Giàu hai con mắt...

Thời gian gần đây, lượng bệnh nhân đi khám đau mắt đỏ tăng đột biến. Tại nhiều trường học ở Hà Nội số học sinh nghỉ học vì đau mắt đỏ khá nhiều. Riêng tại BV Mắt trung ương, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị chiếm khoảng 12-15 % tổng số bệnh nhân.

Dễ lây lan

Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc cấp, là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây nên. Sau mỗi đợt mưa kéo dài, dịch đau mắt đỏ lại xuất hiện. Đây là thời điểm thuận lợi cho virus phát triển mạnh. Theo BS Trần An- nguyên phó giám đốc BV Mắt trung ương, đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng cao vào giai đoạn tháng 8-10, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.

Theo ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là bệnh rất dễ mắc và chưa có văcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa. Đây là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.

Gần đây, các BS cũng gặp khá nhiều bệnh nhân bị bệnh viêm kết mạc. Nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm kết mạc là việc mắt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng. Trong đó, viêm kết mạc có thể do trong hồ bơi có chất chlorine làm mắt đỏ kích ứng kéo dài. Ngoài ra, việc tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm các loại vi khuẩn như Chalamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục xâm nhập mắt. Biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, diễn biến kéo dài nếu không được điều trị đúng.

Theo BS Trần An, bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt. Buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu, đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt. Người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai. Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm, nhưng nếu để bệnh nặng, mắt có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì sẽ gây khó khăn hơn trong điều trị.

Về nguy cơ lây bệnh, BS Lê Xuân Thủy (Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay; cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt…; dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối... Đặc biệt, cách lây nhiễm phổ biến là qua đường hô hấp. Khi người bệnh nói chuyện hoặc ho, nhảy mũi sẽ bắn ra những hạt nước có mang virus và lây cho người lành. Một lần hắt hơi có thể đem virus bệnh bắn xa tới 7 m. Đó có thể là tác nhân lây bệnh.

Tránh nhầm lẫn

Trước tình trạng bùng phát bệnh đau mắt đỏ, PGS.TS Cung Hồng Sơn- Phó Giám đốc BV Mắt trung ương khuyến cáo bệnh nhân nên đi khám các BS chuyên khoa để phát hiện đúng bệnh vì bệnh viêm kết màng cấp - viêm đau mắt đỏ - rất dễ nhầm với viêm màng bồ đào cấp và nếu diễn biến nặng có thể trở thành bệnh viêm mủ nội nhãn. Tiên lượng của viêm mủ nội nhãn rất nặng và khả năng giữ được thị giác rất là ít. Bệnh viêm màng bồ đào cấp cũng có những triệu chứng tương tự như bệnh đau mắt đỏ, nhưng có một số triệu chứng hơi khác như là nhức nhiều hơn, mắt mờ nhiều hơn.

Các chuyên gia nhãn khoa ở Viện Mắt trung ương cũng cảnh báo, một số trường hợp nặng gây ra viêm kết mạc có giả mạc. Giả mạc là màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt và chỉ nhìn thấy khi lật mi lên. Khi có giả mạc chứng tỏ sức đề kháng của mắt đã yếu, bệnh đang có chiều hướng nặng thêm và độc tính của virus cao. Những trường hợp này mắt sưng rất nặng và kéo dài do giả mạc bít vào mặt sau mắt làm cho thuốc không ngấm vào được tổ chức bệnh. Do vậy cần có sự can thiệp của bác sỹ giúp bóc bỏ lớp màng để thuốc phát huy tác dụng. Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc phải viêm kết mạc có giả mạc. Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nhiều nếu giả mạc không được bóc đi. Khi khỏi, giả mạc bị xơ hóa, co rút lại làm cho bề mặt sau kết mạc mi dúm dó, gây cạn cùng đồ làm mắt khó liếc nhìn về các phía.

Tuyệt đối không đắp lá trầu, lá dâu

Theo BS Cung Hồng Sơn, khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần tuân thủ những điều sau: Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn, đeo kính mát cho mắt.

Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Ngoài ra, mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Để phòng bệnh, cần chủ động thực hiện các biện pháp: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đau mắt đỏ cần phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Tuyệt đối không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu... Mặc dù trong lá trầu, lá dâu có thành phần kháng khuẩn, nhưng chưa được kiểm nghiệm lâm sàng trên thực tế, vì vậy, việc đắp lá trầu, lá dâu lên mắt có thể gây biến chứng, khiến bệnh nặng hơn.

Nhìn trực tiếp có thể lây đau mắt đỏ?

Tại buổi chia sẻ về các bệnh lý mắt mùa hè mới đây, BS Đặng Xuân Nguyên - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 - cho hay thực tế vẫn còn nhiều người cho rằng đeo kính râm khi đau mắt đỏ có thể giúp người khác không bị lây bệnh cũng như việc nhìn vào mắt người bệnh sẽ bị lây. Theo BS Nguyên, việc nhìn vào mắt nhau không thể lây bệnh bởi tác nhân gây bệnh thường do virus gây ra. Virus đau mắt đỏ có nhiều trong dịch tiết của mắt (nước mắt, ghèn), trong mũi, miệng, nước bọt của người bệnh.

Lệ Quyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/giau-hai-con-mat-tintuc414405