Giây phút đòn không kích của Israel xóa sổ tòa nhà báo chí ở Gaza

AP và Al Jazeera đã gọi điện khẩn cấp cho quân đội, cơ quan ngoại giao, văn phòng thủ tướng của Israel yêu cầu hủy bỏ vụ không kích nhưng đều bị từ chối.

“Hãy cho tôi 15 phút”, một nhà báo của AP cầu xin qua điện thoại với một sĩ quan tình báo Israel. “Chúng tôi có rất nhiều thiết bị, bao gồm cả máy ảnh và những thứ khác”, anh nói thêm từ bên ngoài tòa nhà. "Tôi có thể mang tất cả ra".

Jawad Mahdi, chủ sở hữu của tòa nhà, cũng cố gắng xin thêm thời gian. “Những gì tôi yêu cầu là để bốn người vào trong và lấy máy ảnh”, anh nói.

Anh Mahdi cầu xin: “Chúng tôi tôn trọng mong muốn của các anh. Chúng tôi sẽ không làm điều đó nếu các anh không cho phép, nhưng hãy cho chúng tôi 10 phút”.

 Một bức ảnh kết hợp cho thấy tòa nhà al-Jalaa sụp đổ sau khi bị tên lửa Israel bắn trúng. Ảnh: Reuters.

Một bức ảnh kết hợp cho thấy tòa nhà al-Jalaa sụp đổ sau khi bị tên lửa Israel bắn trúng. Ảnh: Reuters.

“Hãy cho chúng tôi 10 phút”

"Sẽ không có 10 phút", một quan chức Israel trả lời. "Không ai được phép đi vào tòa nhà, chúng tôi đã cho các người một giờ để sơ tán".

Khi yêu cầu bị từ chối, Mahdi buồn bã trả lời: “Các anh đã phá hủy công việc, ký ức, cuộc sống của chúng tôi. Tôi sẽ cúp máy, làm những gì các anh muốn. Chúa ơi!".

Youmna al-Sayed có chưa đầy một giờ để chạy trốn đến nơi an toàn. Tuy nhiên, chỉ có một chiếc thang máy hoạt động trong tòa nhà al-Jalaa, al-Sayed đã phải chạy bộ. Al-Jalaa là một tòa nhà 11 tầng ở thành phố Gaza có khoảng 60 căn hộ dân cư và một số văn phòng, bao gồm cả mạng lưới báo chí Al JazeeraThe Associated Press.

“Chúng tôi nhường thang máy cho người già và trẻ em sơ tán”, nhà báo tự do người Palestine nói. “Tất cả chúng tôi chạy xuống thang bộ và bất cứ ai có thể giúp trẻ em đều sẽ bế chúng xuống cùng”, cô nói thêm.

“Bản thân tôi đã giúp hai đứa trẻ ở đó và đưa chúng xuống cầu thang. Mọi người chỉ biết cố gắng tháo chạy thôi”. Tuy nhiên, một tiếng đồng hồ là chưa đủ.

Một phụ nữ Palestine bế con sơ tán sau một cuộc không kích của Israel. Ảnh: Reuters.

Trong 15 năm, văn phòng trên tầng cao nhất của AP là vị trí đắc địa để đưa tin về các cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza, bao gồm các cuộc chiến vào năm 2009, 2012 và 2014. Máy quay của hãng tin đã trực tiếp liên tục trong 24 giờ, cung cấp các cảnh quay tên lửa Hamas bắn về phía Israel và máy bay Israel không kích Dải Gaza.

“Chúng tôi bị sốc và kinh hoàng bởi hành động của tấn công của quân đội Israel nhằm phá hủy các văn phòng của AP và các cơ quan tin tức khác ở Gaza”, Gary Pruitt, chủ tịch và giám đốc điều hành của AP, tuyên bố.

Tòa nhà đặt một số văn phòng, bao gồm cả văn phòng của tổ chức tin tức Al Jazeera. Tòa nhà được xây dựng vào giữa những năm 1990. Đây là một trong những tòa nhà cao tầng lâu đời nhất của thành phố Gaza. Hàng chục cư dân sống tại các căn hộ ở các tầng trên cũng phải di tản ngay lập tức.

Ngay trước đó, quân đội Israel đã đưa ra cảnh báo qua điện thoại rằng cư dân chỉ có một giờ để sơ tán khỏi tòa nhà trước khi máy bay chiến đấu tấn công. Safwat al-Kahlout của Al Jazeera cũng phải nhanh chóng di dời. Ông và các đồng nghiệp của mình “nhanh chóng thu thập nhiều nhất có thể, từ đồ đạc cá nhân cho đến thiết bị của văn phòng, đặc biệt là máy ảnh”.

Quân đội Israel tuyên bố tòa nhà có "lợi ích quân sự của tình báo Hamas". Đây là một lời cáo buộc quen thuộc được sử dụng bởi Israel sau khi đánh bom các tòa nhà ở Gaza. Israel cũng cáo buộc Hamas sử dụng các nhà báo làm lá chắn người. Tuy nhiên, phía Israel không cung cấp được bằng chứng để chứng minh tuyên bố của mình.

