Giật mình với tin nhắn rác

Cuối cùng thì lô 'đất vàng' bốn mặt tiền, rộng hơn 7.000 m2 nằm ở bờ Đông sông Hàn (TP Đà Nẵng) đã được bán đấu giá thành công, với tổng mức hơn 310 tỷ đồng. Lẽ ra khu đất này đã được bán đấu giá từ chiều 5/6.

Song, trước khi bắt đầu thực hiện đấu giá, ban tổ chức đã nhận được tin nhắn lạ khẳng định có sự thông thầu giữa các doanh nghiệp, có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước, do vậy phải dừng lại. Việc dừng bán đấu giá lô đất trên là hoàn toàn chính xác, nhưng từ đó cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý.

Tất nhiên, khi có thông tin về việc các doanh nghiệp tham gia đấu giá thông thầu với nhau, thì Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP Đà Nẵng dừng lại để báo cáo lên cấp trên là việc làm đúng đắn và đầy trách nhiệm. Song, vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng tỏ ra hoạt động không hiệu quả, bởi suốt hơn một tháng trời không thể xác định được thông tin thông thầu có chính xác không, ai nhắn tin, nhắn với mục đích gì? Cuối cùng vì bó tay không xác định được nên vẫn phải mở bán đấu giá.

Giả sử, chỉ là giả sử thôi. Nếu thật sự có sự thông thầu giữa các doanh nghiệp, nhưng vì Công an TP Đà Nẵng không thể xác định được việc đó, thì tài sản nhà nước sẽ bị thất thoát. Lý do mà Công an TP Đà Nẵng đưa ra có vẻ không thực sự thuyết phục dư luận: Đó là tin nhắn từ sim rác nên không có cơ sở xác định. Cách đây khoảng hơn chục năm, có vụ giết người ở khu vực Mỹ Đình (Hà Nội). Dù hung thủ đã bỏ trốn, vứt sim điện thoại đi, vẫn bị Công an Hà Nội tóm gọn khi chuẩn bị vượt qua biên giới.

Vấn đề ở đây chỉ là có sự quyết tâm, có muốn làm đến nơi đến chốn hay không mà thôi. Về nguyên tắc, khi một sim kích hoạt sẽ gắn liền với IMEI (mã số nhận dạng thiết bị di động quốc tế), cho dù có vứt sim đi thì khi điện thoại đó mở lại (dù với sim khác) vẫn có thể truy đến tận nơi. Đó là còn chưa kể có thể dễ dàng xác định được tin nhắn đó được gửi từ khu vực nào, thậm chí ở cột phát sóng BTS nào... Vậy có lý gì không xác định được?

Ấy vậy mà Công an Đà Nẵng khẳng định tin nhắn từ sim rác không thể xác định được. Nếu thay vì là thông tin có sự thông thầu giữa các doanh nghiệp tham gia đấu giá, lại là thông tin đe dọa khủng bố, đe dọa giết người, liệu Công an Đà Nẵng có bó tay chịu trận, chờ đến khi sự việc xảy ra mới tá hỏa truy tìm? Phòng chống tội phạm cốt yếu là ở phòng ngừa, chứ không phải là chạy theo sự vụ để chống. Nếu phòng tốt có thể ngăn ngừa tội ác xảy ra, tài sản nhà nước không bị thất thoát, không phải lập án vất vả.

Ở khía cạnh khác, từ rất lâu rồi các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone... vẫn luôn cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và khách hàng là sẽ ngăn chặn triệt để tin nhắn rác. Song, đến thời điểm này có thể khẳng định, các “ông lớn” viễn thông chỉ hứa lèo, không hề muốn thực hiện bởi nếu vậy họ sẽ mất số lượng thuê bao không nhỏ, giảm thị phần. Đó là lý do nhiều khách hàng cảm thấy điên đầu vì phải chịu trận với những tin nhắn rác, cuộc gọi spam không có cách nào tránh được.

Đáng tiếc là cơ quan quản lý cũng chưa có cách nào răn đe để các nhà mạng biết sợ mà dừng trò chơi hai mặt, đó là một mặt hứa và cam kết nhưng mặt khác lại tiếp tục tung ra sim rác, cho kích hoạt sim rác. Khi nào cơ quan quản lý chưa dẹp được “loạn sim rác”, cơ quan công an còn bó tay với sim rác thì khi đó nhiều người vẫn phải giật mình vì tin nhắn rác!

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giat-minh-voi-tin-nhan-rac-490812.html