'Giàu nghị lực, độc lập lựa chọn và thực hiện đam mê bằng tất cả quyết tâm'

Đó là thông điệp mà Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê và TS Nguyễn Thành Nam muốn gửi đến các bạn trẻ khi cùng thảo luận về chủ đề bình đẳng trong giáo dục, những câu chuyện về nỗ lực cá nhân, tự vươn lên để đạt ước mơ của mình tại Lễ hội âm nhạc Thu hẹp khoảng cách Bridge Fest 2019, vừa được tổ chức ngày 13-1 tại Hà Nội.

Hoa hậu H'Hen Niê và TS Nguyễn Thành Nam cùng trò chuyện với các bạn trẻ.

Người giàu nghị lực sẽ thành công

Khi hướng về những người anh em dân tộc thiểu số còn đang ở các buôn làng của mình muốn thay đổi, hướng tới cuộc sống hiện đại, từ kinh nghiệm và suy nghĩ của mình, Hoa hậu H’Hen Niê nói rằng: Cần phải thay đổi nếp nghĩ muốn lấy những điều lợi “ngắn” trước mắt mà làm mất đi sự cố gắng đạt mục đích lâu dài. Cô cũng thẳng thắn đưa ra nhận xét: Thanh niên dân tộc thường hay muốn làm việc gì đó có thể có tiền ngay, vì thế mà có thể bỏ cả việc học, họ không thấy rằng, học tập đầy đủ sẽ có thể tìm được những công việc kiếm được nhiều tiền hơn và giúp mình có vị trí khác trong xã hội.

H’Hen Niê đã mơ ước trở thành nhân viên ngân hàng từ khi còn là cô bé ở một buôn làng Ê-đê xa lắc. Từ một ước muốn thơ ngây, cô bé H’Hen đã nỗ lực vượt qua nhiều sức ép từ gia đình, từ phong tục tập quán để không lấy chồng sớm, để học hết phổ thông rồi trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại (TP Hồ Chí Minh), chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, dù gặp vô vàn khó khăn. Rồi cuộc đời lại đưa cô gái dân tộc Ê-đê sang “ngã rẽ” làm người mẫu, trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và mới đây cô đã lọt vào trong top 5 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới. Mỗi bước thành công của H’Hen đều là kết quả của nỗ lực vươn lên trong học tập - từ việc đầu tiên là khắc phục rào cản ngôn ngữ với các bạn ở thành phố cho đến việc rèn luyện các kỹ năng của một hoa hậu. Cô đã thành công và là tấm gương xứng đáng để các bạn trẻ học tập - không phải để trở thành hoa hậu (điều không phải ai cũng có thể đạt được) mà để sống đúng với đam mê của mình (điều ai cũng cần phải có).

Cần độc lập chọn lựa và quyết tâm thực hiện

TS Nguyễn Thành Nam là một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT. Với tư duy độc đáo và sáng tạo, ông đã khai phá và phát triển thành công việc xuất khẩu phần mềm cho Tập đoàn FPT. Ông là cựu CEO của FPT và đang là Hiệu trưởng đại học trực tuyến FUNIX.

TS Nguyễn Thành Nam cho rằng, bất bình đẳng trong việc học tập không chỉ biểu hiện ở việc trẻ em có được tiếp cận trường học hay không, mà còn ở việc các em học sinh được tự chọn theo đuổi những gì mình mong muốn. Ông muốn nhắn nhủ với mỗi bạn trẻ tinh thần độc lập trong suy nghĩ, độc lập trong mỗi lựa chọn của mình - chấp nhận hay kể cả việc từ bỏ một điều gì đó. Thế hệ trẻ hôm nay đang chịu nhiều sức ép về việc “phải có bằng cấp gì đó”, “phải đạt được điều gì đó”. Sức ép lớn này đến từ sự kỳ vọng của gia đình, cũng như của chính bản thân khi phải làm (được) điều gì đó. Nhiều vị phụ huynh ép con cái đi trên con đường của họ và các em dù không muốn nhưng cũng không dám từ bỏ.

Với TS Nguyễn Thành Nam: “Tốt nghiệp là tự trả lời được câu hỏi của chính cuộc đời mình, “tôi là ai? tôi muốn gì? và điều gì phù hợp với tôi?” chứ không phải là những điểm 7, điểm 8 hay một tấm bằng trên tay” và: “Tốt nghiệp là quyết định của sinh viên, không phải là quyết định của nhà trường”.

Internet là một phương tiện tuyệt vời

Để có bình đẳng về cơ hội nhận được sự giáo dục, với những vùng sâu, vùng xa, thanh thiếu niên không có điều kiện đến các thành phố lớn để học thì cần tìm cách “mang trường đến cho họ”… Internet là một giải pháp hiệu quả khắc phục trở ngại về các yếu tố môi trường, khoảng cách, điều kiện vật chất và các bạn trẻ cần nắm được ưu thế này.

Việt Nam là nước đã tương đối phổ cập internet và điều này có thể hỗ trợ cho giáo dục rất nhiều, đặc biệt với những vùng sâu, vùng xa. Sự phát triển của internet và công nghệ thông tin đã cho phép mọi người, dù ở xa, không cần đi khỏi nơi sinh sống, vẫn có cơ hội tự học được những chương trình hiện đại nhất trên thế giới. Khi họ bước ra khỏi vùng quê, đã có thể đủ hành trang kiến thức để thực hiện ước mơ của mình và cống hiến cho xã hội.

Sang thế kỷ 21, internet đã tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng hơn. Ở đó, một cậu bé người dân tộc thiểu số hoàn toàn có cơ hội tiếp cận với những chương trình giáo dục tốt như những sinh viên của một trường đại học hàng đầu của Mỹ. Giáo dục online cũng có thể cho sinh viên “nghỉ chân” giữa đường nếu mỏi mệt để đưa ra quyết định tiếp tục bước đi hay tìm một lối rẽ mới. Internet cũng là môi trường lý tưởng để sinh viên bước ra với thế giới rộng lớn và tự tìm kiếm cho mình những gì có thể thỏa mãn đam mê.

TS Nguyễn Thành Nam cũng nói về sự tự chủ khi tự học với các bạn trẻ: Con đường tự học không phải là con đường thẳng mà có thể có nhiều “ngã rẽ”. Trước mỗi “ngã ba cuộc đời” của mình, mỗi người đều cẩn có bản lĩnh để quyết định chọn lựa dù có thể nghe tư vấn từ những người có kinh nghiệm hơn.

BridgeFest 2019 - Lễ hội âm nhạc Thu hẹp Khoảng cách gồm nhiều hoạt động của giới trẻ với sự tham gia của các tổ chức, các nhóm hoạt động xã hội tại Việt Nam. Những hoạt động hướng tới mục tiêu chung là chống bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách trong cộng đồng.

VƯƠNG ANH (ghi)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/38919502-%E2%80%9Cgiau-nghi-luc-doc-lap-lua-chon-va-thuc-hien-dam-me-bang-tat-ca-quyet-tam%E2%80%9D.html