Cuộc tấn công đáng ngờ

“Tôi đã làm việc tại văn phòng này hơn 10 năm và chưa từng thấy bất cứ điều gì đáng ngờ”, al-Kahlout nói.

“Tôi thậm chí còn hỏi các đồng nghiệp của mình xem họ có thấy điều gì đáng ngờ không. Tất cả đều xác nhận với tôi rằng chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ yếu tố liên quan đến quân sự hoặc các chiến binh ra vào tòa nhà”, anh nói thêm.

“Trong tòa nhà, chúng tôi có rất nhiều gia đình mà chúng tôi quen hơn 10 năm. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày trên đường ra vào văn phòng”.

Ông Pruitt cũng nói với Al Jazeera: “Tôi có thể nói rằng văn phòng của chúng tôi đã ở trong tòa nhà khoảng 15 năm. Chúng tôi chắc chắn rằng Hamas không ở đó".

Người Palestine chạy trốn khỏi các cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP.

Al-Sayed đã đưa tin về cuộc tấn công của Israel nhằm vào Al Jazeera và AP. Cô không thể hiểu một tòa nhà gia đình và văn phòng cho luật sư, bác sĩ và nhân viên truyền thông có thể gây ra bất kì mối đe dọa nào.

“Báo động cho việc tấn công tòa nhà này từ bao giờ? Thành viên Hamas hay bất kì nhân viên quân đội nào có thể ở trong tòa nhà này chạy đâu mất rồi?”, cư dân Gaza hỏi nhau.

“Những người ở đây, những cư dân, tất cả đều biết nhau. Năm tầng đầu tiên là các văn phòng đã đóng cửa trong thời gian leo thang. Vì vậy, về cơ bản những gì vẫn còn ở đây là hai văn phòng truyền thông của Al JazeeraAP và các căn hộ dân cư”, Al Sayed nói.

Giây phút kinh hoàng

Islam az-Zaeem, một luật sư làm việc trong tòa nhà, đang ở nhà thì người anh họ gõ cửa và nói rằng al-Jalaa sắp bị phá hủy. Az-Zaeem chạy đến tòa nhà và thấy cư dân, nhân viên đang tập trung bên ngoài.

“Tôi vào trong đi thang bộ vì mất điện và thang máy không hoạt động. Tôi bị kích động, nhiều lần ngã xuống trong bóng tối, la hét và khóc lóc”, anh nói. Tổng cộng 9 cộng sự pháp lý và 4 thực tập sinh làm việc trong văn phòng của anh đã rời tòa nhà 5 phút trước khi cuộc tấn công xảy ra.

Một cảnh sát Palestine đứng trong đống đổ nát của tòa nhà al-Jalaa. Ảnh: Reuters.

“Ngay cả sau khi tòa nhà sụp đổ, tôi vẫn tiếp tục hét lên rằng tôi đã quên khóa cửa văn phòng. Sau đó, tôi nhận ra văn phòng bây giờ chỉ còn trong trí tưởng tượng”.

Nhà báo Fares Akram của AP cho biết anh đang ngủ trong văn phòng sau một đêm dài báo cáo. Bỗng nhiên các đồng nghiệp của anh bắt đầu hét lên “Sơ tán! Sơ tán!”. Anh Akram vội vàng lấy những gì có thể, laptop, một số thiết bị điện tử và một vài thứ trên bàn làm việc. Sau đó anh chạy xuống cầu thang và nhảy lên xe.

Anh chỉ kịp lấy một chiếc đĩa trang trí có hình gia đình, một chiếc cốc cà phê do con gái tặng từ năm 2017 và giấy chứng nhận đánh dấu năm năm làm việc tại AP.

“Tôi bắt đầu rời đi. Sau đó, tôi nhìn lại nơi này, nơi đã từng là quê hương thứ hai của tôi trong nhiều năm. Tôi nhận ra đây là lần cuối cùng tôi có thể nhìn thấy nó”, anh viết.

“Tôi đội mũ bảo hiểm vào. Và tôi chạy. Ở Gaza, không có nơi nào an toàn”.

Khi đã đi đủ xa, Akram dừng xe và ra ngoài để nhìn lại tòa tháp. Anh cho biết đã chứng kiến máy bay không người lái tấn công tòa nhà, sau đó là ba cuộc tấn công tăng cường từ các máy bay F-16.

“Lúc đầu, nó trông giống như thứ gì đó có nhiều lớp đang sụp đổ. Tôi đã nghĩ đến một bát khoai tây chiên. Điều gì có thể xảy ra nếu bạn chạm tay vào chúng. Khói bụi bao trùm mọi thứ. Tiếng động ầm ầm nổi lên. Sau đó, tòa nhà từng là nhà của một số người, văn phòng của những người khác và cả đối với tôi đã biến mất trong một lớp bụi mù mịt”.

