Giấy phép con vẫn 'hành' doanh nghiệp

Chưa tới 1 nửa - chỉ 40% việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là thực chất, đấy là chưa kể mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không đồng đều giữa các bộ, thậm chí không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.

Đây là thông tin tại Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - Góc nhìn từ doanh nghiệp, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố sáng 20-11.

Theo báo cáo cùa VCCI, qua khảo sát các doanh nghiệp (DN), môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương. “Trong 11 lĩnh vực, hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập DN và tiếp cận điện năng. Trong khi đó, các lĩnh vực về thủ tục xuất nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản DN được xem là không có cải thiện đáng kể.

Đáng lưu ý, về cắt giảm điều kiện kinh doanh, mặc dù hầu hết các Bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.

Cần nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng giấy phép con, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển.

Một vấn đề trọng điểm đó là giấy phép con vẫn “hành” DN. Cụ thể, DN phản ánh việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Kết quả điều tra PCI 2017 cho thấy vẫn có đến 58% trên tổng số DN phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% DN cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.

Tham luận tại hội thảo, từ góc nhìn của mình, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, kết quả thực chất của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh không đạt như mong đợi. “Kinh nghiệm cho thấy quá trình cắt bỏ giấy phép mất rất nhiều thời gian, rất khó khăn và gian khổ nhưng quá trình phục hồi lại rất nhanh, và mức độ “cài cắm” sau mỗi lần phục hồi lại tinh vi hơn”, ông Cung nói.

Bởi vậy, để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất cần có một cơ quan độc lập đánh giá chất lượng của quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đơn vị ban hành điều kiện kinh doanh, cần có đơn vị chủ trì việc rà soát độc lập. Việc đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải có thẩm định tác động về kinh tế. Ngoài ra, phải minh bạch khi áp dụng điều kiện kinh doanh và cần có bộ phận chuẩn hóa về điều kiện kinh doanh trong cơ quan Chính phủ...

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/giay-phep-con-van-hanh-doanh-nghiep-520979/