ được còn khó hơn. Hiện cả nước có gần 3.900 cơ sở chế biến gỗ các loại, nhưng có tới 95% thuộc sở hữu tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, chỉ có 5% thuộc sở hữu nhà nước. Nếu xét trên quy mô vốn đầu tư thì có hơn 93% tổng số doanh nghiệp chế biến gỗ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ; 5,5% có quy mô vừa, và chỉ có 1,2% số doanh nghiệp có quy mô lớn. Bởi vậy, ngay từ bây giờ cần rà soát, tổ chức quy hoạch lại các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu, không để phát triển ngoài quy hoạch, chạy theo thị trường và không kiểm soát về chất lượng, nhất là các cơ sở chế biến quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Từng bước nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng trong nước và nước ngoài, xây dựng thương hiệu bền vững và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm xuất khẩu. Mỗi vùng, hay khu vực cần chọn một làng nghề gỗ, hay một doanh nghiệp đủ năng lực làm đầu đàn tổ chức, hợp tác sản xuất, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ chế biến xuất khẩu; xây dựng cơ cấu sản phẩm phù hợp với các phân khúc thị trường; cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm ổn định và mở rộng thị trường.

Cuối cùng, để tránh sử dụng gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, hạn chế rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, các làng nghề cần nói “không” với gỗ lậu. Đồng thời chủ động tổ chức tìm hiểu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31367002-giay-thong-hanh-de-go-va-san-pham-go-vao-eu.html