Fares al-Ghoul, giám đốc điều hành của tập đoàn truyền thông Al Mayadeen, cho biết công ty của ông trước đây có trụ sở tại tòa nhà Shorouq. Tòa nhà đã bị phá hủy vào ngày 13/5 bởi tên lửa Israel.

Ông nói: “Các tầng trên của Shorouq là mục tiêu từ cuộc chiến năm 2014. Vào năm 2019, chúng tôi chuyển văn phòng đến tòa nhà al-Jalaa vì chúng tôi nghĩ rằng ở đó sẽ an toàn hơn. Bây giờ cả hai đều bị phá hủy”.

Khi trời tối, các gia đình và nhà báo bắt đầu quay trở lại al-Jalaa với hy vọng có thể cứu vớt lại một số đồ đạc bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Không thể "bịt miệng" truyền thông

Vụ đánh bom al-Jalaa bị lên án rộng rãi là một nỗ lực nhằm "bịt miệng" các nhà báo đưa tin về cuộc tấn công của Israel. Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau một cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn Shati, giết chết 10 thành viên trong cùng một gia đình, bao gồm 8 trẻ em và 2 phụ nữ. Họ đang ăn mừng lễ Eid al-Fitr, lễ hội tôn giáo đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan.

Ít nhất 145 người Palestine, trong đó có 39 trẻ em, đã thiệt mạng ở Dải Gaza kể từ ngày 10/5. Khoảng 950 người khác cũng bị thương.

Người Palestine kiểm tra những ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc không kích trong đêm của Israel tại thị trấn Beit Hanoun, phía bắc Dải Gaza. Ảnh: AP.

Bạo lực xảy ra sau khi Israel lên kế hoạch cưỡng chế di dời các gia đình Palestine khỏi Sheikh Jarrah, Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Cuộc tấn công của lực lượng cảnh sát Israel nhắm vào người Hồi giáo Palestine tại khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình lan rộng ở Jerusalem, Bờ Tây và bên trong Israel. Hamas cho biết đã bắn tên lửa về phía Israel để đáp trả các cuộc tấn công. Ít nhất 9 người Israel cũng đã thiệt mạng.

"Thế giới sẽ biết ít hơn về những gì đang xảy ra ở Gaza vì những gì đã xảy ra ngày hôm nay", ông Pruitt cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu qua điện thoại về tình trạng bạo lực gia tăng. Ông Biden đã nêu quan ngại về sự an toàn của các nhà báo và yêu cầu Israel phải đảm bảo an ninh cho họ.

Hiệp hội Báo chí Nước ngoài bày tỏ "sự lo lắng và nghiêm trọng" về vụ tấn công. Hiệp hội đại diện cho khoảng 400 nhà báo làm việc cho các tổ chức truyền thông quốc tế ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine.

"Việc cố ý phá hủy văn phòng của một số tổ chức tin tức lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới đặt ra mối lo ngại sâu sắc về việc Israel sẵn sàng can thiệp vào quyền tự do báo chí", hiệp hội tuyên bố. "Sự an toàn của các văn phòng tin tức khác ở Gaza hiện cũng đang được đặt ra".

Joel Simon, giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, cho biết cuộc tấn công làm dấy lên lo ngại rằng Israel đang nhắm vào các phương tiện truyền thông. Hành động này nhằm "làm gián đoạn việc đưa tin về những đau khổ của con người ở Gaza". Ông yêu cầu Israel "biện minh chi tiết và bằng văn bản" cho cuộc tấn công.

Viện Báo chí Quốc tế, một mạng lưới toàn cầu gồm các nhà báo và giám đốc điều hành truyền thông, đã lên án vụ tấn công là "vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đã được quốc tế thống nhất".

Quân đội Israel từ lâu đã có quan hệ không tốt với các phương tiện truyền thông nước ngoài. Lực lượng này cáo buộc các nhà báo quốc tế có thành kiến với họ.

Cuộc tấn công diễn ra một ngày sau khi quân đội Israel cung cấp thông tin mơ hồ cho giới truyền thông về một cuộc tấn công trên bộ có thể xảy ra vào Gaza. Hóa ra là không có cuộc tấn công trên bộ nào. Tuyên bố này là một phần của mưu mẹo phức tạp nhằm lừa các chiến binh Hamas vào các vị trí phòng thủ dưới lòng đất. Sau đó, Israel đã tiêu diệt những người này bằng các cuộc không kích, theo AP.

Tên lửa Israel san phẳng tòa nhà có văn phòng AP, Al Jazeera ở Gaza Cuộc không kích của Israel hôm 15/5 đã phá hủy hoàn toàn một tòa nhà cao tầng, nơi đặt trụ sở văn phòng của Al Jazeera và AP ở Dải Gaza.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giay-phut-don-khong-kich-cua-israel-xoa-so-toa-nha-bao-chi-o-gaza-post1216025.html